Là 2 địa phương tiếp giáp, nhiều năm nay, tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội có nhiều hoạt hoạt hợp tác, kết nối thực chất và ngày càng hiệu quả triển nhiều lĩnh vực.
Đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội và Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình làm việc về chương trình hợp tác giữa 2 địa phương.
Tỉnh Hòa Bình thuộc Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, nằm ở cửa ngõ của Thủ đô theo đường quốc lộ 6 và đường Hòa Lạc – Hòa Bình, có vị trí quan trọng trong chiến lược phòng thủ Hà Nội. Trong mối quan hệ kết nối, thành phố Hà Nội với vai trò là đô thị hạt nhân, nơi tập trung các trung tâm thương mại, tài chính lớn, các trường đại học, khu nghiên cứu, đào tạo công nghệ cao, trung tâm văn hoá lớn của cả nước có tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh Hòa Bình. Hoà Bình có tài nguyên khoáng sản, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên văn hóa, du lịch đa dạng, giàu bản sắc, nhất là văn hóa dân tộc Mường; là nơi có thể bố trí các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật về sản xuất điện và cung cấp nước sinh hoạt, điều tiết nước sản xuất và phân lũ, bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Sông Hồng.
Hai địa phương thường xuyên tiến hành các hoạt động giao lưu, tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư; tổ chức các chương trình khảo sát, trao đổi kinh nghiệm; hỗ trợ cung cấp thông tin đầu tư, trưng bày ấn phẩm; chia sẻ, trao đổi thông tin, cơ chế chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp...
Đến nay, các sản phẩm cam, bưởi đỏ, cá sông Đà, rau hữu cơ... của Hòa Bình đã được đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội như hệ thống Siêu thị BigC, Vinmart, Qmart, Coop Mark, Lotte, các cửa hàng thực phẩm sạch Biggreen, Trung tâm thương mại V+ và lên hạng thương gia của hãng hàng không Vietnam Airline... Khoảng 200 doanh nghiệp có trụ sở chính tại Hà Nội đang đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái, hạ tầng du lịch, thể thao, hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hòa Bình.
Về đầu tư hạ tầng, 2 địa phương đang giải quyết các thủ tục hành chính cho 3 dự án: Tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, vốn đầu tư 1.726 tỷ đồng. Dự án xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông, công suất thiết kế 600.000m3/ngày đêm, giai đoạn I công suất cấp nước 300.000 m3/ngày đêm và đang cấp nước ổn định cho thành phố Hà Nội. Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai - Hợp phần công trình thu, trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô, nhà máy nước, bể chứa trung gian và tuyến ống truyền tải nước sạch…
Tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ trong triển khai hoàn thiện thủ tục và xây dựng, cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình, dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình. Bộ Giao thông vận tải đang thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến... Bên cạnh đó, 2 địa phương tổ chức thường xuyên các hoạt động hợp tác, kết nối các lĩnh vực du lịch, giảm nghèo, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an ninh nguồn nước...
Theo đồng chí Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cơ hội hợp tác giữa Hòa Bình và Hà Nội rất lớn, nhất là quy hoạch, kết nối hạ tầng giao thông. Hà Nội đang triển nhiều trục giao thông quan trọng như Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 21, các đường vành đai, trong quy hoạch sẽ xây dựng thành phố vệ tinh tiếp giáp với Hòa Bình. Hàng hóa, nông sản của tỉnh Hòa Bình rất tốt có thể mở rộng thị trường tiệu thụ tại Hà Nội. Nếu có sự hợp tác thúc đẩy, các lĩnh KT-XH sẽ rất hiệu quả.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng: Sự hợp tác giữa 2 địa phương khá hiệu quả. Thành phố Hà Nội thống nhất cao và cam kết phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hòa Bình để triển khai các nội dung hợp tác. Thời gian tới, 2 địa phương đẩy mạnh phối hợp trong lĩnh vực giao thông - vận tải, xây dựng, mở rộng hạ tầng giao thông nhằm tăng tính liên kết vùng, trong đó làm tốt công tác khảo sát hướng tuyến, phát huy tối đa nguồn lực và tận dụng tối đa hiệu quả tuyến đường khi hoàn thành. Hà Nội đang xây dựng thành phố phía Tây với quy mô khoảng 4 triệu dân. Đây là thị trường rộng lớn để Hòa Bình có thể tiếp cận. Hòa Bình - Hà Nội có thể hợp tác lĩnh vực văn hóa, kết nối các vùng văn hóa Hòa Bình với khu vực Ba Vì, Chương Mỹ, Hà Nam, Ninh Bình để tạo ra những giá trị, sản phẩm mới, đưa văn hóa tạo thành động lực phát triển.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết: Các chương trình hợp tác góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh trật tự, phù hợp với thế mạnh của mỗi địa phương, đạt những kết quả tích cực. Tỉnh Hòa Bình đang tập trung triển khai các dự án như đường liên kết vùng được mở ra tạo điều kiện phát triển không chỉ cho tỉnh Hòa Bình, mà cả khu vực Tây Bắc. Mong rằng tỉnh sẽ tiếp tục được thành phố Hà Nội hỗ trợ phát triển các lĩnh vực lợi thế. Trên tinh thần hợp tác hướng tới mục tiêu tạo ra những sản phẩm, giá trị mới để cùng phát triển bền vững, lãnh đạo Hòa Bình - Hà Nội thống nhất giao 2 Sở KH&ĐT làm đầu mối tổng hợp, tham mưu triển khai hiệu quả các chương chương, kế hoạch hợp tác đảm bảo thực chất, hiệu quả.
Lê Chung