(HBĐT) - Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác giám sát, phản biện xã hội, thời gian qua, Ủy ban MTTQ huyện Tân Lạc đã chủ động chọn lựa những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân cũng như bám sát các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương để xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình giám sát và phản biện. Qua đó, ngày càng phát huy tốt quyền làm chủ của người dân, góp phần xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Bùi Văn Lứ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, ngay từ đầu năm, Ủy ban MTTQ huyện chủ động xây dựng kế hoạch công tác trong năm, xác định rõ những nội dung tiến hành giám sát để thông báo, hướng dẫn cụ thể với cơ sở giúp quá trình triển khai được nhanh chóng. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ban, ngành, chính quyền, cấp ủy các cấp ký kết các chương trình giám sát với nội dung bám sát với tình hình thực tế, nhiệm vụ chính trị, xã hội tại địa phương và được đông đảo nhân dân quan tâm. Phối hợp chặt chẽ với tiểu ban kiểm tra - giám sát của cơ quan khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện thống nhất nội dung giám sát, phản biện, tránh sự trùng lặp và chủ động bố trí được đội ngũ cán bộ tham gia đoàn công tác, đảm bảo các cuộc giám sát được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Ủy ban MTTQ huyện cũng đặc biệt chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở các xã, thị trấn nhằm phát huy hiệu quả công tác giám sát từ cơ sở.
Trong 5 năm qua, MTTQ huyện đã tiến hành 29 cuộc giám sát đối với các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện. Trong đó, giám sát trực tiếp 18 đơn vị, giám sát gián tiếp 11 đơn vị. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện quy chế dân chủ; phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới; các khoản đóng góp của người dân ở các trường học công lập; việc quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; việc triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc; việc thực hiện chi trả chế độ, hỗ trợ người có công; việc triển khai thu, nộp và quản lý, sử dụng các loại quỹ xã hội, từ thiện do nhân dân đóng góp…
Hiện, toàn huyện có 24 Ban Thanh tra nhân dân với 227 thành viên, 24 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng với 226 thành viên. Hàng năm, Ban Thanh tra nhân dân phối hợp với các tổ chức ở cơ sở giám sát đối với các xóm, khu dân cư về việc thực hiện thu, chi các loại phí, lệ phí, các loại quỹ trên địa bàn. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức giám sát quy trình thi công các công trình xây dựng có sự đóng góp kinh phí của nhân dân.
Song song với nhiệm vụ giám sát, MTTQ huyện Tân Lạc tích cực tham gia vào công tác phản biện xã hội. Thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri để lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào văn kiện, dự thảo luật, mục tiêu, phương hướng, giải pháp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương. Việc nắm bắt, tổng hợp và phản ánh ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương được đổi mới. Qua đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi vì mục đích xây dựng quê hương Tân Lạc giàu mạnh.
Lam Nguyệt