Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy và đoàn công tác khảo sát thực tế tại Hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn).Ảnh: P.V
Hòa cùng dòng chảy lịch sử hằng nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam, đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã sắt son một lòng, phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, đoàn kết gắn bó keo sơn, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, khoa học, kịp thời và đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế có bước phát triển; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm có bước phát triển quan trọng. An sinh xã hội được bảo đảm và đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại được tăng cường, mở rộng. Đạt được những kết quả quan trọng như vậy, bên cạnh sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, hiệu quả của Trung ương và sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc, thì cội nguồn sâu xa chính là ở giá trị tinh thần, sức mạnh nền tảng của văn hóa và con người Hòa Bình.
Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối và các văn kiện của Đảng về công tác văn hóa; đặc biệt là cụ thể hóa tinh thần, nội dung kết luận và phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 2 vào thực tiễn địa phương nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Hòa Bình xác định, xây dựng, phát triển văn hóa là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để tập trung chỉ đạo. Qua đó, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hòa Bình được quan tâm. Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, văn nghệ từng bước được nâng cao. Sản phẩm, dịch vụ văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, tham gia nhiều hơn vào các chuỗi giá trị, trực tiếp góp phần đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 11/10/2021 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và lãnh đạo tổ chức triển khai có hiệu quả, đã ban hành Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hoá Mo Mường Hoà Bình, giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo; Đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2018 - 2030; Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc Mường và nền "Văn hoá Hoà Bình” giai đoạn 2023 - 2030... góp phần nâng cao môi trường văn hóa, nếp sống văn hóa ở các địa phương. Đặc biệt, tổ chức Hội nghị toàn tỉnh triển khai Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc Mường và nền "Văn hoá Hoà Bình” giai đoạn 2023 - 2030 vào những ngày đầu năm mới 2024. Đây là việc làm cụ thể tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội (NQĐH) toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021; NQĐH Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững.
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh năm 2023 được tổ chức góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường Hòa Bình. Ảnh: T.L
Để bảo tồn, phát huy mạnh mẽ hơn nữa các giá trị truyền thống đặc sắc của văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, thực hiện thắng lợi NQĐH toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; NQĐH Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, phải xác định việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” là nhiệm vụ quan trọng, là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền, Nhân dânlà chủ thể thực hiện. Góp phần ngăn chặn, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu; đồng thời, phát triển văn hóa, xây dựng con người mới, nếp sống mới, tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” để trở thành nguồn lực cho phát triển KT-XH, nhất là phát triển du lịch. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, các nội dung của Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”. Qua đó chuyển tải đến bạn bè trong nước và quốc tế những giá trị lịch sử văn hóa hấp dẫn và bổ ích, giáo dục về lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
Hai là, xác định rõ, xây dựng, phát triển văn hóa là một khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Gắn kết chặt chẽ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của tỉnh. Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đầu tư các thiết chế văn hóa hiện đại, đồng bộ hóa hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, phù hợp với văn hóa của từng địa phương, từng dân tộc; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp các dân tộc, gắn với triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ba là, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình" giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ đạo xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích Hang xóm Trại, xã Tân Lập và Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn là di tích khảo cổ quốc gia đặc biệt, tiến tới xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO đưa nền Văn hóa Hòa Bình vào danh mục di sản của nhân loại. Lập Dự án tu bổ, tôn tạo cảnh quan di tích khảo cổ Quốc gia Hang xóm Trại, xã Tân Lập và Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn. Hoàn thiện hồ sơ khoa học di sản văn hoá Mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ trình tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đầu tư xây dựng khu Bảo tồn không gian Văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại huyện Tân Lạc, bao gồm: Bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường, khu vực sân khấu trình diễn văn hóa Mường, ẩm thực của người Mường, khu vực tổ chức lễ hội Khai hạ, khu vực làng người Mường cổ, các điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng tại huyện Tân Lạc...
Bốn là, thực hiện các giải pháp quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của nền "Văn hóa Hòa Bình” và văn hoá của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Hằng năm, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” tại địa phương. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể; nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, góp phần xây dựng và củng cố vững chắc thế trận lòng dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa trong môi trường hội nhập quốc tế. Xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách có tính đột phá để phát triển sự nghiệp văn hóa. Đặc biệt là có cơ chế cụ thể để phát huy mạnh mẽ giá trị tốt đẹp cốt lõi của văn hóa Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”.