Sáng 21/9, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã kiểm tra tình hình sạt lở đường tỉnh 445 (thành phố Hòa Bình) và tiến độ thi công dự án Phòng chống sạt lở và bảo vệ an toàn dân sinh tại đồi Lủ Thao, xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn. Cùng đi có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành chức năng và địa phương.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác kiểm tra tình trạng sạt lở cầu Ngòi Tôm, đường tỉnh 445.
Đường tỉnh 445 có chiều dài 16,50 Km, điểm đầu Km0+00 giao với QL.6 tại phường Kỳ Sơn; điểm cuối Km16+500 tại xã Thịnh Minh, thành phố Hòa Bình. Trên tuyến đường tỉnh 445 hiện có 5 cầu gồm: cầu Ngòi Móng (Km0+265), cầu Kênh (Km7+945), cầu Ngòi Mại (Km8+310), cầu Ngòi Mới (Km10+980) và cầu Ngòi Tôm (Km14+745). Do thời gian khai thác lâu, lưu lượng phương tiện giao thông lớn, chủ yếu là phương tiện chở vật liệu xây dựng, phương tiện phục vụ thi công các dự án trong khu vực nên chất lượng mặt đường xuống cấp rất nhanh. Mặt đường bong bật, tạo hành ổ voi, ổ gà, sống trâu, nhiều đoạn xuất hiện trượt sạt mái taluy âm, nguy cơ đứt đường.
Các cầu trên tuyến đã xuống cấp nghiêm trọng gây mất an toàn giao thông. Trên tuyến có 3 vị trí mất an toàn giao thông tại cầu Ngòi Mại, cầu Ngòi Móng và đoạn tuyến Km3+600 - Km3+900. Ngày 19/9, cầu Ngòi Móng, Km0+ 265 đã bị lún sụt, sập mố cầu, không thể lưu thông. Sở GTVT đã thông báo cấm lưu thông các phương tiện qua khu vực này, đồng thời tổ chức phân luồng giao thông.
Cầu Ngòi Tôm tại Km14+745, đường tỉnh 445 có chiều dài 56m, chiều rộng 8m, bề rộng xe chạy 7m. Cầu được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2003. Do ảnh hưởng của nước dâng, nước rút sông Đà khi xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình và các đợt mưa bão từ năm 2023, 2024, tại cầu Ngòi Tôm xuất hiện tình trạng hư hỏng, ảnh hướng đến an toàn giao thông. Tại mố trụ đã bị xói lở bào mòn rất lớn, chiều sâu xói lở trung bình khoảng 5 - 7m. Lòng suối thượng, hạ lưu cầu vẫn đang có hiện tượng xói lở, sạt trượt mạnh, tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến mố, trụ cầu, nguy cơ mất an toàn giao thông, có nguy cơ dừng khai thác.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công dự án Phòng chống sạt lở và bảo vệ an toàn dân sinh tại đồi Lủ Thao, xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn (Lương Sơn).
Kiểm tra thực địa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, thành phố Hòa Bình khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng, đề xuất phương án khắc phục trượt sạt, đầu tư sửa chữa nâng cấp tuyến đường. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn triển khai nhanh, đảm bảo chất lượng dự án cấp bách ngăn lũ, chống ngập úng Pheo Chẹ hạ du sông Đà. Tập trung thi công cầu mới thay thế cầu Ngòi Móng đã bị lún sụt nghiêm trọng, phải ngừng khai thác. Có giải pháp kỹ thuật xử lý các cầu yếu đã xuống cấp nghiêm trọng, đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ phát triển KT-XH.
Cùng ngày, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác đã kiểm tra tiến độ thi công dự án Phòng chống sạt lở và bảo vệ an toàn dân sinh tại đồi Lủ Thao, xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn.
Đồi Lủ Thao có độ dốc lớn, đỉnh đồi cao khoảng 200m so với khu dân cư, nền đất yếu, kết cấu rời rạc nên nguy cơ xảy ra sạt lở cao. Khu vực đồi Lủ Thao có hiện tượng sạt trượt, thân đồi có nhiều vết nứt; khi mưa lớn bùn non chảy xuống chân đồi tràn ra xung quanh, hình thành các cung trượt dài khoảng 100m, độ sâu khoảng 3m, rộng khoảng 40 - 60cm, dưới chân đồi có hiện tượng nước sủi từ dưới đất lên, đe dọa cuộc sống của 43 hộ ở xóm Rổng Vòng.
Dự án được khởi công vào sáng 19/9/2024 theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng do Công ty CP Tư vấn và đầu tư đô thị Hòa Bình (Công ty CP Unik Xanh) làm chủ đầu tư; diện tích sử dụng đất khoảng 4,5ha, chia làm 2 giai đoạn thực hiện các giải pháp kỹ thuật xử lý trượt sạt nhằm bảo đảm an toàn cho các hộ dân xóm Rổng Vòng. Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2025.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo việc giải quyết khó khăn, tập trung triển khai dự án là trách nhiệm đối với sự an toàn của người dân. Trên tinh thần đó đồng chí yêu cầu: Chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương, tập trung triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, đưa vào khai thác đúng kế hoạch; đảm bảo an toàn cuộc sống người dân, đáp ứng yêu cầu cảnh quan, môi trường.
L.C