Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, bày tỏ xúc động khi tham dự Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước thành kính tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và thân ái gửi tới các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân, các gia đình liệt sĩ, những người có công với đất nước lời thăm hỏi ân cần và lòng biết ơn sâu sắc nhất. Ðồng chí nhấn mạnh: Năm 2017 có nhiều sự kiện quan trọng và ý nghĩa của đất nước, nhiều hoạt động có ý nghĩa và rất thiết thực đã được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017). Ðó là những nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần để ghi nhớ công ơn với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Việc tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công tặng thân nhân, gia đình các liệt sĩ cũng là nhằm ghi nhận, tri ân và tôn vinh các anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân trao Bằng Tổ
quốc ghi công cho thân nhân các liệt sĩ. Ảnh: TRỌNG ÐỨC (TTXVN) Chủ tịch QH khẳng định, suốt 70 năm qua, Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta thường xuyên chăm lo đến công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Hệ thống chính sách về người có công được ban hành, sửa đổi, bổ sung thường xuyên cả về đối tượng và chính sách thụ hưởng, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và được bảo đảm thực hiện đồng bộ. Chủ tịch QH bày tỏ mong muốn, mỗi người, mỗi ngành hãy làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, coi đó là tình cảm, là vinh dự và trách nhiệm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Theo báo cáo của Bộ trưởng LÐ - TB và XH Ðào Ngọc Dung, đến nay, cả nước đã xác nhận hơn chín triệu người có công với cách mạng. Trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, 127 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 800 nghìn thương binh, bệnh binh, 110 nghìn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, 312 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học và hàng triệu người có công giúp đỡ cách mạng. Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn và với phương châm "không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Ðảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân", Bộ LÐ - TB và XH chủ động phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát số hồ sơ tồn đọng và năm 2016 đã tạo bước đột phá trong việc xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng bằng việc triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại năm địa phương: Lai Châu, Bắc Cạn, Thái Bình, Ðà Nẵng và Long An, qua đó rút kinh nghiệm triển khai toàn quốc. Ðến nay, hồ sơ tồn đọng ở các địa phương và cơ quan quân đội, công an đã được xem xét giải quyết căn bản, với sự quyết tâm cao và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương, cả nước đã xác nhận được 1.170 liệt sĩ và 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Bên cạnh đó, những hồ sơ cần bổ sung, hoàn thiện tiếp tục được xem xét giải quyết, những hồ sơ không đủ điều kiện đã kết luận và giải thích cho đối tượng thấu tình, đạt lý. Thực hiện chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ trưởng LÐ - TB và XH đã ban hành Quyết định số 408/QÐ-LÐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với mục tiêu hết năm 2017, căn bản giải quyết xong hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công. |
TheoNhanDan
|