Trước dã tâm và những hành động gây hấn nhằm thôn tính nước ta của thực dân Pháp, để bảo vệ Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ và nền độc lập mà cả dân tộc vừa giành được, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống xâm lược.

Cảm tử quân ôm bom ba càng chiến đấu trên đường phố Hà Nội. Ảnh tư liệu

 

Những thoả thuận trong Tạm ước 14/9 không được phía Pháp tôn trọng. Cuối tháng 10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cán bộ lên Việt Bắc chuẩn bị mọi mặt cho việc di chuyển các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các xí nghiệp, kho tàng, máy móc khi cần thiết. Trung tuần tháng 11, sau buổi làm việc của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp: "Nếu vạn nhất không tránh được chiến tranh thì Hà Nội có thể giữ trong bao lâu?". Đồng chí trả lời: "Phải cố giữ thì ít nhất là nửa tháng". Người lại hỏi: "Các thành phố khác và vùng nông thôn thì sao?". "Các thành phố khác thì ít khó khăn hơn, còn vùng nông thôn nhất định ta giữ được". Người suy nghĩ giây lát rồi nói: "Ta lại trở về Tân Trào".

Ngay sau sự kiện thực dân Pháp bội ước đánh chiếm Lạng Sơn, Hải Phòng, chuẩn bị tiến hành cuộc chiến tranh quy mô lớn chống lại nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ, trong buổi họp Thường vụ Trung ương Đảng để ra nghị quyết cả nước chuẩn bị nhất tề đứng lên chiến đấu chống quân xâm lược, Người nhấn mạnh: "Trong khi hết sức tích cực, khẩn trương chuẩn bị kháng chiến, tuyệt đối không sa vào âm mưu khiêu khích để địch lợi dụng đánh ta sớm. Ở thành thị, biến mỗi đường phố thành một chiến hào. Ở nông thôn, mỗi làng thành một pháo đài. Kháng chiến của ta sẽ là toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến".

Ở Hà Nội, kẻ thù tìm mọi cách khiêu khích ta, chúng theo dõi sát sao những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thậm chí bố trí cả súng máy chĩa vào cửa sổ Bắc Bộ phủ, nơi Người thường làm việc. Sau khi nắm được tin mật của địch chỉ thị cho quân đóng ở các địa phương lập ra những đội biệt kích sẵn sàng bắt cóc và thủ tiêu cán bộ cốt cán của ta, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định đưa Bác lánh ra ngoại thành. Để đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra, 19h30 ngày 26/11/1946, trong một chiếc xe Ford cũ mui vải, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật rời Hà Nội chuyển ra ở trong ngôi nhà của bà Tống Minh Phương, một cơ sở cách mạng gần ngã tư Canh, rồi về Đại Mỗ.

Ngày 29/11, Đảng ta ra lời kêu gọi: "Hỡi toàn quốc đồng bào! Những hành động của Pháp xâm phạm chủ quyền Việt Nam rất có thể lan rộng. Tình thế vô cùng nghiêm trọng. Hãy sẵn sàng chiến đấu để tự vệ bất cứ nơi nào và chỗ nào". Ngày 2/12, quân Pháp từ các nơi được điều về Hà Nội nhiều hơn, chúng lập ổ chiến đấu ở các nhà Pháp kiều. Báo chí Pháp ở Hà Nội cũng công khai nói xấu Chính phủ ta, xuyên tạc các sự kiện. Bọn Tây mũ đỏ kéo đến phá phách nhà thông tin Tràng Tiền. Ba đêm liền, xe lính Pháp đi rải truyền đơn khắp thành phố.

Nhân dân Hà Nội được lệnh tản cư về các vùng nông thôn. Ngày 3/12, 6h sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Canh ra Bắc Bộ phủ, Người làm việc đến 18h thì tiếp Sainteny - Ủy viên cộng hòa, đại diện chính trị của Chính phủ Pháp để thỏa thuận một số điều khoản. Đến 19h cùng ngày, đồng chí Trần Đăng Ninh đưa xe đón Người đi thẳng vào làng Vạn Phúc (thị xã Hà Đông), đến nhà ông Nguyễn Văn Dương, một cơ sở của ta từ trước cách mạng. Tại đây, người sống và làm việc trên một gian xép nhỏ. Các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp thường đến làm việc với Người theo quy định: Mỗi người đến cách nhau ít nhất 5 phút.

Ngày 4/12, Người duyệt lại thư gửi Quốc hội cùng Chính phủ Pháp: "Tôi yêu Tổ quốc và đồng bào tôi, tôi cũng yêu nước Pháp và nhân dân Pháp. Vì vậy, tôi thiết tha kêu gọi Quốc hội và Chính phủ Pháp nghĩ đến quyền lợi chung tối cao của hai dân tộc".

Ngày 5/12, tại Bắc Bộ phủ, Người gặp và giao nhiệm vụ cho kỹ sư Trần Đại Nghĩa chuẩn bị quân dụng, vũ khí cho cuộc kháng chiến. Tinh thần chiến đấu của nhân dân ta lên rất cao, gần 1 triệu thanh niên nam nữ đã xung phong vào các đội du kích, cùng bộ đội và dân quân đêm ngày luyện tập. Các làng chiến đấu cũng được xây dựng khẩn trương. Ta cũng quyết định tiến hành một cuộc nghi binh lớn tại Hà Nội: Suốt một tuần liền, 2.000 dân quân tự vệ từ những vùng ngoại thành rầm rập kéo vào thành phố, tăng cường những vị trí đóng quân, nhưng đến quá nửa đêm lại lặng lẽ rút đi.

 

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

 

Ngày 12/12, Pháp tấn công ta ở Tiên Yên, Đình Lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của các đại biểu giới báo chí: "Việt Nam quyết lòng không để cho ai chinh phục bằng âm mưu hoặc bằng vũ lực". Ngày 13/12, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi công hàm cho Chính phủ Pháp và Đô đốc D'Argenlieu phản đối việc quân Pháp vào Đà Nẵng. Người cũng trả lời phỏng vấn báo Paris-Sài gòn: "Dân tộc Việt Nam sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do".

Ngày 14/12, Pháp đưa thêm 400 lính lê dương vào Hải Phòng. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những chỉ đạo chiến lược cho cuộc chiến ở Nam Bộ.

Ngày 15/12, Pháp tổ chức chuyển quân gấp từ Marseille sang Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thông điệp cho Thủ tướng Pháp đề ra một số điều kiện để giải quyết tình hình quan hệ Pháp-Việt.

Ngày 16/12, Cao ủy Pháp D' Argenlieu ngang nhiên tuyên bố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng là lãnh thổ của nước Pháp. Cả Hà Nội sục sôi khí thế chiến đấu. Nhiều ụ đề kháng được nhanh chóng dựng thêm. Ngày 17/12, máy bay Pháp lượn lờ thám thính cả ngày trên bầu trời Hà Nội. Tướng Pháp Morliere đem quân và xe ủi đất phá các ụ chiến đấu của ta ở Lò Đúc, lính Pháp bao vây trụ sở công an ta ở phố Hàng Đậu, đốt nhà khu Trúc Bạch, nã đại bác vào phố Hàng Bún, bắt cóc phụ nữ vào thành... Ngày 18/12, địch yêu cầu phía ta phá các ụ chiến đấu. Quân địch còn dùng xe tăng chiếm Nha Tài chính, đưa tối hậu thư cho ta đòi đến ngày 20 sẽ đảm nhận việc giữ gìn trị an ở Hà Nội. Đêm hôm đó ở Vạn Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc rất khuya để hoàn thành Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến lịch sử.

Ngày 19/12, quân Pháp gửi tiếp tối hậu thơ đòi phía ta phải đình chỉ mọi hoạt động kháng chiến, giao nộp vũ khí và đe dọa trong vòng 24 giờ không thực hiện thì chúng sẽ hành động. Chính phủ ta bác bỏ tối hậu thư ấy, Trung ương ra chỉ thị: Tất cả hãy sẵn sàng.

Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại trong Hồi ký như sau: Ngày 19/12/1946, mới tờ mờ sáng, Bác viết thư bằng tiếng Pháp gửi cho thủ tướng L. Blum. Buổi trưa, Bác xem lại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và chuẩn bị cuộc họp đã hẹn vào buổi chiều. Buổi chiều, Bác họp với các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp về đường lối kháng chiến toàn dân toàn diện và trường kỳ, về tình hình và kế hoạch quân sự.  Để cuộc tiến công nổ ra đồng loạt chung trong cả nước, các nơi được thông báo chú ý nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi câu "Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Xin trân trọng mời đồng bào cả nước nghe Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Đó chính là hiệu lệnh tổng tiến công mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc”.

Lúc 16h, đồng chí Võ Nguyên Giáp triệu tập các chỉ huy quân sự họp tại Bạch Mai để phổ biến các mệnh lệnh quân sự. Khoảng 17h, một người Âu lai Á tên F. Petit, nhân viên phản gián chui vào hàng ngũ tự vệ của ta, đã mật báo cho ban tham mưu của tướng Morlierere rằng quân Việt Nam sẽ tấn công vào ban đêm, vì thế người Pháp đã cấp tốc tập hợp quân về thành và hạn chế Pháp kiều đi lại ngoài đường.

Đến 18h45, Bác thu xếp tài liệu và cùng bộ phận tiếp cận lúc ấy có 8 người rời Vạn Phúc đi Xuyên Dương, bắt đầu chặng đường kháng chiến trường kỳ vô cùng gian khổ.

 

Chiến sĩ ta tại pháp đài Láng. Ảnh tư liệu

Đúng 20h, công nhân nhà máy điện Yên Phụ phá máy; 20h5’ đại bác của ta từ các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Canh tới tấp dội bão lửa vào trại lính Pháp trong thành Hà Nội; các lực lượng vũ trang của ta đồng loạt tấn công các vị trí của địch; tự vệ nổ mìn đánh gục hàng loạt cây to và cột đèn; công nhân lật nghiêng toa xe điện, xe lửa ở các ngã ba, ngã tư làm chướng ngại vật; nhân dân quăng đồ đạc, giường tủ, ấm chén, chăn bông ra cản đường giặc; dân quân ngoại thành nổi trống liên hồi, cổ vũ tự vệ tiến vào các cửa ô tiếp ứng cho bộ đội tại các điểm đề kháng...

Quân chủ lực Pháp tấn công thẳng vào Bắc Bộ phủ với hy vọng sẽ bắt được Hồ Chủ tịch. Đại tá Herkel, chỉ huy quân sự khu vực Hà Nội kể lại: "Trong lúc nơi ở của ông Hồ Chí Minh bị tấn công, những người bảo vệ đã vừa chiến đấu vừa hát cho đến người cuối cùng và một trong số họ trên sân thượng vẫn chơi đàn măng-đô-lin cho đến khi bị bắn thẳng vào ngực ngã xuống mới thôi. Tại trại lính người bản xứ, họ cũng chiến đấu quyết liệt như vậy. Bị bao vây, họ quyết không chịu hàng..." (2).

Mệnh lệnh tấn công từ Hà Nội sau đó đã đến các nơi khác, Phủ Lạng Thương, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương đều nhất loạt tấn công quân Pháp, cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm thần thánh đã lan ra toàn quốc. Lời hiệu triệu toàn dân kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi khắp đất nước và thế giới: "Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!".

Bất chấp những nỗ lực đàm phán nhằm tránh xung đột từ phía ta, các thế lực diều hâu của Pháp không chịu từ bỏ tham vọng quyền lợi ích kỷ, để một cuộc chiến tranh khốc hại kéo dài đến 9 năm mà sau này, J. Sainteny than thở: “Tầm hiểu biết sâu rộng, trí tuệ lỗi lạc, khả năng hoạt động vô cùng lớn lao, đạo đức chí công vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến Người thu phục được hoàn toàn lòng dân. Đáng tiếc là nước Pháp đã không đánh giá được hết con người ấy, không hiểu được uy tín cũng như sức mạnh mà con người ấy đại diện nên đã để lại phía sau lịch sử một nền hòa bình bị bỏ lỡ”.

 

                                                                          TheoBaochinhphu

Các tin khác


Đảng bộ Công an tỉnh kết nạp 72 đảng viên mới

(HBĐT) - Năm 2016, Đảng bộ Công an tỉnh đã kết nạp 72 đảng viên mới, chuyển sinh hoạt Đảng chính thức cho 63 đảng viên dự bị.

Thôn Lục Đồi, xã Kim Bình gìn giữ những câu ca Mường cổ

(HBĐT) - Mỗi một dân tộc đều có những làn điệu dân ca của riêng mình. Đó là báu vật tinh thần được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách tự nhiên. Những làn điệu dân ca cùng với dân vũ làm cho cuộc sống của con người thêm phong phú, tốt đẹp. Chính bởi vậy, ngày nay, Kim Bôi – một trong 4 Mường cổ nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình, dù cuộc sống có rất nhiều sự lựa chọn nhưng rất nhiều bạn trẻ vẫn yêu câu thường rang, yêu điệu hát đúm như thể chúng đã chảy sẵn trong máu của mình vậy.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt Ban Liên lạc cựu chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Cam-pu-chia

Hướng tới kỷ niệm 38 năm Ngày Quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia Việt Nam giúp nhân dân Cam-pu-chia đánh đổ chế độ diệt chủng, hồi sinh dân tộc (7-1-1979 - 7-1-2017), sáng 14-12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt đoàn 23 đại biểu Ban Liên lạc cựu chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Cam-pu-chia.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và làm việc tại tỉnh ta

(HBĐT) - Ngày 14/12, đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã thăm và làm việc tại tỉnh ta. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh các sở, ngành của tỉnh.

Dân lo lắng trước thực trạng nhà máy gây ô nhiễm môi trường

(HBĐT) - CHính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/2010, Công ty TNHH Quốc Đại đặt trụ sở tại xã Đồng Bảng, Mai Châu. Với lĩnh vực chế biến, sản xuất giấy, hiện công ty đang giải quyết việc làm cho trên 50 công nhân lao động. Tuy nhiên, người dân sinh sống quanh khu vực nhà máy cảm thấy hoang mang, lo lắng trước thực trạng không khí bị ô nhiễm nặng nề, cảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân.

Doanh nghiệp của tỉnh hướng mạnh ra thị trường xuất khẩu

(HBĐT) - Cách đây chừng 10 năm, hoạt động xuất khẩu của tỉnh còn khiêm tốn, bé nhỏ với số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực xuất khẩu chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục