(HBĐT) - LTS: Vừa qua, Hội nghị BCH T.Ư Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đây là Nghị quyết rất quan trọng vì đã cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận, đồng tình hưởng ứng và đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả thực hiện Nghị quyết. Nhân dịp này, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVBCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã dành cho Báo Hòa Bình cuộc phỏng vấn về những nội dung chính và kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết T.ư 4 (khóa XII) của Tỉnh ủy.
Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVBCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ chủ trì hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân ủy viên BTV Tỉnh ủy năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
PV: Xin đồng chí cho biết vì sao BCH T.Ư phải tiếp tục ban hành Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng?
Đồng chí Bùi Văn Tỉnh: Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, xác định đây là nhiệm vụ then chốt, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và được thể hiện xuyên suốt, nhất quán từ Cương lĩnh, Điều lệ, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc đến các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của BCH T.Ư Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ở từng khóa. Có 5 lý do cơ bản về sự cần thiết và tầm quan trọng để tiếp tục ban hành Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đó là: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là đòi hỏi khách quan và nhiệm vụ thường xuyên để củng cố, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền; tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra nghiêm trọng, đe dọa tới sự tồn vong của Đảng và chế độ. Hiện nay, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước ta hết sức to lớn, khó khăn và nặng nề, đòi hỏi Đảng phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu nhiều hơn nữa; yêu cầu phải củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch đối với Đảng, Nhà nước trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến ngày càng phức tạp.
Như vậy, trong tình hình, bối cảnh hiện nay, nếu Đảng ta không giữ vững được bản chất cách mạng, không thực sự vững vàng về chính trị, tư tưởng, không thống nhất cao về ý chí, hành động, không trong sạch về đạo đức, lối sống, không chặt chẽ về tổ chức kỷ luật; không được nhân dân đồng tình ủng hộ, tin cậy thì không thể đứng vững và không đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Đó chính là lý do để BCH T.Ư Đảng quyết định ban hành Nghị quyết này.
PV: Xin đồng chí giới thiệu về mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, phạm vi của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)?
Đồng chí Bùi Văn Tỉnh: Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định, trong những năm tới, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và xác định nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong nhiệm kỳ là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Với tinh thần đó, Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng đặt ra mục tiêu, yêu cầu là: Nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để cương quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực của người có chức, có quyền. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Nghị quyết được xây dựng trên quan điểm kết hợp giữa “xây” và “chống”, nhưng lấy “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Không chủ quan, nóng vội mà phải kiên quyết, kiên trì, nghiêm túc thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn là làm quyết liệt; nói ít làm nhiều; làm đến đâu chắc đến đó; không ồn ào, hình thức, phô trương nhưng hiệu quả; quán triệt phương châm mọi lúc, mọi nơi, mọi người cùng thực hiện Nghị quyết. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cấp trên và người đứng đầu trong việc thực hiện Nghị quyết. Việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chính là để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng cao hơn.
Phạm vi của Nghị quyết vừa cụ thể hóa 10 nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra, vừa tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI), nhất là những việc chưa làm và chưa làm tốt, những việc đã làm tốt thì phải làm tốt hơn, với trọng tâm là đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bên cạnh đó, Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) còn có nội dung mới quan trọng, đó là: xây dựng Đảng về đạo đức gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
PV: Xin đồng chí cho biết những điểm mới trong nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII)?
Đồng chí Bùi Văn Tỉnh: Nghị quyết đã nêu ra 9 biểu hiện suy thoái về chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Hệ thống biểu hiện này là căn cứ để góp phần xây dựng tiêu chuẩn, chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng thời, đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: công tác chính trị tư tưởng; tự phê bình và phê bình; cơ chế, chính sách; kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; phát huy vai trò của nhân dân và MTTQ các đoàn thể chính trị - xã hội. Đặc biệt, Nghị quyết có một số điểm mới trong nhóm giải pháp: đổi mới và bắt buộc học tập lý luận chính trị; hằng năm người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên có cam kết rèn luyện, gìn giữ phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; cơ chế kiểm soát quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, đề cao pháp luật Nhà nước, công khai kết quả xử lý vi phạm; sự thống nhất về chính sách và kỷ luật giữa Đảng và Nhà nước; tăng cường quản lý hoạt động báo chí, thông tin, phát huy vai trò của cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí. Thực hiện sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đổi mới chính sách tiền lương; tăng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu để xử lý cán bộ thuộc quyền; tăng cường sự giám sát và phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
PV: Xin đồng chí cho biết việc học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) của tỉnh ta được triển khai như thế nào?
Đồng chí Bùi Văn Tỉnh: Thực hiện Hướng dẫn số 20-HD/BTGTW, ngày 22/11/2016 của Ban Tuyên giáo T.Ư về việc tổ chức học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 56 -KH/TU, ngày 19/12/2016 để tổ chức học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) trong toàn Đảng bộ nhằm giúp cấp ủy các cấp xây dựng nội dung, kế hoạch tổ chức triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết; xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết, đồng thời tổ chức và tham gia làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền rộng rãi những nội dung cơ bản của Nghị quyết trong các tầng lớp nhân dân. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, nhận thức lệch lạc, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cán bộ, đảng viên nắm vững, hiểu rõ những nội dung cơ bản của Nghị quyết, nhất là những nội dung liên quan đến lĩnh vực công tác. Các cấp ủy Đảng tổ chức xác định nội dung học tập, quán triệt cho phù hợp với từng đối tượng, từng cấp. Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên, phải được thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả, không qua loa, hình thức; kết hợp nghe, giới thiệu, luận giải trên hội trường với thảo luận, tự đọc, tự tìm hiểu là chính. Khuyến khích các hình thức tổ chức đa dạng, sinh động, tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương, đơn vị. Thảo luận xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiên phải đảm bảo đúng quan điểm chỉ đạo, những chủ trương, định hướng lớn được quyết định tại Hội nghị; phù hợp với địa phương và bảo đảm điều kiện thực hiện. Nội dung học tập, quán triệt tập trung vào những nội dung, quan điểm cơ bản trong các văn kiện Hội nghị T.ư 4 (khóa XI). Đối tượng học tập, quán triệt là tất cả cán bộ, đảng viên. Sau khi học tập, quán triệt, cấp ủy các cấp chủ trì xây dựng chương trình hành động của tập thể trên cơ sở vận dụng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết; đồng thời phải bám sát thực tiễn địa phương, cơ sở nhằm nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị phải có kế hoạch hành động cá nhân thực hiện Nghị quyết phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao; thể hiện quyết tâm, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động, kế hoạch thực hiện là khâu ưu tiên và phải được thể hiện từ khâu xây dựng, thảo luận, quán triệt, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc nghiêm túc.
Cán bộ, đảng viên đã tham gia các lớp nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết do cấp ủy các cấp triệu tập đều phải viết thu hoạch cá nhân. Nội dung thu hoạch tập trung thể hiện nhận thức của cá nhân về thực trạng, những điểm mới, mục tiêu, giải pháp. Đặc biệt là kiến nghị về các biện pháp thực hiện ở ngành, địa phương, đơn vị và trách nhiệm cụ thể của cá nhân.
Theo Kế hoạch, việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết ở cấp tỉnh hoàn thành trong tháng 12/2016; các huyện, thành ủy và Đảng bộ trực thuộc hoàn thành trong tháng 1/2017. Cùng với việc tổ chức học tập, quán triệt, công tác phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết được triển khai rộng rãi trong nhân dân. Các cấp ủy Đảng cần chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc học tập, quán triệt và chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết nghiêm túc, chặt chẽ.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Đức Phượng (TH)
Ngày 28-12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã họp phiên thứ 11 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo.
(HBĐT) - Đến thăm Nam Sơn vào những ngày cuối năm, thời điểm được cho là bắt đầu vào mua thu hoạch quýt cổ. Toàn xã hiện có trên 60 ha diện tích quýt cổ với hơn 90% các hộ gia đình tham gia phát triển mô hình. Giờ đây, quýt cổ là cây trồng xoá đói, giảm nghèo của người dân Nam Sơn. Qua đó, đời sống nhân dân đã có những tín hiệu tích cực, thu nhập đuợc nâng lên đáng kể…
(HBĐT) - Sáng 28/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Tham dự ở điểm cầu Hoà Bình có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 28/12, Khối thi đua các cơ quan đảng tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017. Đến dự có lãnh đạo và chuyên môn theo dõi khối thi đua, ban thi đua - khen thưởng tỉnh, lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác thi đua- khen thưởng các cơ quan đơn vị trong khối thi đua các cơ quan Đảng tỉnh.
(HBĐT) - Chiều 28/12, Ban KT-NS (HĐND tỉnh) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017. Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng và các Ban của HĐND tỉnh. Đồng chí Hoàng Văn Đức, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ, Trưởng Ban KT-NS chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Chiều 28/12, Văn Phòng Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác Văn phòng cấp ủy năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Tới dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện Cục Lưu trữ, Văn phòng T.Ư Đảng và Khối thi đua các cơ quan Đảng tỉnh; lãnh đạo Văn phòng HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh, các Huyện, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc.