Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Phương Thủy phát biểu, chiều 22/5.
Trao đổi với phóng viên TTXVN bên hành lang nghị trường, nhiều đại biểu đánh giá Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều chính sách đặc thù, vượt trội và đẩy mạnh trong phân cấp, phân quyền; bảo đảm chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp, chất lượng quy phạm pháp luật. Từ đó, kỳ vọng Luật sẽ tạo điều kiện, cơ chế phát triển xứng tầm với vị trí, vai trò của Thủ đô Hà Nội.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội): Nhiều chính sách đặc thù, vượt trội
Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 này gồm 7 chương, 54 điều là một bước thay đổi rất lớn so với Luật Thủ đô 2012. Các chính sách được đề xuất trong Dự thảo Luật lần này cơ bản bám sát với tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đã thể hiện chính sách mang tính đặc thù, vượt trội. Từ đó, tạo nền tảng cơ sở cho việc tiếp tục phát triển của Thủ đô Hà Nội nói chung.
Trong quá trình hoàn thiện, Dự thảo Luật đã tập trung thể hiện những chính sách tạo cơ sở để chính quyền Hà Nội tiếp tục đề xuất và hoàn thiện hệ thống giải pháp, biện pháp trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Trong đó, tập trung vào giải pháp về huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch cũng như biện pháp, chính sách về phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội…
Đáng chú ý là giải pháp rất mạnh mẽ để Hà Nội có thể khắc phục những vấn đề còn bất cập nhất hiện nay như cảnh quan đô thị, giao thông, ô nhiễm môi trường…
Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều chính sách vượt trội, đặc thù ở nhiều lĩnh vực mang tính bao quát. Tuy nhiên, để những chính sách này đi vào thực tế và thực thi hiệu quả thì vẫn cần yếu tố nhân lực có năng lực, nhiệt huyết để triển khai trên thực tiễn.
Do đó, một trong những nội dung được chú trọng trong Dự thảo Luật này là quy định về hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tại Hà Nội. Đây cũng là nội dung mới so với Luật Thủ đô 2012. Dự thảo Luật đã dành một chương riêng về phần đô thị tại Hà Nội; trong đó có rất nhiều cơ chế khác biệt so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay.
Cụ thể trong nội dung này, Dự thảo Luật dự kiến phân quyền mạnh mẽ hơn cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được quyết định vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy. Ví dụ như tăng cường bộ máy cho Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân không phải chỉ ở các thành phố mà còn ở cấp quận, huyện – nơi trực tiếp triển khai chính sách giám sát, thực hiện…
Cùng đó là việc thực hiện phân cấp cho thành phố được quyền chủ động trong tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính trực thuộc và có chính sách liên quan đến việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức; thu hút người có tài năng. Các chính sách về biên chế, tiền lương, thu nhập cũng được quan tâm…
Với những quy định này, Luật Thủ đô (sửa đổi) kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để cấp ủy, chính quyền Hà Nội có dư địa, lợi thế trong hoàn thiện tổ chức chính quyền. Mục tiêu là đảm đương và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, trách nhiệm rất cao được giao trong Luật Thủ đô lần này.
Các đại biểu Quốc hội rất ủng hộ chính sách của Luật Thủ đô (sửa đổi), đặc biệt là chính sách mang tính đặc biệt, đặc thù. Bởi vì Thủ đô chỉ có một và có những yêu cầu hết sức đặc biệt về phát triển, quản lý. Do đó, thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này sẽ có nhiều thuận lợi.
Tuy nhiên, thông qua luật mới là bước cơ bản ban đầu. Bởi vì luật này phân kỳ nên các công việc mà chính quyền thành phố Hà Nội sẽ phải tiếp tục triển khai rất lớn. Trong Dự án Luật này dự kiến có đến 80 nội dung phân quyền cho chính quyền thành phố Hà Nội.
Do đó, khối lượng văn bản quy phạm pháp luật cần phải tiếp tục ban hành để cụ thể hóa các chính sách vẫn rất lớn. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Nội sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể để thực thi hiệu quả những chính sách đã được "mở đường” trong Luật Thủ đô.
Cùng đó, tại kỳ họp lần này, Quốc hội cũng cho ý kiến đối với 2 đồ án quy hoạch lớn của Thủ đô. Đây sẽ là nền tảng pháp lý cơ sở quan trọng, tạo thế và lực mới cho Thủ đô trong giai đoạn mới, thực sự trở thành Thủ đô phát triển văn hiến, văn minh, hiện đại.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHồ Chí Minh): Phân cấp mạnh hơn cho Thủ đô
Luật Thủ đô (sửa đổi) có một sự chuẩn bị rất công phu, có kế thừa. Những cơ chế đặc thù của thành phố cũng đã được nhận diện, thông qua để đưa vào trong Luật Thủ đô.
Tôi ủng hộ những nội dung của Luật Thủ đô (sửa đổi) vì phù hợp với bối cảnh chung của thế giới, nhất là việc phân cấp mạnh hơn cho Thủ đô để góp phần phát huy tính chủ động, sáng tạo. Đây cũng là một định hướng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương mà đặc biệt là Hà Nội – Thủ đô của quốc gia.
Do đó, những cơ chế đặc biệt cần phải được áp dụng cho Thủ đô để đưa Hà Nội phát triển mạnh mẽ, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu. Việc phải phân cấp mạnh và trọn gói cho Thủ đô để tránh trường hợp khi đã có những quy định rồi nhưng vẫn phải đi lòng vòng qua nhiều cơ quan làm chậm quá trình triển khai.
Trong bối cảnh thế giới hiện nay đang biến đổi rất nhanh và khó lường, việc phân cấp mạnh hơn cho các địa phương; trong đó đặc biệt Thủ đô Hà Nội càng trở nên cần thiết và cấp bách.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng): Thu hút nguồn nhân lực chất lượng
Thủ đô là trung tâm văn hóa chính trị của cả đất nước, tất cả những gì tốt nhất phải dành cho Thủ đô vì đây là bộ mặt của quốc gia. Do đó, lần này tôi mong Luật Thủ đô (sửa đổi) có đổi mới căn bản, toàn diện hơn, một nét riêng so với những đặc thù đã áp dụng.
Qua kinh nghiệm của các đô thị, tỉnh thành đã được áp dụng cơ chế đặc thù cho thấy, có nội dung phát huy rất hiệu quả. Đơn cử như việc thu hút nguồn nhân lực tinh hoa nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong tương lai.
Vị thế của đất nước trước mắt và lâu dài cũng cần chính sách để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng. Những chính sách này phải do các cơ quan có thẩm quyền quyết định. Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân có thẩm quyền quyết định cơ chế đặc thù dành riêng cho mình trên tinh thần tự chủ, tự cường.
Bên cạnh đó, tôi mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng sẽ phân cấp rõ ràng, cụ thể cho các cơ quan có thẩm quyền của Thủ đô Hà Nội để thu hút nguồn nhân lực trên cơ sở rút kinh nghiệm tại những đô thị đã được cho phép ứng dụng cơ chế thu hút nguồn nhân lực thành công trong thời gian qua.