Cán bộ UBND xã Phú Lương (Lạc Sơn) gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân xung quanh vấn đề thí điểm sáp nhập thôn, xóm.
Đồng chí Bùi Văn Vót, Chủ tịch UBND xã cho biết: Phú Lương là 1 trong những xã đông dân, nhiều KDC nhất huyện, với 25 xóm. Trong đó, nhiều xóm có gần 100 hộ dân, có xóm trên 50 hộ. Thực hiện thí điểm đề án sáp nhập thôn, xóm, UBND xã đã thành lập BCĐ và thực hiện các bước theo hướng dẫn. Theo đó, BTV Đảng ủy xã họp, rà soát và lựa chọn 8 xóm thuộc 4 KDC để làm điểm. Cụ thể: khu Chiềng Trẳm sáp nhập xóm Yến với xóm Báy thành xóm Yến Báy; khu Ba Rẽ sáp nhập Rẽ với Vơng thành xóm Rẽ Vơng; khu Rảy Khải sáp nhập Khải với Cai thành xóm Khải Cai; khu Chiềng Chín sáp nhập Khạ với Chuông thành xóm Phản Chuông.
Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, ban đầu triển khai, Phú Lương gặp không ít khó khăn, trong đó, có hai xóm phải lấy ý kiến nhân dân hai lần. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, thấu hiểu về ý nghĩa của việc sáp nhập xóm, bà con đã đồng tình ủng hộ. Trong đó, nhiều xóm đạt tỷ lệ ủng hộ cao, điển hình như xóm Khải 100% hộ đồng ý sáp nhập, xóm Chuông hơn 97%, xóm Vơng trên 86%, xóm Báy trên 75%. "Điểm thuận lợi ở Phú Lương là các xóm nằm liền kề, địa bàn không bị chia cắt nhiều. Thêm nữa, trong các xóm chọn làm điểm, có những xóm trước đây từng là một xóm nên bà con ủng hộ việc sáp nhập”, đồng chí Bùi Văn Vót cho biết thêm.
Vơng và Rẽ là hai xóm như vậy. Trước năm 1998, Vơng và Rẽ là một xóm với tên gọi là xóm Rẽ. Tuy đã chia tách được gần 20 năm nhưng tình làng, nghĩa xóm vẫn thắt chặt, việc khó, việc dễ đều có nhau. ông Bùi Văn Nhâm, Bí thư Chi bộ xóm Vơng chia sẻ: Vơng có 72 hộ, còn Rẽ có 56 hộ, trong đó đa số là anh em, họ hàng nên việc gì cũng có nhau. Chi bộ, Ban quản lý hai xóm cũng có quan hệ gần gũi, mật thiết, thường xuyên trao đổi thông tin. Với địa hình liền kề, đường đi lại thuận tiện nên khi cấp trên chọn làm điểm sáp nhập hai xóm thành một đại đa số bà con hai xóm đều đồng tình ủng hộ.
ông Nhâm cũng liệt kê ra những lợi ích của việc sáp nhập hai xóm Rẽ và Vơng. Đó là, khi xóm đông dân hơn sẽ có nguồn lực lớn hơn nên việc kêu gọi đóng góp để xây dựng các công trình thuận lợi hơn. Việc hiếu, hỉ ở trong xóm có được nhiều người phục vụ hơn nên công việc sẽ suôn sẻ. Đặc biệt, ông Nhâm nhấn mạnh, việc sáp nhập sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển. Cùng với đó là tình đoàn kết ngày càng được củng cố, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn. ANTT được đảm bảo chính là tiền đề quan trọng trong phát triển kinh tế. "Xóm Rẽ đang khó khăn về mặt bằng để xây dựng nhà văn hóa, thế nhưng khi sáp nhập thì mặt bằng ở Vơng khá rộng rãi”, ông Nhâm cho biết thêm.
Trong câu chuyện về vấn đề hậu sáp nhập thôn, xóm, bà con nói nhiều về thiết chế văn hóa. Hiện nay, Phú Lương có duy nhất một xóm có nhà văn hóa. Bà con mong muốn, sau khi sáp nhập, các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa. Cùng với đó là các hạ tầng thiết yếu khác như điện, đặc biệt là đường giao thông.
Về phương án nhân sự, sắp xếp lại bộ máy ở các xóm sau sáp nhập, đồng chí Chủ tịch UBND xã Phú Lương cho biết: Khi có quyết định công nhận của UBND tỉnh, xã sẽ tiến hành họp xóm để lấy ý kiến của nhân dân về nhân sự. Trong đó, xã chủ trương lựa chọn những cán bộ có năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ và được nhân dân tin tưởng.
Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, ngoài 8 xóm làm điểm, Phú Lương còn trên 10 xóm đủ tiêu chuẩn để sáp nhập. Nếu việc sáp nhập hiệu quả và được triển khai trên toàn địa bàn xã sẽ giúp tiết kiệm được trên 500 triệu đồng ngân sách của xã hàng năm. Đồng thời giúp bộ máy tinh gọn và tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển KT-XH.
Viết Đào
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73, nhằm tổng kết tình hình, kết quả công tác công an năm 2017, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.