Biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình
xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng
luật, pháp lệnh năm 2019. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chiều 11/6, với 92,56% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua
Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương
trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Theo Nghị quyết, các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống
thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng
được bổ sung vào chương trình năm 2019.
3 dự án luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8; đồng
thời đưa ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 dự án Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Quốc hội quyết định điều chỉnh thời gian trình 3 dự án luật khác.
Cụ thể: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp
(lùi từ Kỳ họp thứ 7 sang Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9); Luật Khám
bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) (lùi từ Kỳ họp thứ 7 sang Kỳ họp thứ 9, thông qua tại
Kỳ họp thứ 10); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai (lùi từ Kỳ họp
thứ 7 sang Kỳ họp thứ 9, thông qua tại Kỳ họp thứ 10).
Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, tại Kỳ họp thứ
9, sẽ trình Quốc hội thông qua 9 dự án luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Đầu tư theo hình
thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp…
Tại Kỳ họp thứ 10, sẽ trình Quốc hội thông qua 7 dự án luật, trong
đó có Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa
đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính….
Để đảm bảo chất lượng công tác xây dựng luật, pháp lệnh, Quốc hội
yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề cao trách nhiệm, thực hiện
nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; không trình dự
án, dự thảo không bảo đảm chất lượng; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của
từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không hoàn thành Chương trình xây dựng
luật, pháp lệnh để báo cáo Quốc hội.
Quốc hội yêu cầu Đoàn đại biểu Quốc hội và
đại biểu Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, tham khảo ý kiến của
các cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu sự
tác động trực tiếp; tăng cường tham gia thảo luận, tranh luận, góp phần hoàn
thiện các dự án, dự thảo.
Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết, có ý kiến đại
biểu đề nghị, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Đất đai chỉ lùi 1 kỳ họp, tức là trình Quốc hội cho ý kiến
lần đầu tại Kỳ họp thứ 8. Giải trình vấn đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
thời gian từ nay đến Kỳ họp thứ 8 chỉ còn khoảng 4 tháng, trong khi khối lượng
công việc phải thực hiện theo quy định rất nhiều như tổng kết, đánh giá tác động,
soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra...
"Qua rà soát, kiểm tra tiến độ chuẩn bị 2 dự án luật này, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội nhận thấy cần có thêm thời gian để nghiên cứu, thể chế hóa đầy
đủ chủ trương của Đảng, tổng kết, đánh giá thực trạng pháp luật và nghiên cứu,
đánh giá tác động kỹ hơn một số chính sách mới phát sinh trong quá trình soạn
thảo nhằm bảo đảm chất lượng, tính khả thi của dự án luật,” Chủ nhiệm Ủy nhiệm Ủy
ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định báo cáo trước Quốc hội.
Để đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế-xã hội, một số đại biểu đề nghị
bổ sung vào chương trình Nghị quyết thực hiện thí điểm một số nội dung về đất
đai.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung này khá phức tạp, liên
quan chặt chẽ đến việc sửa đổi Luật Đất đai, trong khi dự kiến chương trình, dự
án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai đã được đưa vào Chương
trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Do đó, không cần thiết phải thực hiện thí điểm một số nội dung về
đất đai mà Chính phủ cần tập trung chỉ đạo việc tổng kết thi hành Luật Đất đai
hiện hành, đánh giá tác động các chính sách cần sửa đổi để xây dựng dự án Luật
trình Quốc hội./.
TheoVietnamplus
Sáng 10/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 và thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ...