Ông Khúc Tinh - Phó Tổng Giám đốc UNESCO tiếp Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO.
Tại các cuộc gặp, Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh đề cao chủ nghĩa đa phương và vai trò, đóng góp của UNESCO trong quá trình tìm kiếm giải pháp cho các thách thức toàn cầu đang ngày càng gia tăng, qua đó góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh và thúc đẩy phát triển bền vững trên thế giới. Đại sứ khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và chủ trương của Việt Nam đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương; đề cao chính sách của Việt Nam coi văn hóa, khoa học và giáo dục là những động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh và bền vững; đồng thời khẳng định Việt Nam nỗ lực thực hiện những cam kết theo các Công ước của UNESCO mà Việt Nam đã tham gia.
Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh cảm ơn sự ủng hộ và hỗ trợ của UNESCO, nhất là trong việc triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021-2025, đồng thời bày tỏ mong muốn UNESCO tăng cường hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, thông tin và truyền thông. Đại sứ đề nghị UNESCO tiếp tục quan tâm ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam xây dựng và tư vấn các hồ sơ di sản mới, bảo tồn, phát huy các di sản đã được UNESCO ghi danh, trong đó có Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh khẳng định sẽ nỗ lực góp phần đảm nhiệm một cách chủ động, tích cực vai trò, trách nhiệm của quốc gia thành viên UNESCO, đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, qua đó đóng góp cho tiến trình thực hiện các mục tiêu của UNESCO cũng như phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và đất nước. Đại sứ chuyển lời mời các nhà lãnh đạo UNESCO tới thăm Việt Nam.
Về phần mình, Phó Tổng Giám đốc và các vị Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO chúc mừng Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh sang nhận nhiệm vụ, đề cao và cảm ơn vai trò, sự tham gia, ủng hộ và những đóng góp hết sức tích cực, hiệu quả và trách nhiệm của Việt Nam tại UNESCO. Các nhà lãnh đạo UNESCO đánh giá cao việc Việt Nam đang cùng lúc đảm nhiệm nhiều vai trò hết sức quan trọng như Phó Chủ tịch Đại hội đồng và thành viên Hội đồng Chấp hành, thành viên Uỷ ban Di sản thế giới…
Các nhà lãnh đạo UNESCO bày tỏ xúc động khi nhận được sự quan tâm, coi trọng và ủng hộ từ các nhà lãnh đạo, các địa phương và nhân dân Việt Nam đối với sứ mệnh và mục tiêu của UNESCO. Các nhà lãnh đạo UNESCO cũng vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO đang phát triển rất tốt đẹp, coi đây là hình mẫu hợp tác cần tiếp tục phát huy, đồng thời đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia thành viên khác, nhất là các nước châu Phi.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, khoa học và văn hoá, các nhà lãnh đạo UNESCO mong muốn Việt Nam tham gia thúc đẩy hợp tác và đoàn kết quốc tế về những nội dung này trong quản trị toàn cầu về phát triển bền vững, tham gia thúc đẩy để văn hoá trở thành mục tiêu riêng trong chương trình nghị sự phát triển bền vững giai đoạn sau năm 2030.
Các nhà lãnh đạo UNESCO khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam, đồng hành và hỗ trợ Việt Nam triển khai các chính sách về giáo dục, khoa học và văn hoá, trong đó có tư vấn xây dựng các hồ sơ mới trình UNESCO ghi danh, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển bền vững, hứa sẽ thu xếp tới thăm Việt Nam vào thời điểm phù hợp.