(HBĐT) - LTS: Bằng tinh thần anh dũng, kiên cường, dưới cờ Đảng, quân và dân tỉnh Hòa Bình đã đoàn kết một lòng góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng trong Chiến dịch Hòa Bình vào mùa xuân năm 1952. Nhân kỷ niệm 65 năm giải phóng tỉnh Hòa Bình, Báo Hòa Bình phỏng vấn đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh về ý nghĩa lịch sử của chiến công này. Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ làm gì để đưa Hòa Bình tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường đổi mới và phát triển.
PV: Xin đồng chí cho biết trong thời điểm cuối năm 1951, đầu năm 1952, tỉnh Hòa Bình đã khơi nguồn cách mạng như thế nào để huy động sức người, sức của cho Chiến dịch Hòa Bình?
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: Ngày 18/11/ 1951, Tổng quân ủy quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình. Ngày 24/11/1951, T.ư Đảng ra Chỉ thị “Nhiệm vụ phá cuộc tiến công Hòa Bình của địch”.
Trong kháng chiến cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình luôn đoàn kết, tích cực tham gia chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc.
Thực hiện chủ trương đó, trong 2 ngày 23 và 24/11/1951, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và đề ra nhiệm vụ trọng tâm phục vụ chiến dịch là: Tận dụng mọi khả năng, mọi lực lượng tuyên truyền, phân tích âm mưu tái chiếm Hòa Bình của địch, những khó khăn địch vấp phải, triển vọng chiến thắng của ta, động viên nhân dân đóng góp sức người, sức của phục vụ chiến đấu. Đẩy mạnh công tác địch vận, ngụy vận, coi đây là một trọng tâm công tác. Về công tác quân sự, lấy xây dựng du kích là chính, nâng cao chất lượng bộ đội địa phương. Hai đồng chí trong Tỉnh ủy được phân công chịu trách nhiệm chỉ đạo các mặt hoạt động cụ thể phục vụ chiến dịch. Việc huy động nhân lực được giao cho Ban Dân công tỉnh chịu trách nhiệm. Tỉnh Đoàn thanh niên cứu quốc đảm đương việc huy động nam, nữ thanh niên phục vụ công tác quân y.
Ngay sau hội nghị, được sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, Mặt trận Liên Việt tỉnh đã triệu tập “Hội nghị nhân dân bàn về chống giặc”. Gần 200 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có nhiều thân hào, thân sĩ từ nhiều huyện, nhiều vùng trong tỉnh đã về dự hội nghị tại xã Đại Đồng (Lạc Sơn). Hội nghị đạt kết quả tốt, làm cho các đại biểu hiểu được khả năng của quân ta, chỗ yếu và thất bại không thể tránh khỏi của địch, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Ngày 9/12/1951, Thường vụ Tỉnh ủy phát động cuộc thi đua lập công với ba nội dung: Phát triển chiến tranh du kích, thi đua giết giặc lập công; đẩy mạnh địch ngụy vận; tích cực phục vụ tiền tuyến. Bộ đội địa phương (trừ Tiểu đoàn 616 hoạt động tập trung) đều phân tán về cơ sở làm nhiệm vụ củng cố, dìu dắt dân quân du kích hoạt động.
Thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Ban chỉ huy mặt trận với địa phương, ngày 3/1/1952, Hội nghị Thường vụ Tỉnh ủy mở rộng quyết định những công việc cần làm ngay: Đưa nhân dân quanh vị trí địch sơ tán hết ra vùng tự do. Tăng cường lực lượng dân công, vận chuyển gấp lương thực phục vụ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương; đẩy mạnh địch vận, thực hiện gây nhân mối, vận động đông đảo nhân dân tham gia công tác địch vận, tuyên truyền chiến thắng, vận động toàn dân tham gia phục vụ chiến dịch. Thường vụ Tỉnh ủy xác định hướng địa bàn công tác chính là đường số 6 và khu vực xung quanh thị xã, yêu cầu các huyện (trừ Lạc Sơn), các ban, ngành phải tăng cường thêm cán bộ cho các địa bàn trên.
Sau hội nghị, hàng trăm cán bộ được huy động tăng cường cho khu vực thị xã Hòa Bình và đường số 6 giúp các xã xây dựng cơ sở phá tề, làm công tác địch vận, vận động nhân dân quanh các vị trí địch triệt để sơ tán lên rừng, hình thành các tuyến trắng bao vây, triệt mọi nguồn tiếp tế lương thực thực phẩm của địch. Các đơn vị bộ đội tỉnh phối hợp cùng bộ đội chủ lực liên tiếp phục kích, chống càn quét, quấy rối, tập kích các vị trí địch. Các Đại đội 121 (Lương Sơn), 16 (Kỳ Sơn), 116 (Mai Đà), 112 (Lạc Sơn), Tiểu đoàn 616 phân tán về các xã củng cố, xây dựng lực lượng dân quân du kích, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng bị uy hiếp và vùng địch chiếm đóng lên cao độ. Ban Địch vận các cấp phối hợp cùng các đoàn thể, các lực lượng ráo riết thực hiện với nhiều hình thức: In và phát hành hàng nghìn bức thư của Bác Hồ gửi anh em ngụy binh, thông báo của ủy ban Kháng chiến tỉnh về việc thi hành chính sách khoan hồng của Chính phủ, Bác Hồ đối với những người lầm đường theo giặc trở về với nhân dân…
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền tin chiến thắng, động viên, giáo dục nhân dân đoàn kết đấu tranh chống giặc, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định từ tháng 1/1952, tờ “Toàn Thắng” sẽ ra hằng tháng, tăng từ 2 trang lên 4 trang, nâng số lượng phát hành lên 2.000 tờ mỗi kỳ. Tờ báo do Ban Tuyên huấn tỉnh chịu trách nhiệm biên tập, phát hành và hướng dẫn sử dụng làm tài liệu chính tuyên truyền trong Đảng bộ và nhân dân.
Các ngành từ Thông tin tuyên truyền, Công an, Giao thông đến Chi sở mậu dịch, từ Mặt trận Liên Việt đến Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Nông hội… đã huy động mọi lực lượng của mình tham gia phục vụ chiến đấu với tinh thần tất cả cho chiến đấu, tất cả cho chiến thắng. Toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh ra quân với tinh thần phấn khởi, với khí thế khẩn trương, sôi động chưa từng có. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thể hiện tinh thần không tiếc sức người, sức của cho chiến thắng. Đảng bộ, quân dân tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận và phân phối đến các đơn vị ngoài mặt trận hàng trăm tấn lương thực, vũ khí, đạn dược đảm bảo cho bộ đội ăn no đánh thắng. Trong vòng trên 100 ngày diễn ra chiến dịch, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã huy động 200.000 ngày công phục vụ công tác vận chuyển, ủng hộ bộ đội 323 con bò, 200 con lợn, hàng ngàn cây tre, bương… để dựng lán trại, làm hàng trăm bè mảng giúp bộ đội vượt sông, suối…
Thế trận chiến tranh nhân dân lên cao, đẩy thực dân Pháp ngày càng lúng túng ở mặt trận chính Hòa Bình cũng như đồng bằng Bắc Bộ. Để tránh nguy cơ bị tiêu diệt, chiều ngày 22/2/1952, địch bắt đầu rút chạy khỏi thị xã Hòa Bình. Đến ngày 23/2/1952, tỉnh Hòa Bình hoàn toàn được giải phóng.
Một lần nữa, Hòa Bình là nơi ghi đậm dấu ấn thất bại thảm hại của quân đội viễn chinh Pháp!
PV: Xin đồng chí nhấn mạnh thêm ý nghĩa lịch sử của Chiến dịch Hòa Bình?
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: Chiến dịch Hòa Bình đã đập tan kế hoạch chiếm đóng, âm mưu dựng lại “Xứ Mường tự trị” của giặc Pháp trên đất Hòa Bình; giải phóng 5.000 km2 đất đai khu vực Hòa Bình - sông Đà với gần 2 triệu dân; giữ vững đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với Liên khu 3 và 4; góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch; làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc Bộ của thực dân Pháp.
Kể từ ngày đầu kháng chiến, số binh lực bị tiêu diệt và tan rã trong Chiến dịch Hòa Bình là thiệt hại cao nhất của Pháp qua một chiến dịch. Toàn chiến dịch ta tiêu diệt 6.012 tên địch, 156 xe các loại, 17 tàu chiến, ca nô, 24 đại bác, 9 máy bay cùng nhiều phương tiện chiến tranh khác.
Trong chiến dịch Hòa Bình, ta đã có chủ trương đúng và vận dụng tốt hai phương châm tác chiến chiến dịch: “đánh điểm diệt viện” và “liên tục chiến đấu”. Đó là hai điểm đặc sắc của cách đánh chiến dịch, nghệ thuật chiến dịch và cũng là một trong những nguyên nhân rất quan trực tiếp quyết định thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình.
Chiến thắng Hòa Bình thể hiện sự chỉ đạo đúng đắn, tài tình về nghệ thuật quân sự của Đảng, về sức mạnh của chiến tranh nhân dân: Chọn chiến trường thích hợp để tiêu diệt địch, đánh vào chỗ sơ hở, nơi hiểm yếu của địch, kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các địa bàn, các chiến trường, giữa ba thứ quân, giữa quân và dân… đồng loạt tiến công liên tục chiến đấu trong chiến dịch dài ngày trên một chiến trường rộng lớn đã chứng tỏ khả năng phối hợp nhịp nhàng, lối đánh muôn màu, muôn vẻ của chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã làm thất bại đòn tiến công chiến lược của địch. Đây là bước phát triển mới rất quan trọng về nghệ thuật chiến dịch của ta. Sự phát triển ấy rất sinh động, sáng tạo và độc đáo.
PV: Thưa đồng chí, 65 năm qua, tỉnh Hòa Bình đã đổi thay như thế nào? Thời điểm hiện tại, Đảng bộ tỉnh đã có những quyết sách gì để đưa tỉnh Hòa Bình tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường đổi mới và phát triển?
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: Nhìn lại chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển (1952-2017), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình có quyền tự hào trước diện mạo ngày càng đổi mới của quê hương. Sau khi giải phóng, Hòa Bình là một trong những tỉnh cực kỳ khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, trình độ dân trí thấp, nền kinh tế chủ yếu là nông - lâm nghiệp và còn mang nặng tính tự cấp, tự túc, công nghiệp, thương mại, dịch vụ chưa phát triển.
Đến nay, nhân dân các dân tộc tỉnh ta dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ tỉnh đã đoàn kết, phấn đấu đạt được nhiều kết quả phấn khởi: Năm 2016, có 14/21 chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh năm 2016 (1). Tăng trưởng kinh tế đạt 7,62%; cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22,27%; công nghiệp, xây dựng chiếm 45,75%; dịch vụ chiếm 31,98%. GRDP bình quân đầu người đạt 36,5 triệu đồng/năm. Tổng thu nsnn đạt 3.022 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 370,8 triệu USD, nhập khẩu đạt 321,2 triệu USD. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 125 nghìn ha; sản lượng lương thực có hạt đạt 37,6 vạn tấn. Trồng rừng mới được 8.006 ha, độ che phủ rừng đạt 51,2%. Đến hết năm 2016 có 39 xã đạt chuẩn NTM (bằng 18,57% tổng số xã). Theo tiêu chí tiếp cận đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn khoảng 20,38% (giảm 3,44% so với năm 2015); tỷ lệ dân nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 88%; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 97,13%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 91,8%; giải quyết việc làm cho khoảng 16.250 lao động.
Kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư. TP Hòa Bình và các thị trấn được đầu tư nâng cấp mở rộng. Các vùng nông thôn có nhiều đổi mới. Đến năm 2017, 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã; 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có điện lưới quốc gia, có 99,41% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 6.236 km đường bộ, bê tông hóa, nhựa hóa 301,14 km quốc lộ, đạt 100%. Tuyến đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình, tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng; các tuyến QL6, 21A, 12B được cải tạo, nâng cấp, mở rộng đã góp phần quan trọng trong lưu thông hàng hóa thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.
Hạ tầng y tế được đầu tư đồng bộ, đến năm 2017 có 2 bệnh viện tuyến tỉnh, 1 bệnh viện đa khoa khu vực và 10 bệnh viện đa khoa huyện, thành phố với tổng số 1.720 giường bệnh. Trạm y tế xã, phường, thị trấn đều được xây dựng kiên cố, trong đó có 25% trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế. Phong trào luyện tập TD-TT phát triển mạnh mẽ, thể thao thành tích cao đạt được kết quả tích cực.
Sự nghiệp GD&ĐT không ngừng phát triển, quy mô trường lớp ngày càng mở rộng. Năm 1995, đạt chuẩn PCGD tiểu học – xóa mù chữ, là tỉnh miền núi thứ 2 và tỉnh thứ 13 trong cả nước đạt chuẩn về công tác này; tháng 12/2003 đạt chuẩn PCGD trung học cơ sở; tháng 12/2005 đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi; tháng 7/2012 đạt chuẩn PCGD mầm non 5 tuổi. Hòa Bình là tỉnh miền núi đầu tiên và là tỉnh thứ hai trong cả nước được công nhận PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư với 75% thôn, bản có nhà văn hóa. CNTT, viễn thông phát triển vượt bậc, mạng truyền dẫn được cáp quang hóa đến 11 huyện, thành phố, 100% cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện được nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và kết nối internet. 99,5% xã được phủ sóng phát thanh và phủ sóng truyền hình 87,9% diện tích toàn tỉnh; tỷ lệ máy điện thoại đạt gần 80 máy/100 dân; tỷ lệ thuê bao Internet đạt 3 thuê bao/100 dân.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh, kể cả vùng cao vùng khó khăn được cải thiện đáng kể; văn hóa – xã hội được chăm lo phát triển, có nhiều tiến bộ; việc thực hiện chính sách đối với người có công được quan tâm, các hoạt động xã hội, từ thiện được đẩy mạnh. Công tác quốc phòng - quân sự địa phương được tăng cường, giữ vững ANCT, TTATXH trên địa bàn; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm, phương thức lãnh đạo của Đảng có nhiều đổi mới. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng cao. Những thành tựu đó đánh dấu bước phát triển mới, tạo đà vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
* Về những quyết sách để đưa Hòa Bình tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường đổi mới và phát triển.
Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tỉnh ta tiếp tục duy trì sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, đoàn kết các dân tộc, huy động các nguồn lực để phục vụ cho phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn lực đó. Mục tiêu hướng đến là miền núi tiến kịp miền xuôi, sớm đưa kinh tế Hòa Bình đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước. Thực hiện khâu đột phá trong tư duy phát triển nền nông nghiệp, Hòa Bình chủ trương trồng các loại cây có giá trị hiệu quả kinh tế cao hơn, nhất là giá trị gia tăng trong hàng hóa, tiến tới chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ.
Tiếp tục tái cơ cấu, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, cả trồng trọt và chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, liên kết chặt chẽ từ khâu giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến xây dựng thương hiệu hàng hóa và tiêu thụ theo chuỗi giá trị để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Nhân rộng các mô hình sản xuất các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây đặc sản có giá trị kinh cao.
Cùng với nông nghiệp, Hòa Bình sẽ thu hút đầu tư, liên kết các tỉnh trong vùng kinh tế động lực đồng bằng Bắc Bộ, phát triển mạnh mẽ công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với vùng sản xuất nguyên liệu; công nghiệp sử dụng nhiều lao động, sản xuất nguyên liệu; công nghiệp sử dụng lao động, sản xuất hàng hóa xuất khẩu (may mặc, giầy da), sản xuất vật liệu xây dựng tỉnh có lợi thế; phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, sản xuất các loại sản phẩm thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Cùng với kinh tế, Đảng bộ đồng thời quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, chăm lo đúng mức sự nghiệp GD&ĐT, CSSK nhân dân, phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, các chính sách đối với những người có công với nước, các đối tượng khó khăn trong xã hội; khuyến khích các hoạt động nhân đạo, từ thiện.
Tiếp tục củng cố, tăng cường QP-AN, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; xây dựng LLVT địa phương vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị, TTATXH, phát hiện và xử lý kịp thời những vụ, việc phức tạp, không để trở thành điểm nóng; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy; thực hiện tốt các chính sách về tôn giáo, dân tộc.
Yếu tố có ý nghĩa then chốt, quyết định để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên là phải chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị TS-VM, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng bộ. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.ư 4, khóa XI, XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!
Thúy Hằng (thực hiện)
(1) 5 chỉ tiêu không đạt: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân đầu người, tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ người dân tham gia BHYT, tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý.
* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hội đồng LB Nga dự tọa đàm Việt - Nga
Ngày 22-2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp và trao đổi ý kiến thân mật với bà V.I.Mát-vi-en-cô, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đang ở thăm Việt Nam
Ngày 22/2, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về Kỳ họp thứ 11, trong đó kết luận xem xét kỷ luật nhiều cán bộ liên quan sự cố Formosa.
(HBĐT) - Năm 2016, Lạc Thủy là địa phương duy nhất trong tỉnh tổ chức Hội thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, lịch sử 130 năm xây dựng và phát triển của tỉnh, huyện với hình thức thi “Rung chuông vàng”. Đây là cách thức giáo dục, tuyên truyền ĐV-TN linh hoạt và sáng tạo của Huyện Đoàn Lạc Thủy.
(HBĐT) - 2 tháng đầu năm 2017, Đảng bộ huyện Tân Lạc đã kết nạp được 57 đảng viên mới. Đặc biệt trong dịp kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2017), Đảng bộ huyện đã kết nạp được 43 quần chúng ưu tú vào Đảng, trong đó cả 43 đồng chí là thanh niên đi làm nghĩa vụ quân sự. Đảng viên mới kết nạp là người dân tộc thiểu số chiếm 97,7%; 100% tốt nghiệp trung học cơ sở; có 1 đồng chí đã tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp.
(HBĐT) - Sáng 22/2, các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị BTV Tỉnh ủy cho ý kiến một số vấn đề quan trọng của tỉnh. Dự hội nghị có các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; đại diện các Ban xây dựng Đảng T.Ư; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
(HBĐT)- Sáng 22/2, đoàn đại biểu dự Đại hội lần thứ V Hội CTĐ tỉnh nhiệm kỳ 2017 – 2022 đã làm lễ dâng hương tại tượng đài Bác Hồ. Tham gia đoàn có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các hội, đoàn thể tỉnh và hơn 160 đại biểu đại diện cho các hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Hội CTĐ về dự Đại hội lần này.