(HBĐT) - Thêm một mùa xuân ấm áp, yên vui dành tặng mẹ - Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã kiên cường đi qua chiến tranh và những năm tháng cơ cực nhất của cuộc đời. Như để bù đắp cho quá khứ đã hằn kín nỗi đau, mỗi mùa xuân hôm nay thực sự là một mùa vui khiến trái tim mẹ được sưởi ấm một cách trọn vẹn.

 

Đây là cái Tết thứ ba kể từ khi mẹ Bùi Thị Bậy (xóm Sào Trên, xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi) được trao tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mỗi khi Tết đến, các ban, ngành, chính quyền và tổ chức địa phương về thăm hỏi, động viên và tặng quà mẹ. Cả huyện Kim Bôi giờ có hai Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống là mẹ Bậy và mẹ Bùi Thị Rảo ở xã Cuối Hạ.

 

Đến thăm mẹ Bậy vào một ngày đầu xuân 2017, chúng tôi cảm nhận rõ bầu không khí ấm áp và an lành tràn ngập ngôi nhà của mẹ. Mẹ sống với người con trai út. “Tứ đại đồng đường” cùng chung sống hạnh phúc bên nhau trong ngôi nhà được xây dựng khang trang, khuôn viên rộng rãi, thoáng mát. Khi chúng tôi đến, mẹ ngồi trước hiên nhà nhìn ra sân rộng được quét sạch, nơi người cháu dâu đang chơi đùa với đứa con nhỏ – tức đứa chắt nội thứ 6 của mẹ Bậy. Thoang thoảng trong gió tiếng lá xào xạc nhẹ nhàng quyện với mùi cay cay ngọt ngọt từ cây quế cuối vườn. Bỏm bẻm nhai trầu, mẹ đứng dậy đón khách, nụ cười đã hằn kín nếp nhăn nhưng vẫn tươi tắn và nồng hậu hiếm có ở cái tuổi “cổ lai hy” của mẹ khiến người đối diện cảm thấy ấm lòng. 

 

 

Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Bậy, xóm Sào Trên, xã Hạ Bì (Kim Bôi) đang có cuộc sống tràn ngập yêu thương bên con cháu.

 

Mẹ Bùi Thị Bậy sinh được 6 người con – 5 trai 1 gái, trong đó 4 người con trai đều đi bộ đội thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến trường miền Nam khốc liệt những năm 1969 – 1970 đã cướp đi 2 con của mẹ là Bùi Văn Cát (hy sinh ngày 28/2/1969) và Bùi Văn Nót (hy sinh ngày 19/5/1970). Trước đó mấy năm, mẹ đã đau đớn vĩnh biệt người chồng mất sớm khi 43 tuổi. Thờ chồng, thờ con, mẹ nén nỗi đau vào lòng, lam lũ làm đủ việc ngắn dài để nuôi 4 người con còn lại. Năm tháng qua đi kéo theo cả những cơ cực của cuộc sống. Các con của mẹ giờ đã nên ông nên bà, mẹ đã thành cụ của 20 đứa cháu, chắt. Đại gia đình luôn sum họp đầy đủ vào mỗi dịp giỗ chạp, lễ tết. “Xôm tụ nhất là mấy ngày Tết Nguyên đán” – anh Bùi Văn Diện, người con trai út của mẹ phấn khởi kể chuyện. Anh bảo, dù có bận rộn thế nào đi chăng nữa, con cháu trong dòng họ cũng trở về quây quần bên nhau dịp Tết đến, xuân về và chúc thọ mẹ - bà - cụ của mình. Như để bù đắp cho những năm tháng đau buồn và cơ cực mà mẹ đã kiên cường vượt qua. Con cháu luôn dành cho mẹ tình yêu thương và sự trân quý sâu sắc. Thêm vào đó là sự quan tâm, thăm hỏi chu đáo của các cấp, ban, ngành, đoàn thể và tổ chức khiến trái tim mẹ được sưởi ấm một cách trọn vẹn.

 

“Chỉ có trái tim mới sưởi ấm được trái tim” – dường như hiểu sâu sắc điều đó, công tác chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng luôn được các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện toàn tâm, toàn ý chứ không hề khiên cưỡng hay qua loa hình thức. Theo đồng chí Vũ Hồng Nghiệp, Trưởng phòng Chăm sóc người có công – Sở LĐ-TB&XH, nhiều năm nay, việc xã hội hóa công tác chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã nhận được sự đồng thuận cao bởi xuất phát từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Dẫu biết rằng sẽ chẳng có đền đáp nào xứng đáng với hy sinh của mẹ cho Tổ quốc nhưng với sự quan tâm và chăm sóc xuất phát từ trái tim yêu thương, chúng ta vẫn bù đắp được phần nào những mất mát của mẹ cả về vật chất lẫn tinh thần. Với ý nghĩa đó, việc phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng chính là cách thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các mẹ - biểu tượng cao quý cho quá khứ oanh liệt và thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

 

Được biết, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng vạn người con yêu dấu của quê hương Hòa Bình đã tham gia chiến đấu, lập nên những chiến công hiển hách. Trên 30.000 con em của tỉnh tham gia hoạt động cách mạng, trong đó có 12.415 thanh niên lên đường nhập ngũ, hơn 5.810 người con ưu tú anh dũng hy sinh, 4.600 chiến sỹ cống hiến một phần xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Khi chiến tranh qua đi, hàng nghìn người mẹ “thà mất con còn hơn mất nước” đã trở thành mẹ liệt sỹ, nỗi đau của mẹ đã góp phần làm nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc.

 

Theo Sở LĐ-TB&XH, đến nay, tỉnh ta có 235 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện, 12 mẹ còn sống đều đã trên 90 tuổi, trong đó, thành phố Hòa Bình có 3 mẹ, Kỳ Sơn 3 mẹ, Kim Bôi 2 mẹ, 4 mẹ còn lại đang sống ở các huyện Đà Bắc, Lạc Sơn, Lạc Thủy và Yên Thủy. Các mẹ đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Cùng với việc phụng dưỡng về vật chất, các đơn vị thường xuyên đến động viên tinh thần, nhất là vào các dịp lễ, Tết cổ truyền, ngày giỗ của các liệt sỹ. Ngoài ra, việc quan tâm chăm sóc các mẹ cũng được xã hội hóa thông qua nhiều hoạt động: Thăm hỏi, tặng quà trong các ngày lễ Tết, kỷ niệm; thăm hỏi khi các mẹ ốm đau; quan tâm chăm sóc sức khỏe, khám - cấp thuốc, tặng đồ dùng sinh hoạt, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; vận động kinh phí hỗ trợ xây nhà mới và nâng cao điều kiện sống cho các mẹ…

 

Đó là những nghĩa cử tốt đẹp không những giúp nối dài truyền thống “đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc mà còn khiến cuộc sống hiện đại của chúng ta có thêm những giá trị chân – thiện – mỹ.

 

 

                                                                                    Thu Trang

 

Các tin khác


Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Bác

Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn đại biểu đã bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144).

Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên

Những năm qua, việc thực hiện Quy định số 34-QĐi/TU, ngày 28/01/2019 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh đã đạt kết quả tích cực. Tỉnh ủy coi đây là phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng; là biện pháp thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh

Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh 


Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người "là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”. Trọn cả cuộc đời, Người dâng hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Học tập và làm theo Người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với tất cả các tổ chức đảng, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến và phụng sự đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội

Chiều tối 17/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ khoa học lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 17/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục