(HBĐT) - Năm 18 tuổi, chàng thanh niên Lê Văn Tụng tình nguyện lên đường nhập ngũ. 22 tuổi, Lê Văn Tụng cùng triệu thanh niên thời đó đã xả thân, dầm mình trong mưa bom, bão đạn và làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Ký ức về những ngày lịch sử đó vẫn còn in đậm trong tâm trí của chiến sỹ Điện Biên năm nào.
Chiến sỹ Điện Biên Lê Văn Tụng (bên trái) kể về những ngày
tháng khốc liệt làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Năm nay đã 86 tuổi, ông Lê Văn Tụng là một trong
số ít nhân chứng còn lại của chiến dịch lịch sử 64 năm về trước. ông sinh ra ở
mảnh đất Quảng Lĩnh, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), hiện sinh sống ở xóm 2, xã
Tử Nê (Tân Lạc). Theo lời ông kể: Trong một đợt cấp trên về tuyển quân, ông
cùng 12 thanh niên trong xóm đã xung phong lên đường nhập ngũ, khi đó ông vừa
tròn 18 tuổi. Sau những ngày huấn luyện ở các huyện: Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn
Châu (Nghệ An), ông được giao về đội quân tình nguyện và hành quân ra Bắc. Sau
hơn 20 ngày hành quân, đơn vị của ông gia nhập Đại đội 4, Trung đoàn 209, Đại
đoàn 312 tại huyện Yên Lập (Phú Thọ). Tháng 3/1953, đơn vị ông tham gia chiến
đấu ở mặt trận Thượng Lào. Sau đó, từ tháng 6 đến tháng 8, đơn vị tập trận địa
dã chiến để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 10/1953, đơn vị hành
quân lên Điện Biên.
"Để có được
chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, quân và dân ta đã có những
tháng ngày chuẩn bị kỹ lưỡng. Tôi nhớ, quân ta mất hơn 20 ngày để kéo pháo vào
trận địa, rồi lại kéo ngược trở ra để nghiên cứu lại trận địa và tiếp tục huấn
luyện chiến thuật, cách đánh, sau đó mới lại kéo pháo vào trận địa. Khi đã nắm
vững trận địa, bố trí được các đội quân vào vị trí thì mới phát lệnh tấn công”,
ông Tụng nhớ lại. Khi đó, đơn vị của ông Tụng là một trong những đơn vị đánh
trận mở đầu vào căn cứ Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận đánh này,
ông Tụng cùng 12 đồng đội làm nhiệm vụ trợ chiến. ông kể cho chúng tôi nghe một
kỷ niệm ông không thể nào quên. Đó là khi quân ta tấn công, ở trong đồn, địch
dùng súng đại liên bắn trả rất quyết liệt. Mỗi quả đạn bắn ra, cả một vùng trời
rực sáng. Khi ánh sáng lóe lên, ông Tụng cùng đồng đội phát hiện ra vị trí lỗ
châu mai của địch. Ngay lập tức, ông cùng đồng đội chĩa súng thẳng về vị trí đó
và bắn hai loạt đạn liên tiếp. Đến loạt đạn thứ hai thì mục tiêu đã bị công phá.
Sau trận đánh mở màn chiến dịch vào cứ điểm Him Lam,
ông Tụng tham gia các trận đánh ở đồi A1. Đây là cứ điểm quan trọng nhất, được
địch xây dựng kiên cố bằng nhiều lớp phòng ngự với hỏa lực rất mạnh. Vẫn nhận
nhiệm vụ trợ chiến, với khẩu súng đại liên trên tay, ông Tụng cùng đồng đội đã
vượt qua các chiến hào tiến về phía trước. Những loạt đạn chát chúa, khẩu đại
liên làm mát bằng nước nóng rát. Lúc này, để làm nguội súng, ông phải khom
người tiến lên để lấy bình nước giữa bão đạn của kẻ thù. Thật không may, khi
đang tiếp nước, 3 mảnh bom của địch đã găm vào đầu, mông, cánh tay trái của ông
bị gãy. ông bị thương nặng khi chiến dịch đang vào giai đoạn khốc liệt nhất.
Muốn tiếp tục cầm súng để cùng đồng đội tiêu diệt giặc nhưng ông đành ngậm ngùi
dời trận địa.
Nằm ở bệnh viện với những vết thương lở loét vì nhiễm
trùng nhưng ông Tụng vẫn ngóng tin từ Điện Biên Phủ. Và rồi, tin chiến thắng
lịch sử báo về. Sau 6 tháng ông mới được xuất viện và được điều về Trung đoàn
363. Đến năm 1960, ông chuyển ngành sang công tác tại Ty Thương nghiệp Hòa
Bình. Những đóng góp của ông được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương
cao quý.
Nói về nguyên
nhân thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ông Tụng nhấn mạnh đến
tinh thần đoàn kết của toàn quân, toàn dân ta. ông chia sẻ, khi đó, một củ sắn
lùi cũng bẻ đôi, bát cơm sẻ ba, sẻ bốn để cùng nhau đánh giặc. Trong số những
thanh niên lên đường nhập ngũ với ông ngày nào, không ít người đã nằm xuống ở
chiến trận. Những vết thương trên thân thể của Lê Văn Tụng - chiến sỹ Điện Biên
năm xưa vẫn đau nhói mỗi khi trái gió, trở trời nhưng cũng là niềm tự hào cho
những ngày tuổi trẻ xông pha, cho tinh thần Việt Nam trong những ngày quyết tử
cho Tổ quyết, quyết sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.