Đoàn đại biểu QH thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ.Ảnh: DUY LINH
Rà soát
các điều luật liên quan quy hoạch
Báo cáo nêu
rõ, hiện tại, qua rà soát có 32 luật cần sửa đổi, bổ sung các điều liên quan
quy hoạch để phù hợp dự án Luật Quy hoạch. Để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban
Thường vụ QH chỉnh lý khoản 1 Điều 69 của dự thảo luật theo hướng Luật Quy
hoạch có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.
Tham gia ý
kiến thảo luận về nội dung này, đa số các đại biểu tán thành nội dung Báo cáo
giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này. Các đại biểu QH Trần Thị Dung
(Điện Biên), Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cùng một
số đại biểu QH đưa ý kiến tranh luận về việc sẽ có nhiều luật cần sửa đổi, bổ
sung các điều liên quan đến quy hoạch. Đại biểu Trần Thị Dung cho rằng, về số
lượng, các luật cần sửa đổi theo danh mục là 32 luật, nhưng qua rà soát số
lượng không chỉ dừng ở con số 32 luật, mà có khoảng 50 dự án luật cần sửa liên
quan. Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển, qua rà soát, ngoài 32 luật theo danh mục
nêu, vẫn còn một số luật, pháp lệnh như Luật Xuất bản, Luật Dược, Luật Sửa đổi,
bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh,
Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng... cũng có quy định về quy hoạch. Nếu theo quy
định tại Điều 69 của dự thảo luật thì những quy hoạch này vẫn tồn tại, việc
không sửa đổi các luật, pháp lệnh này sẽ không bảo đảm tính thống nhất trong hệ
thống pháp luật.
Cho ý kiến
về những nội dung của dự thảo luật, các đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Nguyễn
Bắc Việt (Ninh Thuận) và một số đại biểu bày tỏ quan điểm dự án luật lần này
cần có quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ
có thể xảy ra trong công tác quy hoạch. Đề nghị nghiên cứu xem xét bổ sung mục
tiêu của hoạt động quy hoạch phải vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất
nước, tuân thủ theo quy định của luật này, quy định của pháp luật khác có liên
quan và điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Đại biểu Nguyễn Bắc Việt có
ý kiến, nên bổ sung nội dung quy định để hạn chế tình trạng lộ, lọt ý định quy
hoạch trước khi cấp thẩm quyền phê duyệt và trước khi hình thành dự thảo quy
hoạch dẫn đến hiện tượng đầu cơ, trục lợi.
Bên cạnh
đó, các đại biểu QH đưa ý kiến tranh luận về tính khả thi của luật, theo đó
Điều 69 dự thảo quy định hiệu lực thi hành luật từ ngày 1-1-2019. Thời gian từ
khi luật được thông qua cho đến luật thi hành còn hơn 16 tháng. Theo quy định
trong Phụ lục 2 của dự thảo phải sửa đổi 32 luật mà phần lớn các nội dung luật
này chưa có trong dự kiến chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2018. Các
đại biểu kiến nghị QH và Chính phủ cần chỉ đạo và xem xét kỹ về thời gian để
bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, cần có cơ chế phản biện về quy hoạch, vì đây
là một kênh quan trọng trong quá trình quy hoạch. Nên nghiên cứu quy định thêm
vấn đề phản biện khoa học và việc tổ chức phản biện khoa học trong dự thảo
luật. Một số đại biểu đề nghị làm rõ việc lãng phí trong quy hoạch, lãng phí do
để quy hoạch treo hay nguồn tiền lập quy hoạch để ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Sáng qua,
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo, cung cấp thêm thông
tin, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu.
Xử lý nợ
xấu đáp ứng yêu cầu cấp bách
Buổi chiều,
QH thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
(TCTD); dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Về dự thảo
Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD, các đại biểu đồng tình với chủ trương
và tinh thần QH ra nghị quyết này, qua đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về xử
lý nợ xấu, giúp khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện
quyền tiếp cận vốn của doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay, tăng mức độ an
toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Việc
hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành nghị quyết
của QH là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, thực
hiện các nhiệm vụ theo nghị quyết của QH, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu
cấp bách của thực tiễn...
Về nội dung
Điều 5 trong dự thảo Nghị quyết về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá trị
thị trường nêu: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua
bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo
giá trị thị trường theo quy định của pháp luật, kể cả bán với giá thấp hơn giá
trị ghi sổ của khoản nợ. Một số đại biểu cho rằng, bán nợ xấu và tài sản bảo
đảm thì nợ gắn liền với tài sản bảo đảm, khi nợ thì tài sản bảo đảm không được
cho phép bán tài sản bảo đảm dưới giá thị trường. Quan trọng hơn làm sao tránh
sự lạm dụng trong đấu giá định giá mua bán tài sản, nếu không dễ xảy ra tình
trạng trục lợi, cố tình định giá thấp để "ăn” chênh lệch. Chủ tịch QH Nguyễn
Thị Kim Ngân và nhiều đại biểu đồng tình cho rằng, việc mua bán nợ xấu phải
tiến hành đấu giá công khai, minh bạch, theo thị trường, trong một số trường
hợp cần có tổ chức định giá độc lập. Vì thế, Chính phủ cần báo cáo QH các tình
huống có thể xảy ra để ngăn chặn tình trạng nêu trên, không vì xử lý nợ xấu mà
gây thiệt hại cho cả chủ nợ...
Một số ý
kiến khẳng định nghị quyết này ban hành không phải để hợp pháp hóa tất cả những
hoạt động trái pháp luật tạo ra nợ xấu; và về nguyên tắc phải xử lý trách nhiệm
của những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về tổ chức tín dụng. Cho ý kiến về
phạm vi đối tượng điều chỉnh, Chủ tịch QH nêu nghị quyết này quy định về việc
xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do
Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, như thế thể hiện sự
công bằng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng cần được nêu rõ trong nghị quyết theo
yêu cầu của Ủy ban Thường vụ QH, đó là không sử dụng ngân sách nhà nước để xử
lý nợ xấu. Về phạm vi, nguyên tắc và phương pháp xác định nợ xấu theo quy định
của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được nêu trong dự thảo nghị quyết, Chủ tịch QH
cho rằng như thế là chưa phù hợp, cần được xác định rõ ràng, làm rõ, cụ thể hơn
ngay trong nghị quyết.
Đại biểu
Trương Minh Hoàng (Cà Mau) và một số đại biểu cho rằng, trên thực tế, trong quá
trình xử lý chủ yếu vướng trong cách giải quyết tài sản thế chấp và thu giữ tài
sản thế chấp. Do đó vấn đề xem xét áp dụng thủ tục rút gọn nêu trong dự thảo
nghị quyết là cần thiết. Tuy nhiên, theo đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) và một
số đại biểu khác cho rằng, quy định như trong nghị quyết là chưa đầy đủ, chưa
đáp ứng các điều kiện được nêu ở Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Hơn
nữa, những quy định nêu trong nghị quyết mặc dù không mâu thuẫn với Bộ luật Dân
sự năm 2015, tuy nhiên nội dung ở Điều 7 dự thảo nghị quyết không mang tính khả
thi trong thực tiễn, có thể vi phạm quyền và lợi ích của một số cá nhân và tổ
chức cùng có giao dịch bảo đảm bằng tài sản. Vì thế, cần tiếp tục rà soát thật
kỹ lưỡng những quy định, bảo đảm tính bình đẳng trước pháp luật của các bên
tham gia giao dịch dân sự.
Chiều qua,
các đại biểu QH đã thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Các TCTD. Sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD là giải pháp quan trọng và cần
thiết phải thực hiện. Qua đó, tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử
lý nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020 đáp ứng nhu cầu thực tiễn của sự phát triển
của nền kinh tế trong giai đoạn mới và khắc phục những khó khăn, hạn chế của
việc cơ cấu lại các TCTD trong các giai đoạn trước một cách hiệu quả, qua đó
góp phần bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, giữ vững ổn định, an toàn hệ
thống tổ chức tín dụng cũng như nền kinh tế.
Một điều
được bàn nhiều là tài sản bảo đảm, nhưng tài sản đó ở nợ xấu liệu có còn không?
Nếu còn thì là một điều rất mừng để chúng ta xử lý. Qua tham khảo với các ngân
hàng thì tài sản bảo đảm hiện nay nằm chủ yếu ở các dự án bất động sản.
Đại
biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh)
Về các
hành vi bị cấm trong hoạt động quy hoạch, đề nghị cần xem xét, minh định rõ hơn
về các hành vi bị cấm nhằm chống lợi ích nhóm, gây thiệt hại đến lợi ích của
địa phương, quốc gia.
Đại
biểu Lê Công Đỉnh (Long An)
Về phân
công trách nhiệm trong quản lý quy hoạch, hiện chưa đề cập việc phân công trách
nhiệm trong hoạt động quy hoạch cho chính quyền cấp huyện và cấp xã, trong khi
hai cấp này giữ vai trò quyết định trong việc quản lý quy hoạch tại địa phương.
Đại
biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc)
Hiệu quả
của công tác thi hành án dân sự liên quan đến thu hồi nợ tín dụng, ngân hàng
còn hạn chế, nợ tồn đọng tại khâu thi hành án dân sự tính đến ngày 31-3-2017 là
17.184 việc, với số tiền còn phải thi hành án khoảng 65.489 tỷ đồng.
(Nguồn:
Báo cáo của Chính phủ)
TheoNhandan