Với cương vị là người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, trong các nhiệm kỳ từ năm 2011 đến năm 2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tư duy đầy đủ cũng như nền tảng nhận thức sâu sắc về các quan điểm, chỉ đạo chiến lược cho phát triển kinh tế đất nước.

 


Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được phát triển ngay từ ngày đầu thực hiện công cuộc đổi mới (1986) và ngày càng hoàn thiện nội dung. Mô hình này dựa trên 2 trụ cột là nền kinh tế thị trường và nhà nước xã hội chủ nghĩa có sứ mệnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm hoàn thiện thể chế, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực trình độ cao, triển khai 4 nhiệm vụ lớn gồm xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trọng tâm, bảo đảm thường xuyên quốc phòng - an ninh và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.


Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dựa trên sở hữu toàn dân, Nhà nước của dân, do dân và vì dân quản lý dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản gồm có 5 thành phần kinh tế thống nhất và cùng vận động hợp tác, cạnh tranh bình đẳng để sáng tạo giá trị cao nhất. Phát triển kinh tế là trọng tâm cần được quyết liệt thực hiện để tạo nền tảng thực hiện các nhiệm vụ khác trong mối quan hệ biện chứng.


Đây là mô hình phát triển chưa từng có trong lịch sử phát triển nhân loại, khẳng định sự sáng tạo vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam cho nên cần nhận được sự bảo vệ, trân trọng, làm phong phú nội dung và phương thức vận hành sáng tạo, hiệu quả của nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ, trước hết thể hiện ở người đứng đầu và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết tiếp nhiệm vụ vẻ vang đó một cách xuất sắc.



Việc kiên định quan điểm phát triển kinh tế là trọng tâm, bảo đảm tính nhất quán của đường lối phát triển kinh tế, bảo đảm tính liên tục trong phát triển đất nước, góp phần đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, chuyển sang nước có thu nhập trung bình thấp và hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong giai đoạn tiếp theo.


Việc kiên định quan điểm này của Tổng Bí thư loại bỏ được trạng thái chần chừ, do dự, lưỡng lự trong quan điểm, loại bỏ tình trạng nhận thức lệch lạc, hình thức chủ nghĩa, suy thoái tư tưởng, chống được diễn biến hòa bình về kinh tế, khắc phục tư tưởng của một bộ phận đảng viên thiếu kiên định hoặc quá bảo thủ, trì trệ.   


 


Trên cơ sở nhận thức đầy đủ tiến trình phát triển của một nước có trình độ phát triển thấp như Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng thường được ưu tiên hàng đầu dẫn đến coi nhẹ mục tiêu công bằng và thực hiện tiến bộ xã hội. Hậu quả là khoảng cách giàu - nghèo trong phát triển ngày càng gia tăng. Do đó, chi phí điều chỉnh sẽ rất lớn và gây ra sự lãng phí nguồn lực, thậm chí, về lâu dài, có thể gây ra phân tầng xã hội, giảm sự đồng thuận về mục tiêu phát triển giữa các tầng lớp nhân dân, phá vỡ khối đoàn kết kinh tế toàn dân.


Việc quán triệt nguyên tắc này nhằm điều chỉnh sự chênh lệch giàu - nghèo, thận trọng trong từng bước đi. Điều đó phản ánh bản chất tươi đẹp của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn ngay từ ngày đầu tìm đường cứu nước. Đây còn là động lực phát triển kinh tế và phương thức phân bổ nguồn lực, điều tiết lợi ích để bảo đảm hài hòa giữa các tầng lớp cũng như bảo vệ lợi ích toàn xã hội trong từng giai đoạn phát triển, thúc đẩy tiến bộ xã hội, bảo đảm tính bao trùm, bền vững trong phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.


 


Với việc xác định lộ trình phát triển đất nước ngay sau khi thống nhất đất nước 1975 chưa phản ánh sát với thực tế đất nước và bối cảnh thế giới, phần nào mang tính ước nguyện của nửa thế kỷ trước. Điều này dẫn đến niềm tin lạc quan thiếu tương xứng với cơ sở vật chất kỹ thuật của đất nước, sức sản xuất xã hội và lực lượng doanh nghiệp được coi là nguồn sáng tạo giá trị, việc công bố lộ trình mới cho thấy việc điều chỉnh tư duy, nhận thức, điều kiện phát triển và nỗ lực thực hiện.


Vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định cụ thể và rõ ràng hơn mục tiêu này dựa trên tính toán khoa học, khảo sát thực tế, tích lũy kinh nghiệm trong nửa thế kỷ, kết hợp hữu cơ huy động nội lực và phát huy hiệu quả hội nhập quốc tế, trước hết hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là một bước tiến mang tính đột phá về khoa học xây dựng lộ trình phát triển đất nước, điều này cũng cho thấy tầm nhìn xa, trông rộng của vị đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.


 

 


Với lộ trình này, đến ngày kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến ngày kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước công nghiệp có thu nhập cao theo đúng tiêu chuẩn phân loại quốc tế. Những cột mốc này cho thấy việc nhìn nhận đúng xu hướng vận động tất yếu của nền kinh tế Việt Nam, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc 5 châu như Bác Hồ hằng mơ ước.


Lộ trình này góp phần tạo sự đồng thuận cao về nhận thức và hành động để huy động mọi nguồn lực hướng vào mục tiêu phát triển chung của đất nước, làm thay đổi vị thế và chuyển dân tộc sang một trạng thái của vận mệnh mới tươi đẹp. Sự dẫn dắt của Tổng Bí thư để đưa ra được lộ trình này còn tạo được sự đồng thuận cao giữa ý nguyện của Bác Hồ, vai trò lãnh đạo của Đảng quang vinh và lòng tin, sự ủng hộ của các tầng lớn nhân dân, bảo đảm phương châm được Bác Hồ quán triệt: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!”


 


Mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều thành phần và kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Do đó, để huy động triệt để nguồn lực và động lực phát triển nhằm sáng tạo giá trị lớn nhất cho nền kinh tế, đi đôi với việc phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, khuyến khích kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế tư nhân sau hàng thập kỷ bị đối xử bất bình đẳng được kiên trì khuyến khích phát triển. Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhiều chính sách quan trọng được đẩy mạnh và tăng cường thực hiện trong giai đoạn lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, như sửa đổi Hiến pháp Việt Nam, các Nghị quyết về cải thiện quyết liệt môi trường kinh doanh triển khai từ năm 2013 trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ sự chồng chéo, trùng lặp, loại bỏ giấy phép con, tham nhũng vặt và quyết liệt đấu tranh chống tham những. Điều này đã góp phần làm minh bạch môi trường kinh doanh, giảm bớt chi phí doanh nghiệp, thúc đẩy tái cơ cấu ngành, phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp, thú đẩy sự lớn mạnh của thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam và thương hiệu đất nước.


Kinh tế tư nhân Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, phản ánh đúng quy luật vận động của nền kinh tế thị trường mặc dù có nhiều khó khăn cần phải tiếp tục tháo gỡ. Tuy nhiên, nền tảng phát triển kinh tế tư nhân được sự lãnh đạo của Tổng Bí thư đang mở ra nhiều triển vọng phát triển mới của thành phần này trong giai đoạn mới.


 


Mô hình phát triển kinh tế Việt Nam găp nhiều thách thức to lớn nhất là sự phát triển theo chiều rộng, nguồn lực huy động chủ yếu tăng quy mô vốn và lao động, khai thác tài nguyên đất đai và hàm lượng đổi mới sáng tạo trung bình, dễ dẫn đến tình trạng tụt hậu. Một trong những phương thức để vượt ra khỏi trạng thái này là phát huy tiềm năng địa phương, nhất là coi trọng liên kết vùng, giảm tình trạng chia cắt, cát cứ hữu hình và vô hình, tăng chi phí kết nối, khó phát huy được động lực kết nối để tăng trưởng đồng bộ, phù hợp giữa các địa phương.


Quan điểm tăng cường liên kết vùng thể hiện ở tăng cường kết nối hạ tầng giao thông như đường bộ, đường sông, đường biển, đường sắt, hàng không, hạ tầng mạng với việc thực hiện chính phủ số, xã hội số, công dân số, doanh nghiệp số, dịch vụ công trực tuyến và hình thành các vùng động lực phát triển dựa trên các liên kết vùng mới như vùng Hà Nội, vùng Tây Nguyên, vùng Nam Trung Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long… Điều này góp phần phát huy triệt để tiềm năng phát triển của địa phương, thúc đẩy sáng tạo từ cơ sở và giảm nhẹ sự hỗ trợ của ngân sách quốc gia để hướng việc chi tiêu ngân sách vào những mục tiêu chiến lược, cột lõi quyết định đến vị thế quốc gia.


 

 


Việc liên kết vùng gắn với việc áp dụng cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho các thế mạnh địa phương được huy động tối đa như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế. Quan điểm này được coi là một đột phá đáng kể trong đột phá hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với kỳ vọng tạo thêm động lực phát triển mới cho nền kinh tế giai đoạn mới.


Thực tế cho thấy, với việc quán triệt quan điểm này, nhiều địa phương trong cả nước như được tiếp thêm nguồn lực và động lực mới, tự tin và lạc quan hơn trong đổi mới, sáng tạo mô hình, phương thức huy động và phát triển để đạt mục tiêu phát triển ngày càng được nâng cao, mang lại thịnh vượng cho địa phương và cả nước. Điều này cho thấy vị trí, vai trò của Tổng Bí thư có tính quyết định cho một chu kỳ phát triển mới của cả địa phương và đất nước, thậm chí làm thay đổi trạng thái phát triển hoặc vận mệnh của địa phương và đất nước.


 


Chủ động, tích cực hội nhập là chủ trường đúng đắn được triển khai trên thực tế gần 40 năm. Trong điều kiện phát triển mới với nhiều bất ổn trong nền kinh tế thế giới như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang, dịch bệnh, lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, việc tận dụng cơ hội trong sự bất ổn rất cần thiết và đòi hỏi có tầm nhìn sâu xa, hiểu rõ bản chất thực tiễn và xu hướng dài hạn.


Trong điều kiện đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra chính sách đối ngoại "cây tre”. Có thể nói đây là một học thuyết đối ngoại sáng tạo, đột phá về tư duy và phù hợp với văn hóa, truyền thống đất nước, ý nguyện của các tầng lớn nhân dân trong và ngoài nước. Chính sách này khẳng định sự kiên định về mục tiêu độc lập, tự chủ và chủ nghĩa xã hội, vững chắc như gốc tre nhiều rễ cắm sâu vào lòng đất; còn phương pháp, công cụ, cách thức ứng xử với từng đối tác, từng hoàn cảnh cần mềm dẻo, linh hoạt như thân, cành tre với ưu tiên tối thượng là lợi ích quốc gia, không chọn phe, chỉ chọn chính nghĩa, hợp tác, hòa bình, hữu nghị như là nền tảng và giá trị cao đẹp nhất của nhân loại luôn hướng tới.


Tư tưởng này phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh "dĩ bất biến ứng vạn biến” được minh chứng tạo thành công lớn cho việc cải thiện vị thế quốc gia trong suốt quá trình phát triển quan hệ ngoại giao với thế giới đa dạng, phức tạp, biến động. Tư tưởng này bảo đảm duy trì được nền hòa bình, ổn định và phát triển mạnh trong mọi hoàn cảnh.


 

 


Trong nhiệm kỳ của Tổng Bí thư, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết nhất là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, và nâng cấp quan hệ từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam có 16 hiệp định thương mại tự do với diện bao phủ tới trên 80% GDP thế giới (khoảng 80 nghìn tỷ USD). Nhiều hiệp định mới đang được đàm phán và ký kết sẽ mở ra nhiều không gian phát triển mới để nền kinh tế vươn ra toàn cầu.


Tư tưởng ngoại giao "cây tre" sẽ tạo nền tảng của các quyết sách ngoại giao mới, khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, nhất là nguồn lực về thương mại, đầu tư, thị trường thế giới, tiến bộ công nghệ... để cải thiện nhanh chóng vị thế quốc gia.


"Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" - đó là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đó là sự minh chứng cho học thuyết đối ngoại độc đáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.


 

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Trường Đại học Kinh tế quốc dân



Theo VOV.vn


Các tin khác


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, nhà ngoại giao tài tình

"Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, một nhà ngoại giao tài tình, sáng suốt và luôn coi trọng các mối quan hệ với tất cả nước trên thế giới", Nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith đã xúc động chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, chiều 22/7.

Giới nghiên cứu khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có cống hiến to lớn vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam

Giới chuyên gia, học giả nhiều nước trên thế giới đã có những đánh giá khẳng định vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước cũng như nỗ lực xây dựng, chỉnh đốn Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Người thầy gần gũi và sâu sắc của những người làm báo

Những ngày này, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng trong và ngoài nước đều tràn ngập những bài viết, phỏng vấn, vần thơ, hình ảnh sống động về cuộc đời thanh bạch, giản dị và sự nghiệp ấn tượng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thông cáo đặc biệt về Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang.

Điện, thư, thông điệp chia buồn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần

Lãnh đạo các nước gửi Điện, thư, thông điệp chia buồn Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ trần.

Nhân dân Hòa Bình mãi khắc sâu tình cảm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong cơn mưa nặng hạt chiều tháng 7, trái tim của nhà lãnh đạo xuất sắc, trí tuệ, bản lĩnh; một nhân cách lớn, nghĩa tình, giản dị, được Nhân dân muôn vàn kính mến đã ngừng đập. Với 80 năm tuổi đời, gần 57 năm tuổi Đảng, 14 năm trên cương vị Tổng Bí thư, hơn 2 năm trên cương vị Chủ tịch nước, hơn 5 năm trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn, đặc biệt quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, nhất là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục