Cách mạng Tháng Tám đã nêu cao tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có truyền thống lâu đời chiến đấu vì độc lập tự do, quyết không chịu làm nô lệ. Cách mạng Tháng Tám là kết quả của tám mươi năm đấu tranh không ngừng của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp. Không những "giật tung” được xiềng xích của bọn đế quốc phát xít, Cách mạng Tháng Tám lại lật nhào được chế độ quân chủ thành lập trên đất nước ta hàng chục thế kỷ, làm cho nước Việt Nam thành một nước cộng hòa dân chủ, đưa dân tộc Việt Nam lên hàng các dân tộc tiên phong.



Mít tinh tổng khởi nghĩa ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. (Ảnh tư liệu)

Từ những quyết sách lịch sử...

Bước sang năm 1945, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng trước thời cơ lớn. Cuộc đảo chính ngày 9/3/1945 truất quyền của Pháp, chiếm hẳn lấy Đông Dương làm thuộc địa riêng của phát xít Nhật đã tạo ra cơ hội cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi. Trong tình thế ngặt nghèo, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức khôn khéo, linh hoạt đẩy lùi nguy cơ để tạo ra thời cơ thuận lợi.

Ngày 12/3/1945, T.Ư Đảng ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, nhận định ba cơ hội tốt giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chóng chín muồi là: Chính trị khủng hoảng (quân thù không rảnh tay đối phó với cách mạng); Nạn đói ghê gớm (quần chúng oán ghét quân cướp nước); Chiến tranh đến giai đoạn quyết liệt (Đồng minh sẽ đổ bộ vào Đông Dương đánh Nhật). 

Từ tháng 3 - 8/1945, Đảng ta tiếp tục đề ra nhiều chủ trương quan trọng nhằm thúc đẩy cao trào kháng Nhật, cứu nước tiến lên mạnh mẽ hơn nữa, sẵn sàng đón thời cơ đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Nhạy bén trước sự chuyển biến của tình hình, với tinh thần tích cực khẩn trương, đầu tháng 5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về Chiến khu Hoàng Hoa Thám, chọn Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) làm đại bản doanh chỉ đạo phong trào cả nước, chuẩn bị gấp một số công việc cho Tổng khởi nghĩa.

Giữa tháng 8/1945, tình thế cách mạng trực tiếp đã đến. Ngay sau khi nhận được tin Nhật Bản gửi công hàm cho các nước Đồng minh đề nghị mở cuộc đàm phán ngừng bắn, Thường vụ T.Ư Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh họp vào ngày 12/8/1945, quyết định Tổng khởi nghĩa vũ trang trong cả nước. Ngày 13/8, nhận được tin phát xít Nhật bại trận và sắp đầu hàng Đồng minh, T.Ư Đảng và Tổng bộ Việt Minh lập tức thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, 23 giờ cùng ngày, Uỷ ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số I, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Ngày 14/8, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào, phân tích chính xác tình hình và nhất trí: Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành quyền độc lập hoàn toàn.

Hội nghị toàn quốc của Đảng vừa kết thúc, Đại hội đại biểu Quốc dân cũng được tổ chức tại Tân Trào vào ngày 16/8. Với sự tham dự của hơn 60 đại biểu là các nhà cách mạng, giới trí thức, phụ nữ, thanh niên thuộc cả ba miền Bắc - Trung - Nam cùng một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào, Đại hội như Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai của dân tộc; biểu tượng cho ý chí đồng lòng, quyết tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám. Đại hội nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua 10 chính sách của Việt Minh và hiệu triệu đồng bào tích cực phấn đấu thực hiện, trong đó, điểm mấu chốt đầu tiên là giành lấy chính quyền, xây dựng một nước  Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập. Đại hội quyết định thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 17/8, Đại hội đại biểu Quốc dân bế mạc trong không khí Tổng khởi nghĩa sôi sục. Thay mặt Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ, bày tỏ lòng kiên quyết hi sinh "đến giọt máu cuối cùng không lùi bước” để lãnh đạo nhân dân tiến lên, chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc.

Thực hiện nghị quyết tổng khởi nghĩa giành chính quyền, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, với sức mạnh như được nhân lên gấp bội: Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945 (từ 13 - 28/8/1945), cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.

Kỳ tích Cách mạng Tháng Tám thời đại

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”, chúng ta tự hào về năng lực lãnh đạo của Đảng ta, một đảng ra đời ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến nhưng đã trở thành đảng lãnh đạo chính quyền và toàn xã hội, thực sự là một tổ chức chính trị tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam, chiến đấu quên mình vì lợi ích thiết tha nhất, thiêng liêng nhất của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc cách mạng của chúng ta đã thực hiện được một kỳ tích mang tầm thời đại: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người.

Thứ nhất, Cách mạng Tháng Tám đã nêu cao tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam, khi mà chúng ta phải đối diện với thực dân Pháp - một trong số các quốc gia tư bản chủ nghĩa phát triển bậc nhất vào thế kỷ XIX, XX; phải đương đầu với chủ nghĩa phát-xít và lực lượng đồng minh, những thế lực đang chi phối đời sống chính trị quốc tế lúc đó. Lần đầu tiên một dân tộc đã tự lực tự cường, đứng lên làm cách mạng để giành lấy những quyền dân tộc cơ bản nhất của mình, mà không phải do ai ban cho, từ trong tay hệ thống thuộc địa lâu đời của chủ nghĩa thực dân Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã thành công khi khơi dậy được nguồn lực mạnh mẽ nhất của dân tộc - chủ nghĩa yêu nước - nhân văn Việt Nam và lợi ích của các giai tầng, của mỗi con người là thống nhất với lợi ích dân tộc. Để từ đó tập hợp hết thảy các lực lượng yêu nước, đoàn kết toàn thể nhân dân Việt Nam tạo thành một lực lượng cách mạng vô cùng to lớn làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, thiết lập nên nước Việt Nam    Dân chủ Cộng hòa với tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Thứ hai, Cách mạng Tháng Tám đã thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam khi đập tan xiềng xích nô lệ của chủ nghĩa đế quốc trong gần một thế kỷ, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế ngót nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước của nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, giải quyết thành công vấn đề cơ bản của một cuộc cách mạng xã hội là vấn đề chính quyền. Cuộc cách mạng này đã chứng minh tính đúng đắn của những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách mạng thuộc địa, về tính chủ động của cách mạng thuộc địa, về cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới mà Người đã nghiên cứu, đã chuẩn bị cho cách mạng Việt Nam từ những năm 20 của thế kỷ XX. 

Chính vì vậy, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, dù gặp muôn vàn khó khăn thử thách, song Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đã kiên quyết thực hiện tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, xúc tiến tổ chức Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Khác với các hình thức nhà nước của phong kiến, thực dân đã từng tồn tại ở Việt Nam, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhà nước của dân, do dân và vì dân, "tất cả mọi quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”.

Thứ ba, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận người nô lệ, bị áp bức, bóc lột trở thành người làm chủ, tự quyết định vận mệnh và tương lai của mình. Đây là một cuộc đổi đời chưa từng có trong lịch sử đối với mỗi người dân Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã hoàn thành một    bước hết sức cơ bản trong sự nghiệp giải phóng con người ở Việt Nam khỏi mọi sự áp bức về mặt dân tộc, sự bóc lột về mặt giai cấp và sự nô dịch về mặt tinh thần. Dưới chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người dân của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được hưởng những quyền tự do dân chủ đầu tiên như quyền tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc, quyền bầu cử và ứng cử, quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra, quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, quyền tư hữu tài sản, quyền học tập, quyền tự do ngôn luận, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài… Những quyền bình đẳng, dân chủ này được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đều là những điều chưa từng có trong các mối quan hệ xã hội và kinh tế của xã hội phong kiến Việt Nam trước đó.

Từ bước ngoặt vĩ đại mà cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mùa thu năm 1945 tạo nên đã khơi nguồn, bồi đắp sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước trên chặng đường mới, viết tiếp những trang sử hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế ngày hôm nay.


Theo QĐND.VN


Các tin khác


Thường trực Tỉnh ủy tiếp công dân có đơn thư khiếu kiện kéo dài

Ngày 15/8, tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh, các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì tiếp công dân có đơn thư khiếu kiện kéo dài trong nhiều năm. Tham gia buổi tiếp có các đồng chí lãnh đạo HĐND tỉnh, các ban, sở, ngành, cấp ủy, chính quyền có liên quan.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì Hội nghị gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Sáng 15/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (2/9), Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị gặp mặt các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm thông tin về tình hình của Đảng, đất nước trong những tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024 và thời gian tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 14/8, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên thứ 26 của Ban Chỉ đạo.

Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVIII

Sáng 14/8, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành (BCH) T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Tiểu ban Văn kiện chủ trì cuộc họp. Tham dự có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các thành viên Tiểu ban Văn kiện.

Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại cuộc họp Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng

Ngày 13/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Thường trực Tiểu ban Văn kiện đã họp cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị do Tổ Biên tập xây dựng trên cơ sở Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị đã được Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII thông qua.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực công bố kế hoạch kiểm tra tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình

Chiều 12/8, Đoàn kiểm tra số 3 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) do đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Hòa Bình, công bố kế hoạch kiểm tra tại BTV Tỉnh ủy Hòa Bình. Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục