Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến; cùng dự có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan T.Ư.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta đã đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, tích cực trên nhiều mặt. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp tích cực của ngành tài chính. Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, trách nhiệm phía trước của ngành tài chính còn hết sức nặng nề, cho nên ngành phải quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đã đề ra.
Đề cập phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị ngành tài chính cần chủ động trong xây dựng chính sách tài chính quốc gia để khắc phục những khiếm khuyết của nền kinh tế. Bộ Tài chính phải thực hiện công cụ tài chính để phát triển nền tài chính liêm chính, minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí; tạo mọi điều kiện, tiếp sức mạnh mẽ cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Ngành tài chính là kênh tham mưu quan trọng về chính sách tài chính, quản trị quốc gia; đề xuất các chính sách tài chính để thực hiện các Nghị quyết của T.Ư, Chính phủ. Ngành cần nghiên cứu các chính sách kinh tế của một số nước để Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và bền vững hơn.
Thẳng thắn đề cập việc chính sách thuế thay đổi nhanh dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp (DN), nhiều DN mắc lỗi khi bị thanh tra thuế, Thủ tướng nêu rõ, điều đó cho thấy rõ ràng có DN cố tình vi phạm, nhưng có DN bị oan sai. Điều này chứng tỏ việc xây dựng chính sách của chúng ta chưa thay đổi kịp với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội đất nước, chưa đánh giá hết tác động, thiếu phản biện.
Thủ tướng đề nghị chính sách thuế nói riêng, tài chính nói chung phải theo kịp sự phát triển của đất nước, có sự ổn định tương đối dài; đồng thời lưu ý các cơ quan chức năng thận trọng khi thẩm tra các chính sách thuế. Việc sửa đổi pháp luật về thuế lần tới phải có điều bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế, đây là đòi hỏi cấp bách thể hiện tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng đòi hỏi của người dân và DN.
Bài toán cân đối NSNN chưa vững chắc và chưa khoa học. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát các điểm nghẽn để khắc phục; khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công. Thủ tướng lưu ý, cơ chế quản lý hóa đơn VAT còn bất cập, làm méo mó môi trường kinh doanh, thất thu ngân sách. Do đó, Bộ Tài chính phải tập trung xử lý vấn đề này, đưa nhanh hóa đơn điện tử vào sử dụng; phải tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đẩy nhanh điện tử hóa trong hoạt động, tiến đến kiểm tra điện tử, thanh tra điện tử; sắp xếp lại bộ máy, giảm biên chế, đồng thời thu hút thêm nhiều nhân tài.
Hoạt động thanh kiểm tra thuế, hải quan vẫn còn chồng chéo, gây khó khăn cho DN. Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính cần có biện pháp mạnh mẽ để loại bỏ ngay tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, "hành" DN và đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào "DN nói không với chi phí bôi trơn”.
Thủ tướng kêu gọi đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chủ động đàm phán tham gia các hiệp định thương mại tự do. Làm tốt công tác cổ phần hóa, thoái vốn các DNNN trên tinh thần công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực; sử dụng vốn thu được từ cổ phần hóa một cách hiệu quả nhất.
Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng đề nghị ngành tài chính quan tâm đặc biệt đến người nghèo, vùng bị thiên tai, lũ lụt vừa qua, bảo đảm vui Tết an toàn, tiết kiệm và có chính sách khuyến khích cơ quan địa phương tiết kiệm chi ngân sách để "tiết kiệm thật sự là một nếp sống văn hóa”.