Làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh Hòa Bình có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể, cơ quan cấp tỉnh và lãnh đạo chủ chốt các huyện, thành phố.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hòa Bình.
Hoàn thành 6/12 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo kết luận số 95/TB - VPCP
Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh đã báo cáo đoàn công tác Trung ương kết quả thực hiện Thông báo số 95/TB-VPCP, ngày 25/3/2023 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình tháng 3 năm 2023. Theo đó, ngay sau khi có Thông báo số 95/TB – VPCP, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng.
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tham dự buổi làm việc.
Cụ thể: Đối với công tác quy hoạch tỉnh, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1648/QĐ-TTg ngày 20/12/2023, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 22/01/2024. Hiện nay, tỉnh đang tích cực hoàn thiện Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh trình phê duyệt theo quy định.
Lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành tham dự buổi làm việc.
Về việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tỉnh đã triển khai lập hồ sơ 2 di chỉ (Hang Xóm Trại, Mái đá Làng Vành) trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi có ý kiến của Bộ, ngày 14/3/2024 tỉnh đã hoàn thiện bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học di tích Hang xóm Trại, Mái đá làng Vành trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trình Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định theo quy định. Tỉnh đã đang phối hợp với Viện Khảo cổ học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam tiến hành khảo sát, kiểm kê các điểm di tích về văn hóa; nghiên cứu xác định giá trị của di sản Văn hóa Hòa Bình, đánh giá khả năng và lựa chọn tiêu chí đề cử của nền Văn hóa Hòa Bình trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương lập hồ sơ theo quy định. Tỉnh đã xây dựng và phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình đến năm 2030; đang triển khai lập quy hoạch xây dựng khu bảo tồn văn hóa dân tộc Mường tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc với diện tích dự kiến khoảng 170 ha. Đã rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó bổ sung danh mục xây dựng không gian Văn hóa Hòa Bình bằng nguồn ngân sách tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện rà soát toàn bộ khu vực bệnh viện và các nguồn lực và đã có phương án xử lý. Về Dự án Xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn dốc Cun (Km 78+420 - Km 85+100) trên Quốc lộ 6, tỉnh Hòa Bình đã được Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn để triển khai thực hiện và ủy quyền cho Sở Giao thông vận tải Hòa Bình làm chủ đầu tư. Đến nay, khối lượng đã hoàn thành đạt khoảng 60%, dự kiến đầu quý IV năm 2024 sẽ hoàn thành toàn tuyến.
Ngoài ra, tỉnh đang gấp rút triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng và các thủ tục xây dựng các khu công nghiệp. Triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối quan trọng như dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn qua Xuân Mai – Hòa Bình và dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình, cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, nâng cấp Quốc lộ 15 trên địa bàn tỉnh…
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, trong thời gian tới, tỉnh xác định tập trung quyết liệt chỉ đạo sớm hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là dự án trọng điểm đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu khởi công vào cuối Quý II năm 2024, đường Hòa Lạc – Thành phố Hòa Bình dự kiến khởi công vào quý IV năm 2024; đảm bảo đến cuối năm 2024 giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công đã giao. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và chủ động phương án phòng, chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, đảm bảo sảnxuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, đời sống nhân dân được nâng cao.
Tỉnh Hòa Bình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương quan tâm để tiếp tục thực hiện hiệu quả các dự án giao thông kết nối trên địa bàn tỉnh; quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng vùng đặc thù có điều kiện khó khăn, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao…
Tập trung phát triển con người và hạ tầng chiến lược
Trên cơ sở gợi mở của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thảo luận tại buổi làm việc, trên tinh thần đồng hành, chia sẻ, các thành viên đoàn công tác Trung ương đã có những ý kiến đóng góp xác đáng để Hòa Bình có những bước đột phá, phát triển nhanh và bền vững.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại buổi làm việc.
Theo đó, các đại biểu cho rằng tỉnh, cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát triển hạ tầng số, phát triển năng lượng. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy dịch vụ du lịch. Đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng. Quảng bá giới thiệu nông sản đặc sản của tỉnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động đa dạng, tối đa các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ - TB&XH phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy báo cáo làm rõ thêm một số nội dung tại buổi làm việc.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những kết quả tỉnh Hòa Bình đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng cho rằng, tỉnh có 5 điểm hơn: Chuyển biến tích cực hơn về nhận thức, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; thể hiện tinh thần tự lực, tự cường nhiều hơn; kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị cao hơn; đầu tư cho phát triển tập trung hơn; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên, các cấp chính quyền tốt hơn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc.
Trên cơ sở phân tích tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hòa Bình phải thực hiện hiệu quả Quy hoạch đã được phê duyệt, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; hiện thực hóa quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển; hình thành không gian phát triển mới, tạo giá trị mới. Trong đó, phát triển Hòa Bình theo mô hình tập trung đa cực, 2 hành lang kinh tế và 3 vùng gồm: hành lang kinh tế Đông – Tây và phía Đông; 3 vùng công nghiệp là vùng công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, vùng không gian tăng trưởng công nghiệp mới, vùng phát triển công nghiệp mang tính địa phương.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hòa Bình tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh". Theo đó, "1 trọng tâm” là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới. "2 tăng cường” là tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người, xã hội và kết nối vùng, trong nước, quốc tế. "3 đẩy mạnh” gồm đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm; đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, tỉnh Hòa Bình phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, đặc biệt là phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa; hình thành các vùng động lực làm đầu tàu phát triển; phát triển các ngành động lực để thúc đẩy tăng trưởng, tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, văn hóa bản sắc; tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết kinh tế, khai thác tốt vai trò kết nối vùng giữa Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Bắc Trung bộ.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Hòa Bình đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông các nguồn lực; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, vừa hình thành các doanh nghiệp lớn, vừa nâng cao năng lực cho doanh doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng; đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực cho các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển rừng và đa dạng sinh học; phát triển bền vững hài hòa theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; chú trọng xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh về nhiệm vụ phát triển con người và phát triển hạ tầng chiến lược. Đây được xem là hai yếu tố quyết định cho sự phát triển.
Nhất trí giải quyết các kiến nghị của tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Hòa Bình thực hiện hiệu quả 6 nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao đầu năm 2023.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh trong thời gian vừa qua. Trong chuyến làm việc với tỉnh Hòa Bình, các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương đã phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc cho tỉnh. Đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đây sẽ là "kim chỉ nam” trong chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong thời gian tới.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và sẽ triển khai tổ chức thực hiện kịp thời theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ sự quyết tâm, nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền với tinh thần đoàn kết thống nhất để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các thành viên đoàn công tác với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và một số sở, ban, ngành, huyện, thành phố.
Nhóm Phóng viên phòng Kinh tế