Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thụy Ðiển X.Lốp-ven. Ảnh: QUANG HIẾU
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và chu đáo mà Chính phủ Thụy Ðiển dành cho Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam; bày tỏ vui mừng đếnthăm đất nước Thụy Ðiển tươi đẹp nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đánh dấu một nửa thế kỷ phát triển của quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam - Thụy Ðiển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ và nhân dân Thụy Ðiển đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay. Thủ tướng khẳng định, nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ tình đoàn kết mà nhân dân Thụy Ðiển đã dành cho Việt Nam trong những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và hình ảnh Thủ tướng Ô.Pan-mơ dẫn đầu đoàn biểu tình phản đối cuộc chiến tranh này tại thủ đô Xtốc-khôm. Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình cảm sâu sắc với Thụy Ðiển và mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Thủ tướng Thụy Ðiển X.Lốp-ven đánh giá cao chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ song phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ; nhấn mạnh, nhân dân Thụy Ðiển luôn khâm phục sự dũng cảm và ý chí kiên cường của nhân dân Việt Nam, Chính phủ Thụy Ðiển hiện nay coi Việt Nam là một đối tác quan trọng của Thụy Ðiển tại khu vực.
Hai Thủ tướng đánh giá quan hệ Việt Nam - Thụy Ðiển đã có nhiều bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều cấp, tạo ra các mối hợp tác đa dạng, phong phú, bổ sung cho nhau và phát huy thế mạnh của cả hai bên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của Công chúa kế vị Thụy Ðiển vừa qua đã thành công tốt đẹp, góp phần thắt chặt tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa hai nước. Hai Thủ tướng nhất trí hai bên tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương đã được thiết lập. Hai Thủ tướng khẳng định quan hệ thương mại - đầu tư đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác song phương và đã có bước tiến đáng kể, nhưng chưa tương xứng tiềm năng của hai nước. Ðể khai thác tiềm năng còn lớn trong lĩnh vực này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Thụy Ðiển quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Ðiển tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Thụy Ðiển có thế mạnh như công nghiệp chế tạo, hóa chất, điện tử, thông tin truyền thông, trồng rừng và khai thác chế biến gỗ bền vững, xử lý rác thải, dược phẩm, công nghiệp phụ trợ ô-tô.
Hai Thủ tướng thống nhất cần thúc đẩy bộ, ngành, đối tác hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, như đô thị thông minh, môi trường, trí tuệ nhân tạo, in-tơ-nét vạn vật, thông tin truyền thông, y tế… Hai Thủ tướng hoan nghênh việc hai bên tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Thụy Ðiển tại Xtốc-khôm nhân chuyến thăm, khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp tiếp sau Hội nghị cấp cao kinh doanh Việt Nam - Thụy Ðiển được tổ chức tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam của Công chúa kế vị Thụy Ðiển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thụy Ðiển ủng hộ sự phát triển quan hệ toàn diện Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EU). Hai Thủ tướng nhất trí phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVIPA) trong những tuần tới và nhanh chóng phê chuẩn, triển khai sau đó, để mang lại lợi ích của tất cả các bên và góp phần tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Ðiển. Thủ tướng Thụy Ðiển trao Ý định thư về tín dụng đầu tư hơn hai tỷ USD vào Việt Nam.
Thủ tướng X.Lốp-ven đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam vào sự thịnh vượng và đa dạng văn hóa của Thụy Ðiển cũng như vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư giữa hai nước.
Hai bên nhất trí sẽ đẩy mạnh hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, ASEM, hợp tác ASEAN - EU, cũng như tham gia hợp tác chung ứng phó các vấn đề toàn cầu, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững. Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, phù hợp Luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Thủ tướng X.Lốp-ven thăm Việt Nam. Thủ tướng X.Lốp-ven vui vẻ nhận lời.
* Ngày 27-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Nhà vua Thụy Ðiển Can XVI Gu-xtáp. Thủ tướng bày tỏ vinh hạnh gặp Nhà vua nhân dịp thăm chính thức Vương quốc Thụy Ðiển và trân trọng cảm ơn Hoàng gia và Chính phủ Thụy Ðiển đã dành cho Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, chu đáo. Thủ tướng chuyển lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Nhà vua và Hoàng hậu sớm thu xếp thời gian thăm lại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nhân dân Việt Nam luôn trân trọng tình cảm hữu nghị, sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà nhân dân Thụy Ðiển đã dành cho Việt Nam trước đây cũng như hiện nay. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao bề dày quan hệ và hợp tác nhiều mặt đã được thử thách qua thời gian giữa hai nước.
Nhà vua Thụy Ðiển đánh giá cao chuyến thăm Thụy Ðiển lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với chuyến thăm của Công chúa kế vị Thụy Ðiển tới Việt Nam đầu tháng 5 vừa qua đánh dấu những mốc đặc biệt trong quan hê hai nước vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Nhà vua cho biết, vẫn luôn giữ ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam năm 2004 cùng Hoàng hậu, rất khâm phục ý chí vươn lên của nhân dân Việt Nam và đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được trên con đường phát triển kinh tế, xã hội; cảm ơn lời mời thăm lại Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Nhà vua khẳng định, Hoàng gia Thụy Ðiển luôn ủng hộ sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa qua việc hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, ủng hộ quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo mà hai nước đang hướng tới.
* Chiều 27-5, tại thủ đô Xtốc-khôm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thụy Ðiển X.Lốp-ven cùng tham dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Thụy Ðiển X.Lốp-ven nhắc lại thành công từ chuyến thăm Việt Nam của Công chúa kế vị Thụy Ðiển và bày tỏ vui mừng đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ðoàn cấp cao Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đến thăm Thụy Ðiển. Thủ tướng X.Lốp-ven cho rằng, điều này thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế và với tư cách là đối tác quan trọng của Thụy Ðiển. Nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp trong chuyến thăm Việt Nam cách đây 20 năm với tư cách đại diện thương mại Thụy Ðiển, Thủ tướng X.Lốp-ven hoan nghênh việc Việt Nam ủng hộ chủ trương thương mại tự do; mong muốn EU sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với Việt Nam, qua đó, thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của cả Việt Nam và Thụy Ðiển.
Ðề cập đến việc năm 2019 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Thủ tướng X.Lốp-ven cho biết, Thụy Ðiển là quốc gia phương Tây đầu tiên mở Ðại sứ quán tại Hà Nội và kể từ đó đến nay, đã có nhiều bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Chính phủ và nhân dân hai nước. Thủ tướng X.Lốp-ven đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong hơn 20 năm qua; cho rằng nhờ những nỗ lực về cải cách kinh tế và tham gia các Hiệp định thương mại, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và biến những con số tăng trưởng ấn tượng thành hiện thực, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Thủ tướng X.Lốp-ven nhấn mạnh, các doanh nghiệp Thụy Ðiển và Việt Nam đang đứng trước những cơ hội hợp tác to lớn. Ngành công nghiệp của Thụy Ðiển đã cho ra đời nhiều giải pháp quan trọng trong xây dựng đô thị thông minh, cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ 5G, giải pháp giao thông công cộng, lưới điện và năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin và viễn thông, quản lý không lưu, xử lý nước thải, rác thải, công nghệ y tế... và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam. Trích dẫn một câu trong tác phẩm Truyện Kiều: "Gian nan mới tỏ lòng người”, Thủ tướng X.Lốp-ven nhấn mạnh: "Toàn thể Chính phủ, người dân và doanh nghiệp Thụy Ðiển cùng mong muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ với Việt Nam trong vòng 50 năm tới”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Thủ tướng Thụy Ðiển X.Lốp-ven đã tới dự Diễn đàn doanh nghiệp hai nước; hoan nghênh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Thụy Ðiển tổ chức sự kiện đầy ý nghĩa này. Nhấn mạnh đến sự giúp đỡ to lớn, ủng hộ chí tình của Chính phủ và nhân dân Thụy Ðiển từ cách đây 50 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thụy Ðiển đã dành ODA rất lớn cho Việt Nam để giải quyết khó khăn, tái thiết và xây dựng đất nước. Nhiều công trình từ sự giúp đỡ của Thụy Ðiển đã để lại những dấu ấn sâu đậm đối với người dân Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nền tảng quan hệ lịch sử tốt đẹp đã chắp cánh cho kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Thụy Ðiển lên mức hơn 1,5 tỷ USD. Thụy Ðiển đang đầu tư vào Việt Nam 34 dự án giá trị đạt hơn 35 nghìn USD, xếp thứ 34 trong số 130 nước, quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nhiều tập đoàn đa quốc gia của Thụy Ðiển đang có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam như: ABB, Ericsson, Volvo, Electrolux... Thế hệ trẻ Việt Nam rất quen với các nhãn hàng, dịch vụ nổi tiếng, như H&M (thời trang), Spotify (nhạc online), Skype (viễn thông) hay IKEA (đồ nội thất)...
Thông tin đến các doanh nghiệp Thụy Ðiển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngày nay Việt Nam đã vươn lên thành quốc gia có mức phát triển trung bình. Năm 2018, GDP tăng trưởng 7,1% - cao hàng đầu thế giới; kim ngạch thương mại đạt 500 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt hơn 250 tỷ USD; lạm phát ở mức dưới 4%; kinh tế vĩ mô ổn định... Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và đang chuẩn bị ký EVFTA với EU. Việt Nam chủ trương cải cách thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế, phát huy khu vực kinh tế tư nhân, tiếp tục mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và rất mong các nhà đầu tư, doanh nghiệp Thụy Ðiển đến Việt Nam hợp tác, đầu tư. Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ và các doanh nghiệp Thụy Ðiển ủng hộ việc EU sớm ký kết và phê chuẩn EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) trong tháng 6 tới bởi các Hiệp định quan trọng này có tiêu chuẩn cao, toàn diện và có độ mở lớn, sẽ là nền tảng vững chắc thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU nói chung và Việt Nam với Thụy Ðiển nói riêng. Trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA và EVIPA, hàng hóa Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi phân phối tiến vào thị trường EU và ngược lại, đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp Thụy Ðiển có thể tiếp cận thị trường ASEAN phát triển năng động. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn, qua diễn đàn lần này, các doanh nghiệp hai nước sẽ hiểu nhau hơn, kết nối cơ hội hợp tác thành công trong tương lai, góp phần đưa quan hệ hai nước, hai dân tộc lên tầm cao mới trong thời kỳ mới.
* Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thụy Ðiển X.Lốp-ven đã cùng chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.
* Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Ðiển, chiều 27-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Tập đoàn AstraZeneca chuyên sản xuất các loại dược phẩm.
Phát biểu ý kiến tại buổi đến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, môi trường, công nghệ y tế là thách thức của Việt Nam, do đó Việt Nam rất cần hợp tác lĩnh vực này với Thụy Ðiển. Thủ tướng vui mừng vì tăng trưởng của tập đoàn, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Ðặc biệt, lãnh đạo tập đoàn đã tuyên bố tiếp tục đầu tư vào Việt Nam 5.000 tỷ đồng. Thủ tướng nêu rõ, AstraZeneca là bông hoa đóng góp vào vườn hoa hữu nghị hai nước. Nhấn mạnh, Việt Nam cần có sự chung tay hợp tác quốc tế trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Thủ tướng nhấn mạnh, nếu chúng ta coi quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Thụy Ðiển là chuỗi ngọc trai thì AstraZeneca là hạt ngọc trai giúp cho chuỗi ngọc lấp lánh hơn. Chiến lược đầu tư vào Việt Nam của tập đoàn góp phần tăng cường gắn kết hai nước. Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo mọi điều kiện cho AstraZeneca nói riêng, các doanh nghiệp Thụy Ðiển khác nói chung đầu tư lâu dài vào Việt Nam thành công theo hướng phát triển bền vững vì cộng đồng.
Bộ trưởng Kinh doanh, Công nghiệp và Ðổi mới Thụy Ðiển I.Bay-lan đánh giá, Việt Nam có tiềm năng phát triển trong ngành dược phẩm. Hợp tác hai nước bước vào thời kỳ mới, đem lại lợi ích cho cả Thụy Ðiển và Việt Nam. Thụy Ðiển luôn nhất quán quan điểm kinh doanh đem lại lợi ích cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Thụy Ðiển cũng ủng hộ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sớm được ký kết. Thông qua việc hợp tác này, Thụy Ðiển có thể đóng góp vào công cuộc chăm sóc sức khỏe người dân Việt Nam.
AstraZeneca đánh dấu sự hiện diện tại Việt Nam từ năm 1994 khi Văn phòng đại diện của công ty chính thức thành lập tại Việt Nam với tên Astra. Sau đó, Astra hợp tác thực hiện nghiên cứu lâm sàng toàn cầu đầu tiên tại Việt Nam năm 1998. Sự kiện công bố hợp nhất Astra và Zeneca toàn cầu năm 1999 đã mở ra một chương mới cho công ty tại Việt Nam dưới tên chung. Ðồng hành với Chiến lược quốc gia của Chính phủ về phòng chống bệnh không lây nhiễm (giai đoạn 2015 - 2025) và Chương trình sức khỏe Việt Nam theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, AstraZeneca đã tập trung đẩy mạnh đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ người bệnh tiếp cận với giải pháp y tế tiên tiến trong lĩnh vực điều trị bệnh ung thư, tim mạch, thận - chuyển hóa và hô hấp. Ðiển hình là khoản đầu tư 20 triệu USD vào mạng lưới 132 đơn vị nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng rộng khắp cả nước cho giai đoạn 2017 - 2019. AstraZeneca cũng hợp tác với Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế trong Chương trình "Vì lá phổi khỏe” vào năm 2017, công bố khoản đầu tư trị giá một triệu USD nhằm nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú cho các bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) ở Việt Nam. Bên cạnh đó, công ty cũng hưởng ứng chương trình toàn cầu về đái tháo đường qua sự kiện Ngày hội Vì cộng đồng "Gia đình cùng hành động sớm phòng chống bệnh đái tháo đường”, phối hợp Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam trong năm 2018, nâng cao nhận thức về hành động sớm trong phòng chống bệnh đái tháo đường ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Nhân sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo đã chứng kiến lễ công bố đầu tư của AstraZeneca vào Việt Nam trị giá 5.000 tỷ đồng (tương đương 220 triệu USD).
* Trong chương trình thăm chính thức Thụy Ðiển, sáng 27-5, tại thủ đô Xtốc-khôm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ðoàn cấp cao Việt Nam đã có cuộc gặp, trao đổi với lãnh đạo của những tập đoàn hàng đầu của Thụy Ðiển như: Electrolux, Oriflame, Scania, ABB, Ericsson, Volvo… Trong phát biểu mở đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt hoan nghênh lãnh đạo các tập đoàn đã tham dự cuộc gặp. Thủ tướng đánh giá cao uy tín, thương hiệu các tập đoàn Thụy Ðiển trên thị trường thế giới và được đông đảo người dân Việt Nam chọn lựa, sử dụng. Thủ tướng nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Chính phủ và nhân dân Thụy Ðiển luôn là người bạn tốt, viện trợ, giúp đỡ to lớn cho nhân dân Việt Nam cả trong đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong thời kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các tập đoàn, doanh nghiệp Thụy Ðiển sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam với những công nghệ mới, tiến bộ và hiện đại; tham gia tích cực hơn vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Cho rằng cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam là cơ hội tuyệt vời cho xúc tiến thương mại giữa hai nước, bà Y.Bấc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Thụy Ðiển, bày tỏ cảm ơn Thủ tướng và các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ tổ chức thành công chuyến thăm Việt Nam của Công chúa kế vị Thụy Ðiển vừa qua. Bà tin tưởng chuyến thăm chính thức Thụy Ðiển lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp tục tạo một dấu mốc mới trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Ðiển. Nhà lãnh đạo các tập đoàn Thụy Ðiển cho rằng, Thụy Ðiển có quan hệ hợp tác truyền thống với Việt Nam và hiện nay hai nước đang cùng có điểm chung là nỗ lực ứng phó những thách thức toàn cầu. Các tập đoàn Thụy Ðiển cùng bày tỏ mong muốn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu EU (EVFTA) sớm được ký kết, qua đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thương mại Thụy Ðiển vào Việt Nam. Các ý kiến tại cuộc gặp đều bày tỏ mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước những cam kết, mong muốn của các tập đoàn hàng đầu Thụy Ðiển mở rộng hơn nữa hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, các cơ quan liên quan sẽ hết sức hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp Thụy Ðiển đến với Việt Nam và mở rộng đầu tư tại đây. Thủ tướng cho biết, sẽ trực tiếp lắng nghe, tháo gỡ khó khăn để đưa khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại của Thụy Ðiển thông qua các tập đoàn quy mô lớn của Thụy Ðiển vào thị trường Việt Nam; nhấn mạnh, với ưu thế là cửa ngõ thị trường ASEAN và nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và đang chuẩn bị được ký kết, Việt Nam là thị trường rộng mở cho các doanh nghiệp Thụy Ðiển.
* Ðược Thủ tướng ủy quyền trao đổi tại cuộc gặp, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao kết quả sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam của các tập đoàn hàng đầu Thụy Ðiển thời gian qua. Bộ trưởng đánh giá cao nhà đầu tư ABB trong việc hợp tác với Việt Nam nhằm hoàn thiện hệ thống lưới điện; đề nghị ABB tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong nghiên cứu xây dựng giải pháp bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện quốc gia và xây dựng giải pháp điều hành lưới điện. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tin tưởng doanh thu của các tập đoàn Thụy Ðiển chắc chắn sẽ tăng mạnh, nhất là sau khi EVFTA được ký kết.
Sáng 24/5, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được trình tại Quốc hội.