Các đồng chí Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh tham gia cuộc họp.
Tại cuộc họp, các địa phương vùng ven biển chịu ảnh hưởng, nơi cơn bão số 3 trực tiếp đổ bộ vào gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã báo cáo với đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Sở Chỉ huy tiền phương về diễn biến tình hình thực tế, tác động và thiệt hại thống kê sơ bộ bước đầu do cơn bão gây ra. Theo đó, vào khoảng 12h45’ cơn bão số 3 (bão Yagi) đã trực tiếp đổ bộ vào các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Thái Bình, Nam Định. Sau khi đổ bộ vào đất liền, bão vẫn duy trì tốc độ và có cường độ rất mạnh, biển động dữ dội... Mặc dù vậy, do có sự chuẩn bị từ trước nên các lực lượng, địa phương đã chủ động, khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó với cơn bão. Tính đến thời điểm 15h00’ trên địa bàn các tỉnh khu vực Bắc Bộ nhiều nơi vẫn có gió giật mạnh và mưa to gây thiệt hại về tài sản, làm gãy đổ nhiều cây cối, các công trình xây dựng...
Trước tình hình đó, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các địa phương và các lực lượng Công an, Quân đội, lực lượng tham gia phòng chống, ứng phó với cơn bão số 3 tiếp tục chủ động trong công tác ứng phó, phòng chống. Khi cơn bão đổ bộ vào đất liền cũng là thời điểm nhiều nguy hiểm khi gió giật mạnh, mưa to ở nhiều địa phương trong khu vực. Do vậy, các địa phương, lực lượng cần chủ động, linh hoạt thực hiện các biện pháp ứng phó phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương. Trong quá trình thực hiện các biện pháp ứng phó, các địa phương gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ thì phải khẩn trương báo cáo với Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan để được giải quyết kịp thời...
Trên địa bàn tỉnh, theo báo cáo tổng hợp của Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh thì tính đến 15h00’ ngày hôm nay (7/9) các địa phương và các lực lượng chức năng đã tổ chức di dời xong 414 hộ dân ra khỏi các địa bàn trọng điểm về sạt lở đất, ngập lụt, có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét. Trong đó, huyện Kim Bôi đã tổ chức di dời xong 19 hộ dân về khu vực, nơi tránh trú an toàn; huyện Cao Phong di dời 43 hộ dân về khu vực, nơi tránh trú an toàn, thành phố Hòa Bình di dời 101 hộ dân về khu vực, nơi tránh trú an toàn; huyện Lương Sơn di dời 43 hộ dân về về khu vực, nơi tránh trú an toàn; huyện Lạc Sơn di dời 124 hộ dân về về khu vực, nơi tránh trú an toàn; huyện Tân Lạc di dời 24 hộ dân và 53 lồng cá về về khu vực, nơi tránh trú an toàn.
Ngoài ra, theo thống kê, tính đến 15h00’ ngày 07/9, toàn tỉnh có 20 ngôi nhà bị tốc mái, 2 cột điện bị gãy đổ, 3 lồng cá bị chìm. Trong đó, huyện Mai Châu có 8 nhà bị tốc mái, gãy đổ 1 cột điện; huyện Lạc Sơn có 6 nhà bị tốc mái; huyện Đà Bắc có 5 nhà, gãy 1 cột điện, chìm 3 lồng cá, huyện Tân Lạc có 1 hộ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn đang có gió và mưa vừa. Do vậy, các lực lượng cũng đang triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó, nắm tình hình địa bàn và sẵn sàng triển khai lực lượng giúp đỡ nhân dân phòng chống mưa bão...
Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm, động viên các hộ gia đình ở xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) sau khi di dời về nơi tránh trú an toàn.
Cấp ủy, chính quyền xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) thăm hỏi, động viên các hộ gia đình sau khi di dời về nơi tránh trú an toàn tại Trường Mầm non xã.
Sau khi càn quét đảo Hải Nam, Trung Quốc, bão số 3 đã giảm 1 cấp, xuống cấp 15, giật trên cấp 17. Tuy nhiên đây vẫn là cấp bão rất mạnh, đêm nay bão sẽ vào Vịnh Bắc Bộ.