Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11.000 tỷ đồng.


Thủ tướng thực hiện nghi thức khởi công Dự án - Ảnh: VGP

Trong chương trình công tác tại Lạng Sơn, sáng 21/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ, phát lệnh khởi công Dự án đường bộ cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn- dự án cuối cùng thuộc tuyến cao tốc huyết mạch, chiến lược Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Dự án tuyến đường bộ cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) do liên danh Công ty cổ phần xây dựng Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần xây dựng công trình 568 và Công ty cổ phần LIZEN đầu tư.

Dự án được thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn; có tổng chiều dài khoảng 59,87 km.

Tổng mức đầu tư dự án là 11.024 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án là 5.495 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp là 5.529 tỷ đồng. Dự kiến dự án hoàn thành trong năm 2026; thời gian hoàn vốn cho dự án tuyến cao tốc này là hơn 25 năm.

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn cho biết, dự án được đầu tư nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; kết nối với đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Dự án có ý nghĩa rất quan trọng, là ước vọng nhiều đời nay của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo dư địa, động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh và khu vực Đông Bắc Bộ.


Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả báo cáo Thủ tướng về Dự án - Ảnh: VGP

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cho rằng, quá trình triển khai dự án sẽ còn nhiều khó khăn chờ đợi phía trước nhưng Tập đoàn nói riêng và liên danh nhà đầu tư nói chung hứa với Chính phủ, người dân sẽ thực hiện dự án với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ tiến không lùi", tổ chức thi công, kiểm soát tiến độ và chi phí Dự án bằng công nghệ mới như nhận diện khuôn mặt bằng sinh trắc học để quản lý nhân sự, cân điện tử để kiểm soát vật liệu, công nghệ Bim để quản lý chất lượng và tiến độ Dự án…

6 ý nghĩa quan trọng của dự án

Phát lệnh khởi công dự án và phát biểu tại sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại vùng đất Chi Lăng giàu truyền thống lịch sử, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong 3 đột phá chiến lược, nhằm hiện thực hóa mục tiêu chiến lược phát triển đất nước: Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong những năm qua, chúng ta đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược. Nhiều dự án đường cao tốc đã và đang được triển khai kết nối các vùng miền, trong đó có tuyến Bắc - Nam.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng

Theo Thủ tướng, dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có nhiều điểm đặc biệt. Đây là đoạn cuối cùng của tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, kết nối Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh - Cà Mau.

Dự án được Chính phủ giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Đèo Cả là nhà đầu tư có uy tín đã triển khai nhiều dự án. Trong nguồn vốn hơn 11.000 tỷ đồng của dự án thì vốn Nhà nước chiếm 45%, vốn nhà đầu tư là 55%. Dự án có 4 làn xe hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn vừa được Bộ GTVT ban hành.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng dự án 6 ý nghĩa quan trọng:

Thứ nhất, góp phần thực hiện mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc XIII đã đề ra về phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2030.

Thứ hai, đáp ứng mong mỏi của nhân dân Lạng Sơn và Cao Bằng, góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược.

Thứ ba, kết nối giao thông, kết nối kinh tế giữa ASEAN - Trung Quốc, Việt Nam - Trung Quốc, kết nối 2 vùng kinh tế động lực của đất nước là đồng bằng sông Hồng và vùng núi phía Bắc, kết nối 4 địa phương (Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng - Quảng Ninh).

Thứ tư, mở ra không gian phát triển mới, đặc biệt là với Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng (qua các cụm cảng biển); đồng thời góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.

Thứ năm, góp phần thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát kiểm tra, phát huy tính tự lực, tự cường của các địa phương.

Thứ sáu, thực hiện chủ trương hợp tác công tư giữa Nhà nước và nhà đầu tư theo hình thức PPP với sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân dộc tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng cùng các bộ, ngành, địa phương đã quyết tâm, nỗ lực lớn, với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục, vượt qua khó khăn, thách thức để chính thức khởi công xây dựng công trình; cảm ơn nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã nhường chỗ ở, sản xuất, kinh doanh cho dự án.

Cho rằng, việc khởi công dự án chỉ là bước khởi đầu, quá trình triển khai thực hiện cho đến khi hoàn thành, đưa vào sử dụng còn rất nhiều việc phải làm, nhiệm vụ còn rất nặng nề, Thủ tương yêu cầu các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lạng Sơn để hỗ trợ, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án, bảo đảm mục tiêu chất lượng, tiến độ, an toàn và hiệu quả.

Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện Dự án; tập trung chỉ đạo triển khai, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật; hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng đề ra; thực hiện nghiêm túc các cam kết theo hợp đồng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả đầu tư, an toàn thi công; giảm thiểu các tác động đến môi trường và đời sống người dân.

Nhấn mạnh, giải phóng mặt bằng dự án là nhiệm vụ hết sức quan trọng, Thủ tướng yêu cầu Lạng Sơn và các nhà đầu tư phải đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống của đồng bào có đất đai, tài sản trong diện giải phóng mặt bằng để xây dựng Dự án; tạo mọi điều kiện thuận lợi để cuộc sống của đồng bào ngày một tốt hơn, ít nhất là bằng nơi ở cũ.

Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư BOT và các nhà thầu thi công phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, rà soát, bám sát, có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình theo từng tuần, từng thán; thực hiện đúng hợp đồng và các nội dung đã cam kết; chống tiêu cực.

Các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn phải bảo đảm thi công đúng tiến độ, chất lượng, không kéo dài, phải chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; đã cam kết là phải làm, đã làm phải có hiệu quả. Đề nghị tất cả các bên quyết tâm phấn đấu hoàn thành dự án sớm hơn kế hoạch đề ra.

Nhà thầu thi công và tư vấn giám sát lưu ý phải chủ động, tích cực triển khai dự án, bảo đảm đạt tiêu chí mẫu mực về quản lý tiến độ - chất lượng - mỹ quan, thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình, bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.

Cho biết việc thực hiện dự án với thời gian ngắn, công việc nhiều, yêu cầu cao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị tổ chức thi công "3 ca 4 kíp", "xuyên ngày nghỉ, xuyên Tết", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; tin tưởng nhân dân tiếp tục ủng hộ dự án, hỗ trợ các nhà quản lý, nhà đầu tư, đơn vị thi công thực hiện dự án đạt mục tiêu đề ra góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; hiện thực hóa mục tiêu chiến lược: đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

* Tại sự kiện, trao tiền hỗ trợ xóa nhà dột nát, nhà tạm cho nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn do các nhà đầu tư tài trợ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương tỉnh Lang Sơn, các tổ chức, cá nhân đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua chung tay "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên phạm vi cả nước từ nay đến năm 2025, với 3.200 căn nhà đã được huy động.

Thủ tướng mong muốn các tổ chức, cá nhân tiếp tục hưởng ứng phong trào có tính "toàn dân, toàn diện" này, với tinh thần "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", "người có công góp công, người có của góp của; người có ít góp ý, người có nhiều góp nhiều" để đến năm 2025 cả nước không còn hộ dân nào phải ở nhà dột nát, tạm bợ.

Theo VTV.VN

Các tin khác


Phát huy truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện

                         Đại tá ĐINH ĐÌNH TRƯỜNG
 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh 

 Vào hồi 11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ của Quân giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông thống nhất, kết thúc vẻ vang chặng đường 21 năm (1954 - 1975) kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian lao và anh dũng của dân tộc ta.

Hợp luyện diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên.

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân: An Giang cần tranh thủ các nguồn lực để phát triển

Ngày 27/4, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã tiếp xúc cử tri tại huyện Thoại Sơn và thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Hòa Bình - Hà Nội: Thúc đẩy kết nối tạo ra sản phẩm, giá trị mới

Là 2 địa phương tiếp giáp, nhiều năm nay, tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội có nhiều hoạt hoạt hợp tác, kết nối thực chất và ngày càng hiệu quả triển nhiều lĩnh vực.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi chức Chủ tịch Quốc hội

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội.

Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam thăm và làm việc tại Hòa Bình

Ngày 26/4, đoàn công tác Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam do Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Sandeep Arya làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình. Tiếp, làm việc với ngài đại sứ và đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục