Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ kết luận buổi làm việc.
Hiện nay, toàn tỉnh có 92 xã và 117 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 năm 2016. Năm 2017, có 86 xã thuộc khu vực III và 776 thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện đã làm tốt công tác tham mưu cấp uỷ, chính quyền thực hiện công tác dân tộc, phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp, lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc theo tiêu chí xây dựng NTM. Các chỉ tiêu kế hoạch giao năm 2016 cơ bản hoàn thành, các chương trình, dự án, chính sách được thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở, đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng, tạo được lòng tin và hưởng ứng của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án, chính sách. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được cải thiện, cơ bản các xã có đủ trường học, điện sinh hoạt, đường ô tô, 100% các xã có điểm bưu điện văn hoá xã và Trạm y tế, đảm bảo công tác vệ sinh phòng dịch, khám chữa bệnh ban đầu.
Để nâng cao năng lực cán bộ là người dân tộc thiểu số, đã có hàng trăm lượt cán bộ xã, bản, cộng đồng được trang bị, bổ sung những kiến thức về quản lý kinh tế và kỹ năng quản lý điều hành. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới đồng bào dân tộc thiêu số ở vùng sâu, vùng xa luôn được quan tâm thực hiện. Nhờ đó, nhận thức và hành động của nhân dân đã có những chuyển biến tích cực, góp phần làm giảm các tệ nạn xã hội, giữ vững ANCT-TTATXH và tăng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã từng bước được nâng lên, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh năm 2016 còn khoảng 20,3%.
Năm 2017, Chương trình 135 được cấp kinh phí trên 153 tỷ đồng, để hỗ trợ phát triển sản xuất, duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Tổng số vốn đầu tư thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn là 114.000 triệu đồng. Ngoài ra, Ban Dân tộc còn tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch hành động về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2020; Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện "Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi vùng đặc biệt khó khăn”…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đánh giá làm rõ những khó khăn, hạn chế nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 còn chậm; quá trình triển khai thực hiện chương trình 135 theo Luật Đầu tư công còn gặp nhiều lúng túng do các Nghị định ban hành sau Luật chưa đồng bộ; công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong triển khai các chương trình, dự án chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi đôi lúc còn hạn chế; địa bàn đầu tư Chương trình 135 có thay đổi sau rà soát, việc ước lượng mức vốn xây dựng kế hoạch năm triển khai xây dựng chi tiết danh mục công trình cơ sở hạ tầng cho cả giai đoạn và hằng năm gặp khó khăn…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Chính sách dân tộc là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, thời gian qua đã được triển khai khá hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: công tác dân tộc chưa đánh giá toàn diện, bao quát các lĩnh vực, việc phân cấp trong quản lý điều hành có nhiều bất cập; chưa chủ động trong phân bổ vốn; việc khuyến khích động viên người có uy tín trong cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị thời gian tới, cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, đánh giá, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao năng lực tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch, chương trình hành động; phân cấp mạnh mẽ hơn và đẩy mạnh CCHC tạo sự liên thông giữa các cấp; đề xuất cơ chế chính sách của địa phương để hằng năm những người có uy tín trong cộng đồng được Đảng và Nhà nước động viên, khuyến khích. Ban Dân tộc và các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ trong thực hiện chương trình. Nâng cao năng lực, thực hiện tốt việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng cơ cấu cán bộ làm công tác dân tộc đáp ứng yêu cầu đề ra. Thực hiện ổn định cho dân di cư với các giải pháp triệt để, tạo công ăn việc làm cho người dân. Đặc biệt là có cơ chế để gìn giữ và bảo tồn văn hoá dân tộc như: chữ viết, ngôn ngữ…
Đức Phượng