(HBĐT) - Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng trong toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhiều đề tài nghiên cứu về lịch sử Đảng có nội dung quan trọng, ý nghĩa khoa học và thực tiễn được tổ chức triển khai; công tác lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng ngày càng phát triển, thu hút được đông đảo nhà khoa học, cán bộ lão thành, cán bộ lãnh đạo chủ chốt qua các thời kỳ, các nhân chứng lịch sử tham gia. Các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và nhiều cấp ủy cơ sở đã chú trọng mời các cộng tác viên có trình độ chuyên môn tham gia nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn để đảm bảo chất lượng công trình. Các ấn phẩm lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống xuất bản đã tái hiện khá đầy đủ, toàn diện, chân thực, sinh động lịch sử phong trào cách mạng của địa phương, đơn vị, đảm bảo tính đảng, tính khoa học, tính giáo dục.
Nhiều công trình, đề tài lịch sử cấp tỉnh được triển khai như: "Sưu tầm, nghiên cứu, bổ sung, tổng kết, biên soạn và xuất bản Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình 1929 - 2010”, công trình "Hỏi - Đáp lịch sử tỉnh Hòa Bình 130 năm xây dựng và phát triển 1886 - 2016”. Đến nay đã có trên 20 ban, sở, ngành, đoàn thể xuất bản lịch sử truyền thống.
Các huyện, thành phố đã đưa nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ vào nghị quyết đại hội đảng bộ cấp mình và tập trung chỉ đạo, tăng cường cán bộ theo dõi, trực tiếp sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử, đồng thời bố trí kinh phí cho việc biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ. Đến nay, 11/11 huyện, thành phố đã hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ đến năm 2000, 2010, 2015. Đảng bộ huyện Kỳ Sơn, Kim Bôi, Mai Châu đã hoàn thành và xuất bản công trình Đảng bộ huyện qua các kỳ đại hội. Một số đảng bộ huyện đã chỉ đạo tổ chức biên tập, chỉnh lý, bổ sung và tái bản các công trình lịch sử đảng bộ huyện. Đảng bộ Quân sự tỉnh đã xuất bản 3 đề tài Lịch sử kháng chiến tỉnh Hòa Bình, Lịch sử quân sự tỉnh Hòa Bình, Lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh Hòa Bình. Đảng bộ Công an tỉnh đã xuất bản 3 tập biên niên lịch sử Công an tỉnh Hòa Bình từ 1945 - 2000.
Bình quân mỗi năm, trên địa bàn toàn tỉnh xuất bản trên 15 đầu sách lịch sử. Từ năm 2002 - 2017, Đảng bộ tỉnh đã xuất bản 217 ấn phẩm lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống, kỷ yếu ngành, trong đó, cấp tỉnh 57 ấn phẩm, cấp huyện 39 ấn phẩm, cấp xã phường, thị trấn 122 đơn vị.
Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng thông qua các cuốn lịch sử Đảng hoặc truyền thống ngành được các cấp ủy, các ban, sở, ngành, đoàn thể chú trọng. Các cuốn lịch sử đảng bộ, truyền thống của ban, ngành được phát hành đến chi, đảng bộ trực thuộc, thư viện, điểm bưu điện văn hóa xã và trường học trên địa bàn.
Đã biên soạn sách giáo khoa giảng dạy lịch sử Đảng bộ địa phương trong trường phổ thông ở tỉnh, xuất bản hàng vạn cuốn sách giáo khoa và sách hướng dẫn giảng dạy "Lịch sử tỉnh Hòa Bình 1929 - 2010” cấp phát cho 100% trường phổ thông trong toàn tỉnh để phục vụ dạy và học lịch sử địa phương.
Các đảng bộ trực thuộc chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương đảm bảo việc triển khai các công trình lịch sử theo đúng kế hoạch, dành nguồn kinh phí nhất định từ 30 - 50 triệu đồng hỗ trợ cho mỗi đơn vị cơ sở trực thuộc triển khai công tác sưu tầm, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống.
Thực hiện Chỉ thị số 15 ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư, nhiều công trình được tổ chức biên soạn rất công phu, có giá trị được các cơ quan chuyên môn cấp trên và đông đảo bạn đọc đánh giá cao, góp phần giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh; là nguồn tài liệu quan trọng xác minh, khẳng định những nhân vật lịch sử, đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ quê hương, đất nước, góp phần giải quyết chính sách đối với người có công với cách mạng và việc xác minh, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa của địa phương. Qua các công trình lịch sử đã khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đoàn Cần
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)