(HBĐT) - Ngay sau khi Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/ 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã có hiệu lực thi hành từ ngày 11/11/2013, UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện và các cơ quan hữu quan triển khai, quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị định đến CB,CC,VC trong đơn vị và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, giám sát thực hiện.
Công
tác hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cũng được các cấp, các ngành thực
hiện đồng bộ với nhiều hình thức. Trong 4 năm (2014 - 2017), trên toàn tỉnh đã
tổ chức, lồng ghép tổ chức trên 350 hội nghị tuyên truyền, phổ biến triển khai
thi hành và áp dụng Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, Nghị định số 67/2015/NĐ-CP
(sửa đổi Nghị định số 110/2013/NĐ-CP) cho trên 5.000 lượt người; tổ chức tuyên
truyền kịp thời các quy định về xử phạt VPHC nói chung và xử phạt VPHC trong lĩnh
vực tư pháp nói riêng tới cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn tỉnh.
Qua 4 năm thực hiện các Nghị định xử phạt VPHC
tỉnh đã phát hiện 345 vụ vi phạm (tập trung ở các lĩnh vực: hộ tịch, hôn nhân
và gia đình, công chứng) với hành vi vi phạm phổ biến là đăng ký khai sinh quá
hạn, tảo hôn, tổ chức tảo hôn, làm chứng không đúng sự thật… Nguyên nhân dẫn
tới các hành vi VPHC do nhận thức của người dân còn hạn chế, ý thức chấp hành
pháp luật chưa cao, nhiều người không ý thức được hành vi tảo hôn là vi phạm
pháp luật. Những trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn là do người dân chưa chủ động đi đăng ký khai sinh kịp thời, khi đi đăng ký khai sinh chưa đảm bảo
giấy tờ theo quy định hoặc sinh con trước thời kỳ hôn nhân và sau khi đăng ký
kết hôn mới khai sinh cho con dẫn đến việc đăng ký khai sinh quá hạn.
Các chủ thể có thẩm quyền xử lý VPHC đã ban hành
345 quyết định xử phạt VPHC (phạt cảnh cáo 264 vụ, phạt tiền 81 vụ). Lý do áp
dụng hình thức phạt cảnh cáo do hầu hết các đối tượng vi phạm lần đầu, tính
chất của hành vi không quá phức tạp, nguy hiểm. Các tổ chức, cá nhân có hành vi
vi phạm sau khi nhận quyết định xử phạt đều có ý thức chấp hành, nộp tiền phạt
đầy đủ theo quy định của pháp luật nên 100% quyết định ban hành đều được thi
hành đúng thời hạn (không phải cưỡng chế thi hành và cũng không có khiếu nại,
khởi kiện).
Nhìn chung, việc thi hành các Nghị định số 110,
số 67 của Chính phủ tại tỉnh ta không có gì nổi cộm, nhưng cũng cho thấy các quy định của các Nghị định
nêu trên đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, đó là: Mức phạt tiền với các VPHC
khi đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn... thấp (300.000 - 500.000 đồng), chưa
đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm và các đối tượng có ý định vi phạm.
Các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này chưa đồng bộ, vì Luật Xử lý VPHC,
Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 110/2013/NĐ-CP chỉ quy định xử phạt
với các trường hợp vi phạm (không ghi nhận cơ chế xử phạt VPHC đối với cán bộ,
công chức), nhưng Điều 12, Luật Hộ tịch lại quy định cán bộ, công chức vi phạm
quy định về hộ tịch ngoài bị xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật về cán bộ,
công chức còn có thể bị xử lý VPHC hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, gây lúng
túng cho các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thi hành pháp luật xử lý
VPHC. Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định phạt từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng
đối với một trong các hành vi: đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như
vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ
chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ. Trên thực tế,
việc xác định thế nào là hành vi chung sống như vợ chồng chưa có văn bản hướng
dẫn cụ thể, gây lúng túng trong việc lập biên bản VPHC làm căn cứ ban hành
quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm nói trên. Hoặc quy định
"Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức
lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn”, song lại chưa có quy định cụ
thể đối tượng nào sẽ bị xử phạt đối với hành vi vi phạm này.
Về thời
điểm để tính thời hiệu xử phạt VPHC đối với các hành vi VPHC đã kết thúc được
tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm (theo quy định tại Điểm b, Khoản 1,
Điều 6 - Luật Xử lý VPHC), nhưng áp dụng vào những VPHC trong lĩnh vực tư pháp
như: khai sinh, kết hôn thì đa số đều hết thời hiệu để xử phạt nên không đảm
bảo được tính răn đe. Một số vi phạm như: đăng ký khai tử quá thời hạn; sửa
chữa, tẩy xóa, làm sai lệnh bản chính để chứng thực bản sao; làm chứng sai sự
thật về việc sinh... lại không có quy định xử phạt VPHC. Ngược lại lại không
được quy định trong Nghị định số 110/2013/NĐ-CP nên không bảo đảm nguyên tắc
"mọi hành vi vi phạm hành chính được phát hiện phải được xử lý kịp thời”.
Những hạn chế, bất cập này rất cần các cơ quan
có thẩm quyền xem xét, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý VPHC trong lĩnh
vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân
sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà
nước trong các lĩnh vực này.
Mai Huệ
(Sở Tư pháp)