Hội nghị đã thảo luận và cho ý kiến đối với: Báo cáo của Văn phòng Tỉnh ủy về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh tại Quyết định số 933-QĐ/TU ngày 31/10/2018 của BTV Tỉnh ủy; Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, dự thảo Báo cáo và Kết luận sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TU, ngày 29/8/2014 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị số 36); Tờ trình của Ban Nội chính Tỉnh ủy, dự thảo Báo cáo và Kết luận sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 2/7/2014 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (Chỉ thị số 33); công tác cán bộ và một số nội dung quan trọng khác.
Theo Báo cáo phân công các đồng chí lãnh đạo tỉnh phụ trách các dự án trọng điểm theo Quyết định số 993-QĐ/TU, trên địa bàn có 6 dự án có quyết định chủ trương đầu tư gồm: Dự án nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện (xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy); dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai (huyện Kỳ Sơn và Lương Sơn); dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh Hòa Bình (xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy); dự án tuyến cáp treo Hương Bình (xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy và huyện Mỹ Đức - Hà Nội); dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa (xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc); dự án Khu sinh thái và trung tâm dưỡng lão - ECO Hòa Bình (xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi). Và 11 dự án đang trong quá trình nghiên cứu khảo sát. Đây là những dự án lớn, kỳ vọng mang lai sự phát triển mạnh mẽ cho KT-XH của tỉnh. Đánh giá chung, các dự án còn triển khai chậm, kéo dài. Nguyên nhân là do thủ tục hành chính mất nhiều thời gian, điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, năng lực nhà đầu tư còn hạn chế… Các đại biểu đã đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho từng dự án.
Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu kết luận hội nghị.
Hội nghị cũng đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 36, dự thảo đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai; công tác vận động, quản lý, sử dụng viện trợ; công tác quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Đồng thời, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới.
Đối với dự thảo Báo cáo và Kết luận sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33 nêu rõ, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp đã được giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phần lớn các vụ việc sau khi giải quyết được công dân đồng tình, ủng hộ. Các đại biểu thống nhất về các giải pháp cụ thể tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các ngành trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, gắn công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Việc phân công lãnh đạo tỉnh phụ trách các dự án trọng điểm đã có chuyển biến nhưng vẫn chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân là thủ tục hành chính phức tạp, quy hoạch chưa đồng bộ, giải phóng mặt bằng phần do tự thỏa thuận mất nhiều thời gian. Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Cần phát huy tinh thần trách nhiệm của các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành, đặc biệt phải nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước trong việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, rà soát các dự án không triển khai thu hồi theo quy định pháp luật. UBND tỉnh nghiên cứu thành lập hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đề xuất làm việc với các bộ, ngành T.Ư để tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Tinh thần là phải sáng tạo, nhưng phải bảo đảm các quy định của pháp luật.
Về Chỉ thị số 36, cần xây dựng chương trình, kế hoạch vận động nguồn vốn ODA trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Có cơ chế, chính sách để làm tốt công tác quản lý, giám sát nguồn viện trợ, vừa bảo đảm huy động nguồn lực phát triển KT-XH vừa bảo đảm ANCT của tỉnh. Đối với Chỉ thị số 33, thời gian tới, cần đánh giá toàn diện, có giải pháp từng bước giải quyết có hiệu quả tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài. Rà soát thủ tục hành chính kể cả trong cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước. Rà soát các loại vụ việc dân sự, vụ việc hành chính để giải quyết theo thẩm quyền. Tăng cường kiểm tra, giám sát, tiếp tục nâng cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua những người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản, nêu cao vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
L.C