Từ khi có báo "Thanh niên”, báo chí Việt Nam mới giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Với ý nghĩa đó, Ban Bí thư T.ư Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày 21/6 hàng năm làm Ngày báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.
Các hội viên Hội Nhà báo tỉnh thường xuyên trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ. ảnh: P.V
Phát huy truyền thống, cùng với báo chí cả nước, sự nghiệp báo chí cách mạng tỉnh ta không ngừng lớn mạnh, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ phát triển KT -XH của tỉnh. Hiện nay, tỉnh ta có 3 cơ quan báo chí là Báo Hòa Bình, Đài PT -TH tỉnh và Báo Văn nghệ. Ngoài ra, trong lĩnh vực báo chí truyền thông còn có Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, nhiều Website của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, hàng chục bản tin và tập san, 11 Đài TT -TH các huyện, thành phố. Bên cạnh đó còn một số cơ quan báo chí Trung ương đặt văn phòng đại diện trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức Hội Nhà báo tỉnh đã khẳng định rõ vai trò của một tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp của người làm báo. Hoạt động của các cấp Hội ngày càng phong phú, hiệu quả, số hội viên gia nhập tổ chức Hội ngày càng tăng. Đến nay đã có 122 hội viên, sinh hoạt ở 5 chi hội trực thuộc: Chi hội nhà báo Báo Hòa Bình, chi hội nhà báo Đài PT -TH tỉnh, chi hội nhà báo Báo Văn nghệ Hòa Bình, chi hội nhà báo Phân xã TTXVN tại Hòa Bình và Chi hội văn phòng Hội Nhà báo tỉnh. Bên cạnh công việc của văn phòng Hội, những chi hội trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh cũng có những bước trưởng thành và sự khởi sắc của báo chí Hòa Bình đã và đang được thể hiện rõ nét ở từng cơ quan báo chí.
Chi hội nhà báo Báo Hoà Bình đã tổ chức động viên mọi thành viên trong cơ quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Báo Hòa Bình hiện duy trì 2 ấn phẩm báo chí là Báo Hòa Bình phát hành 6 kỳ /tuần, số lượng trên 6.300 tờ /kỳ; báo Hòa Bình điện tử cập nhật liên tục các thông tin KT -XH, các sự kiện trong và ngoài tỉnh. Hiện có trên 107 triệu lượt người từ 176 quốc gia và vùng lãnh thổ truy cập, được đánh giá là một trong những kênh thông tin đối ngoại của tỉnh. Hiện Báo Hòa Bình điện tử được nâng cấp gồm trang chủ với 5 chuyên trang: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Mường, truyền hình và trang dành cho mobile để phục vụ rộng rãi hơn các đối tượng bạn đọc. Từ đầu năm đến nay, báo đã đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền các lĩnh vực KT -XH, đưa Nghị quyết của Đảng các cấp vào cuộc sống; phối hợp tốt với các ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương xây dựng và duy trì các chuyên trang, chuyên mục như "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; "Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng”; phát động cuộc thi viết về "Khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo”; các trang chuyên đề hàng tuần phản ánh những vấn đề nổi cộm trong trong thực tiễn cuộc sốõng, tuyên truyền, phản ánh có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề thực tiễn đời sống xã hội, phục vụ sự lãnh đạo, điều hành các nhiệm vụ KT -XH địa phương.
Bên cạnh báo viết, diện phủ sóng truyền hình đạt khoảng 80- 95% diện tích trên địa bàn toàn tỉnh. Đài PT -TH tỉnh không ngừng đổi mới về trang thiết bị kỹ thuật, tăng thời lượng phát sóng đảm bảo chất lượng và yêu cầu, đưa chương trình truyền hình tỉnh Hòa Bình phát sóng trên vệ tinh VINASAT -1. Đài thực hiện 24/24h phát song song 6 kênh chuyển tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam; 18 giờ phát sóng chương trình truyền hình của tỉnh qua hệ thống MyTV và vệ tinh Vinasat -1, Truyền hình kỹ thuật số mặt đất phát sóng 24/24h với 26 kênh chương trình… Chất lượng thông tin, tuyên truyền tiếp tục được đổi mới đáp ứng yêu cầu phát triển của báo chí hiện đại.
Cùng với các cơ quan báo chí địa phương, Phân xã TTXVN tại Hòa Bình trong những năm qua hoạt động có hiệu quả. Với nét đặc thù là cơ quan của T.ư đóng trên địa bàn tỉnh, song, về nghiệp vụ chuyên môn, TTXVN đã phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức một chi hội nhà báo tại Phân xã TTXVN thường trú tại Hòa Bình có 8 hội viên là cán bộ các sở, ban, ngành ở tỉnh tham gia sinh hoạt. Đây là đơn vị chi hội nhà báo luôn tạo điều kiện tốt cho việc trao đổi, bồi dưỡng nghiệp vụ giữa các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp…
Hiện nay, công tác hội và hoạt động báo chí đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Kỷ nguyên số đã và đang tạo nhiều thuận lợi cho người làm báo, nhưng cũng tạo ra môi trường cạnh tranh thông tin khốc liệt, làm nảy sinh những thách thức lớn chưa từng có đối với nền báo chí cách mạng, báo chí chuyên nghiệp. Đó là những áp lực phải đổi mới cho hoạt động của Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí. Báo chí tỉnh ta muốn phát huy hiệu quả không còn con đường nào khác là phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về nội dung và hình thức theo hướng Tòa soạn đa phương tiện, tòa soạn hội tụ để xây dựng được niềm tin với công chúng.
Trong thời gian tới, các cơ quan báo chí, tổ chức Hội cần xây dựng kế hoạch thực hiện tốt Luật Báo chí sửa đổi, chú trọng công tác bồi dưỡng, giáo dục bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, vốn sống, điều kiện sáng tác và LLCT cho đội ngũ những người làm báo tỉnh nhà. Các cơ quan báo chí cần bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức. Xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới...
Hơn lúc nào hết, các cơ quan báo chí cần đổi mới mạnh mẽ, đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức của khán, thính, độc giả; đặc biệt là các tin, bài, phóng sự có tính phát hiện; phản ánh thành tựu công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền biển đảo; đấu tranh với những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch… Những người làm báo cũng cần đề cao trách nhiệm của mình trong quá trình tham gia thông tin trên truyền thông xã hội. Trách nhiệm của nhà báo khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội chính là trách nhiệm công dân, trách nhiệm với cộng đồng và trách nhiệm nghề nghiệp, là đạo đức nghề nghiệp.
* Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp
Đàm Anh Kỳ
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển Anh Kỳ
Thời gian qua, các cơ quan thông tấn, báo chí nói chung, Báo Hòa Bình nói riêng thường xuyên đăng phát tin, bài về hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan báo chí đã thực sự giúp doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu; khẳng định tên tuổi và chỗ đứng. Ngoài ra, báo chí đã kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp như giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính… Nhờ vậy, những khó khăn, vướng mắc đó đã được các cấp chính quyền, sở, ngành nắm bắt, từng bước hướng tháo gỡ, giải quyết, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh việc tiếp tục là kênh thông tin phản ánh những kiến nghị, nguyện vọng của doanh nghiệp, mong báo chí tập trung tuyên truyền, vận động, định hướng để người lao động nâng cao ý thức kỷ luật, chịu khó học hỏi nâng cao trình độ tay nghề. Thực tế khiến các doanh nghiệp hiện nay "đau đầu” đó là chất lượng và ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động. Mong muốn báo chí tuyên truyền để người lao động hiểu, làm việc ổn định trong các doanh nghiệp; được tham gia BHXH, BHYT, hưởng các chế độ phúc lợi… Người lao động làm việc ổn định thì trước tiên họ sẽ được hưởng lợi, doanh nghiệp cũng phát triển.
* Món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày
Lê Quốc Quang
Phó Chủ nhiệm CLB Hưu trí tỉnh
Vào các buổi chiều hàng ngày, tôi cùng các hội viên trong CLB hưu trí đến phòng đọc sách, báo của CLB để cùng đọc báo và trao đổi thông tin các vấn đề, sự kiện được đăng tải trên báo. Đối với chúng tôi, Báo Hòa Bình là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống. Hiện nay, CLB Hưu trí tỉnh đều có các số Báo Hòa Bình ra hàng ngày. Chúng tôi nhận thấy, Báo Hòa Bình là cơ quan ngôn luận, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hoà Bình. Trên báo có những tác phẩm phán ánh kịp thời những vấn đề, sự kiện, thời sự trong trong tỉnh cũng như truyền tải những chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện cho hội viên CLB hưu trí nói riêng và nhân dân trong tỉnh nói chung hiểu được tình hình VH -XH, AN-QP của địa phương và tập hợp được sự thống nhất, đoàn kết cùng nhau thực hiện các nghị quyết, chủ trương, đường lối của lãnh đạo địa phương.
Chúng tôi mong muốn Báo Hòa Bình tiếp tục đổi mới và có nhiều bài viết phán ánh đa dạng về các mặt phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
* Mong muốn được góp tiếng nói từ hơi thở cuộc sống
Trần Quốc Luận
tổ 7A, phường Phương Lâm (thành phố Hòa Bình)
Với đam mê viết báo, từ thời học sinh, tôi đã từng viết và có bài đăng báo. Sau này, dù không có "duyên” làm nghề nhưng khi còn công tác ở huyện Lạc Sơn, tôi tham gia cộng tác với Báo Hòa Bình và có nhiều tác phẩm phản ánh về các lĩnh vực văn hóa, xã hội được đăng. Đến năm 2010, tôi nghỉ hưu theo chế độ và có nhiều thời gian hơn để thực hiện đam mê. Tôi viết báo với tinh thần "tuyên truyền ở cơ sở”, thể loại chủ yếu là thơ. Để đáp ứng được yêu cầu của tờ báo Đảng, tôi tập trung bám vào các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước, của tỉnh. Nhiều bài thơ được báo đăng tải trong mục "Nhỏ nhẹ nhắc nhau” phê phán nhẹ nhàng những vấn đề "nóng” từ hơi thở cuộc sống. Có những bài đã có hiệu ứng, được các cấp chính quyền quan tâm, sửa đổi.
Chúng tôi mong muốn, hàng năm, Báo Hòa Bình tổ chức gặp mặt cộng tác viên. Đây là dịp để chúng tôi gặp gỡ, trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và được tiếp nhận, nắm bắt chủ trương, chính sách mới để sáng tác những tác phẩm có chất lượng, đúng định hướng.
* Học hỏi những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả qua báo chí
Quách Ngọc Thành
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tuân Đạo (Lạc Sơn)
ở khu vực nông thôn, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nông dân xã Tuân Đạo (Lạc Sơn) chưa có nhiều điều kiện tiếp xúc với những mô hình phát triển kinh tế mới. Thông qua báo chí, chúng tôi được biết đến những mô hình kinh tế hiệu quả, học tập quy trình KH -KT, trồng trọt, chăn nuôi ở nhiều địa phương. Nhờ đó việc vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế được thuận lợi hơn.
Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí đăng tải nhiều hơn nữa những mô hình hay, cách làm hiệu quả để nông dân lựa chọn áp dụng vào thực tế. Thông qua đó làm tài liệu tuyên truyền cho nhân dân trong xã nhằm phát triển kinh tế, xây dựng NTM văn minh, giàu đẹp hơn.
* Báo chí kịp thời tuyên truyền các chế độ, chính sách đến người dân
Bùi Văn Lắm
Trưởng xóm Rộc, xã Nật Sơn (Kim Bôi)
Trong những năm qua, các cơ quan báo chí trong tỉnh, đặc biệt là Báo Hòa Bình là kênh thông tin chính thống cung cấp nhiều thông tin thời sự đến với người dân. Báo Hòa Bình đăng tải nhiều tin, bài, chuyên mục, chuyên đề phản ánh chân thực đời sống của người dân vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Thông qua báo chí, người dân nắm được các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; nhiều chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo vùng DTTS. Các quyền lợi của người dân như: BHXH, BHYT, khám - chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ học sinh, miễn giảm học phí, chế độ cử tuyển cho học sinh dân tộc vùng đặc biệt khó khăn đi học; chính sách đối với người có công, hỗ trợ các hộ nghèo, những đối tượng được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất… Thông qua báo chí, người dân hiểu và có cái nhìn chính xác về các chính sách của Nhà nước. Ngoài ra, báo chí còn giúp người dân tiếp cận với tiến bộ KH -KT, đưa cây, con giống mới có năng suất, chất lượng tốt vào chăn nuôi, sản xuất. Giúp người dân học tập và làm theo các gương sản xuất giỏi, phấn đấu vươn lên xóa đói - giảm nghèo…
Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn báo chí không ngừng đổi mới để cung cấp nhiều thông tin, chế độ, chính sách đến người dân để báo chí thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Thông qua báo chí những mong muốn của người dân về các chế độ, chính sách đảm bảo quyền lợi cho nhân dân được phản ánh kịp thời.