Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023 được tổ chức vào tối 1/2 tại Hà Nội. Theo Ban Tổ chức, nét mới trong nội dung các tác phẩm báo chí tham dự Giải năm nay là đã phản ánh sinh động, kịp thời những sự kiện, sinh hoạt chính trị của Đảng, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, bạn đọc, khẳng định sự lan tỏa mạnh mẽ của Giải Búa liềm vàng.


Báo Tin tức, Thông tấn xã Việt Nam nhận giải Khuyến khích Giải báo chí "Búa liềm vàng” lần thứ VII - năm 2022. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bám sát các vấn đề nóng

Năm nay, cơ quan Thường trực Giải (Tạp chí Xây dựng Đảng) đã nhận được tổng số 2.216 tác phẩm, tăng 184 tác phẩm so với mùa giải trước. Từ 120 tác phẩm được Hội đồng Sơ khảo xét chọn, Hội đồng Chung khảo đã xem xét, lựa chọn ra các tác phẩm xuất sắc để trao 6 giải A, 12 giải B, 18 giải C, 30 giải Khuyến khích.

Các tác phẩm tham dự Giải năm nay tiếp tục phong phú về chủ đề, thể loại và phủ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hầu hết các tác phẩm đã bám sát những vấn đề nóng, sự kiện nổi bật, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị và đất nước. Nhiều tác phẩm đã đi sâu phản ánh vấn đề thời sự của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như: Chống "căn bệnh sợ trách nhiệm” và xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các quan điểm sai trái, xuyên tạc nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng…

Những năm gần đây, tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên, công chức, viên chức đã làm khó doanh nghiệp, người dân, cản trở quá trình phát triển đất nước. Thành ủy Đà Nẵng đã kịp thời nhận diện các biểu hiện của tình trạng này; từ đó tìm nhiều giải pháp khắc phục vì sự phát triển chung.

Xuất phát từ thực tiễn sinh động của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, nhà báo Phan Thanh Hà, Cơ quan thường trú khu vực miền Trung, Đài Tiếng nói Việt Nam đã đi sâu tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và thực hiện loạt bài: "Chấn chỉnh tình trạng đùn đẩy, sợ sai: Ai không làm hãy đứng sang một bên!”.

Nhà báo Phan Thanh Hà chia sẻ, quá trình thực hiện loạt bài, tác giả gặp không ít khó khăn. Đó là tình trạng nhiều người dân, doanh nghiệp từ chối cung cấp thông tin, ngại va chạm. Một số cán bộ khi phát biểu trong cuộc họp nội bộ thì mạnh mẽ nhưng khi trả lời báo chí lại khá dè dặt. Tác giả cũng phải nghiên cứu rất nhiều hồ sơ, chứng cứ, tham vấn nhiều chuyên gia về luật để hoàn thành tác phẩm.

Ngay sau khi phát sóng, loạt bài nhận được sự phản hồi tích cực từ lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, thính giả, độc giả của Đài Tiếng nói Việt Nam, các chuyên gia về xây dựng Đảng cũng như của nhiều cán bộ, đảng viên trong cả nước.

Trong bối cảnh rất đặc biệt về công tác nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước chưa từng có tiền lệ, đầu năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhóm tác giả: Nguyễn Hà Ngọc, Phạm Thùy Hương, Lê Trung Sơn, Trần Thị Thùy Dương, Trần Ngọc Tú (Báo Tin tức, Thông tấn xã Việt Nam) đã thực hiện loạt 5 bài: Xây dựng Đảng từ khâu "then chốt của then chốt”, theo gợi ý của Ban Biên tập báo Tin tức.

Các bài viết tập trung vào các vấn đề liên quan công tác cán bộ của Đảng, có sự phối hợp, bọc lót hài hòa về mặt thông tin, có tính thống nhất cao trong quan điểm, luận chứng. Các lập luận đưa ra sắc bén, sử dụng các luận cứ chắc chắn kèm những ví dụ thực tiễn. Đặc biệt là việc phản bác lại những luận điệu sai trái, thù địch, trong đó có những luận điệu mới mà nhân cơ hội bối cảnh tình hình chung khó khăn, các đối tượng phản động lại rêu rao là do đấu đá nội bộ nên kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.

Năm bài viết đã được đăng trên 5 số liên tiếp của tờ báo giấy Tuần Tin tức (từ số 5 đến số 9) trong tháng 2/2023. Loạt bài có hiệu ứng lan tỏa tốt, đạt hiệu quả định hướng dư luận cao, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng.

Thay đổi tư duy, phương thức ban hành nghị quyết

Từ trăn trở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng vì sao: "Nghị quyết thì thật là hay/Xem ra thực hiện còn gay trăm bề", vệt bài của phóng viên báo Quân đội nhân dân thẳng thắn chỉ rõ, nhận diện những hạn chế, yếu kém trong việc xây dựng, triển khai nghị quyết của Đảng ở các cấp.

Nhà báo Nguyễn Tấn Tuân, đại diện nhóm tác giả cho biết, với sự dày công khảo sát trên diện rộng ở nhiều Đảng bộ cơ quan Trung ương và địa phương, vệt bài chỉ rõ thực tế là nghị quyết của các cấp hiện nay được ban hành quá nhiều, quá dài, nội dung còn xa rời thực tiễn. Cùng với đó là thực trạng "nghị quyết mẹ đẻ nghị quyết con”, "nghị quyết chồng lên nghị quyết”… Quá trình học tập nghị quyết còn nặng hình thức, thiếu hiệu quả, đối phó. Việc lãnh đạo thực hiện nghị quyết còn buông lỏng, thiếu trách nhiệm, ôm đồm, rập khuôn, khoán trắng, thiếu kiểm tra, giám sát; thiếu điều chỉnh, bổ sung cho sát với sự vận động của thực tiễn.

Chính điều đó đã "sinh ra” những nghị quyết dù rất hay về câu từ, văn phong, nhưng bị "đắp chiếu”, không đi vào thực tiễn cuộc sống; làm giảm hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo của Đảng và là "lực cản vô hình” trong thực hiện quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bằng nghị quyết.

Trên cơ sở đó, vệt bài đề xuất nhiều giải pháp quan trọng nhằm đổi mới nghị quyết theo hướng ngắn gọn, thực chất, chỉ ban hành nghị quyết cần kíp và quyết liệt "tinh giản” nghị quyết ở các cấp. Đồng thời, mỗi tổ chức Đảng và toàn Đảng phải nghiêm khắc nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, toàn diện, sớm khắc phục hạn chế, vướng mắc; thay đổi tư duy và phương thức ban hành, vận hành nghị quyết; tạo sự đồng thuận cao trong triển khai nghị quyết của Đảng với tinh thần "chủ trương 1, giải pháp 10, quyết tâm phải 20” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ rõ.

Đi trực diện vào các vấn đề của đời sống

Theo Ban Tổ chức, bên cạnh đi sâu phản ánh vấn đề thời sự của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, một số tác phẩm đi trực diện vào các vấn đề của đời sống, những vấn đề bức xúc hiện nay, có tính phản biện xã hội cao. Trong số đó không thể không kể đến chùm bài "Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành Giáo dục chật vật đổi mới” của phóng viên Phạm Mai, Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam). Chùm bài phản ánh tổng quan về thực trạng nhức nhối và những hệ quả của việc thiếu giáo viên cũng như "điểm mặt, chỉ tên” nguyên nhân và gợi mở giải pháp từ phía chuyên gia, những nhà giáo tâm huyết.

Phóng viên Phạm Mai cho biết, thiếu giáo viên là vấn đề khó khăn nhiều năm qua của ngành Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn và đặt ra yêu cầu giải quyết bức thiết hơn khi từ năm học 2022 - 2023, chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 thực hiện theo Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo bắt đầu triển khai đồng loạt ở cả ba cấp (Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông) với nhiều môn học mới, yêu cầu mới, thời lượng dạy và học tăng lên.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, ngành Giáo dục đang thực hiện đổi mới với "những việc rất lớn và rất khó, có việc khó tựa như dời non lấp bể” trong bối cảnh "thiếu mọi thứ,” gồm cả hai yếu tố mang tính quyết định là giáo viên và cơ sở vật chất, đặc biệt là thiếu giáo viên với hàng trăm nghìn người.

Không chỉ thiếu về số lượng, giáo viên cũng chưa được đảm bảo về chất lượng ở một số môn học theo yêu cầu của chương trình mới khi việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên còn chậm, chưa kịp thời so với tiến độ triển khai.

Phóng viên Phạm Mai chia sẻ, ngay từ đầu năm 2023, tác giả đã lên kế hoạch thực hiện các chuyến công tác đến nhiều địa phương khác nhau trên cả nước để phỏng vấn thầy cô giáo, lãnh đạo các nhà trường. Bên cạnh đó, phóng viên cũng liên hệ phỏng vấn các lãnh đạo, chuyên gia, thu thập tài liệu, đặc biệt là số liệu thiếu giáo viên của từng địa phương, để có thể viết và lên bài đúng vào dịp khai giảng năm học mới 2023 - 2024.

Bài viết vì thế có tư liệu dày dặn, công phu với ý kiến đa chiều, từ các giáo viên, cán bộ giáo dục, lãnh đạo các địa phương, các bộ, ngành, lãnh đạo Đảng và Nhà nước. "Chùm bài đã góp tiếng nói để vấn đề thiếu giáo viên được giải quyết rốt ráo hơn, từ đó, ngành Giáo dục và Đào tạo có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà Nghị quyết 29 đặt ra”, phóng viên Phạm Mai nhấn mạnh.

Năm 2023 là năm thứ ba triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Toàn hệ thống chính trị tích cực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và trọng tâm công tác của cả nhiệm kỳ với tinh thần "Tiền hô hậu ủng”, "Nhất hô bá ứng”, "Trên dưới đồng lòng”, "Dọc ngang thông suốt”. Những nội dung này được ghi nhận, phản ánh sinh động, kịp thời qua các tác phẩm dự Giải Búa liềm vàng, qua đó góp phần đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.



Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Phi Long thăm, chúc Tết gia đình các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh và mẹ Việt Nam anh hùng

Sáng 29/1, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà, chúc Tết gia đình các đồng chí: Hoàng Văn Hon, nguyên Ủy viên BCH T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Tỉnh, nguyên Ủy viên BCH T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; tặng quà, chúc Tết gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chố và gia đình các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã từ trần.

Thủ tướng: Thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực của sự phát triển

Ngày 29/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2024 để thảo luận đối với 5 nội dung, trong đó có 3 dự án luật gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi) và 2 đề nghị xây dựng luật gồm: Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Thủ tướng: Thực hiện ''4 tại chỗ'' triển khai dự án Đường dây tải điện 500kV mạch 3 kéo dài

Sáng 28/1, tại tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án xây dựng Đường dây tải điện 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) - Đường dây 500kV mạch 3 kéo dài.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai, chiều 26/1, tại thành phố Pleiku, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai.

Thường trực Tỉnh ủy gặp mặt, tặng quà trẻ mồ côi cả bố và mẹ nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Sáng 26/1, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức gặp mặt, tặng quà trẻ mồ côi cả bố và mẹ trên địa bàn tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Dự và động viên các cháu có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tưởng nhớ, tri ân cố Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ

Sáng 26/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhân dịp năm mới 2024 và chuẩn bị đón Tết nguyên đán Giáp Thìn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm, chúc Tết gia đình và thắp hương tưởng nhớ cố Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục