Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nhằm ngăn ngừa lạm dụng, thao túng quyền lực, lấp "lỗ hổng" trong công tác cán bộ, góp phần lựa chọn, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh để kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Mới đây, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.
Không ngẫu nhiên Quy định số 205-QĐ/TW được ban hành vào thời điểm chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá việc Đảng ban hành quy định để kiểm soát quyền lực rất đúng thời điểm, cần thiết đối với công tác chuẩn bị nhân sự của nhiệm kỳ mới, bảo đảm cho việc lựa chọn được người đủ phẩm chất, năng lực và uy tín vào bộ máy lãnh đạo.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN thực hiện loạt 5 bài viết: Kiểm soát quyền lực - lấp "lỗ hổng" trong công tác cán bộ.
Bài 1: Ngăn ngừa lạm dụng, thao túng quyền lực
Vấn đề kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ từ lâu đã được đề cập trong nhiều văn bản của Đảng, bởi đây là nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.
Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nhằm ngăn ngừa lạm dụng, thao túng quyền lực, lấp "lỗ hổng" trong công tác cán bộ, đồng thời góp phần lựa chọn, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
"Lỗ hổng" nghiêm trọng
Thực tế cho thấy đã có nhiều vụ việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để kết bè, kết cánh, đưa người thân, "cánh hẩu" vào các vị trí thuận lợi trong cơ quan công quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ.
Đã trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, nhưng một số trường hợp không gương mẫu, thiếu công tâm khách quan, có biểu hiện vun vén cho gia đình trong thực thi công vụ, đặc biệt là trong công tác cán bộ.
Công luận còn nhớ cách đây không lâu, ông Lê Phước Thanh đã bị Ban Bí thư cách chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (nhiệm kỳ 2010-2015) vì những biểu hiện ưu ái trong việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động và bổ nhiệm cho con trai mình là Lê Phước Hoài Bảo, mặc dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ.
Hay trường hợp nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang, người trực tiếp ký bổ nhiệm trên 30 trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn, đã bị Ban Bí thư cách tất cả các chức vụ trong Đảng (Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Bí thư Đảng ủy Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ).
Đây chỉ là hai trong nhiều vụ việc có sai phạm trong công tác cán bộ, đã bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc trong thời gian gần đây.
Tha hóa quyền lực trở thành vấn nạn khi một bộ phận cán bộ, đảng viên là "sản phẩm" của nạn chạy chức, chạy quyền.
Khi có bệ đỡ, con đường tiến thân của họ dễ dàng, rộng mở. Và từ đây tâm lý "chạy chọt" để có một ví trí, để tiến nhanh, tiến "thần tốc" đã ăn sâu, bén rễ.
Chạy chức, chạy quyền chính là căn nguyên gốc rễ dẫn đến những "lỗ hổng" nghiêm trọng trong công tác cán bộ, triệt tiêu động lực phấn đấu của những người có phẩm chất, năng lực, cũng như gây mất đoàn kết trong nội bộ.
Người có vị trí, bằng quyền hạn của mình, tìm cách cài cắm, đưa người thân, "cánh hẩu" của mình vào những vị trí thuận lợi để từ đây dễ bề gây dựng bè cánh, phục vụ lợi ích cho một nhóm người.
Như căn bệnh lây lan, chạy chức, chạy quyền đang lặng lẽ hằng ngày, hằng giờ âm thầm tỏa chân rết vào tất cả các khâu của công tác cán bộ, với muôn vàn biểu hiện như chạy bằng cấp, chạy tuổi, chạy vào quy hoạch, chạy để được bổ nhiệm, chạy để được luân chuyển...
Cách thức chạy chức, chạy quyền tinh vi, lắt léo khác nhau nhưng hậu quả lại giống nhau, đó là làm cho bộ máy Nhà nước kém hiệu quả, người có năng lực phẩm chất không được trọng dụng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Tại Hội nghị lần thứ 4 (Khóa XII), khi đánh giá về những bất cập, hạn chế trong việc kiểm soát quyền lực, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ, việc "chạy chức, chạy quyền” là một bức xúc, nhức nhối trong công tác tổ chức - cán bộ hiện nay và đang diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp.
Tiếp đó, tại Hội nghị lần thứ 7 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương nhận định: "Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi…
Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc.
Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, "cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.”
Trước vấn nạn đang đánh thẳng vào khâu trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng, tại Hội nghị lần thứ 7 (Khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tệ chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ, cần đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền.
Chặn từ gốc tệ thao túng quyền lực
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu "... hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm."
Điều này cho thấy vấn đề chống chạy chức, chạy quyền đã được chú trọng thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ.
Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Để lấp "lỗ hổng" trong công tác cán bộ, ngăn chặn từ gốc những mầm mống thao túng quyền lực, mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành quy định cụ thể về vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, trong đó nhận diện rõ ràng, cụ thể đối với hành vi chạy chức, chạy quyền, khẳng định quyết tâm của Đảng kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Chỉ mặt, điểm tên - Quyết liệt xử lý
Quy định 205-QĐ/TW được ban hành đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Lần đầu tiên, một văn bản của Đảng đã quy định, chỉ rõ thế nào là chạy chức, chạy quyền; thế nào là bao che, tiếp tay cho các hành vi này.
Đó là việc tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Chạy chức, chạy quyền còn biểu hiện ở việc lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác - "cánh hẩu" vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người...; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo ý mình.
Quy định 205-QĐ/TW cũng chỉ rõ việc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền như biết nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền nhưng che giấu, thỏa hiệp, không xử lý theo thẩm quyền hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý; không xử lý theo thẩm quyền quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền.
Theo ông Hoàng Trọng Hưng, Chánh văn phòng Ban Tổ chức Trung ương, Tổ trưởng Tổ biên tập Đề án kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền cho biết, trên thực tế, một số văn bản của Đảng đã nêu vấn đề này nhưng chưa quy định cụ thể và chưa nhận diện rõ hành vi chạy chức, chạy quyền hay bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Việc chỉ rõ những biểu hiện chạy chức, chạy quyền như trong Quy định 205-QĐ/TW làm cơ sở cho cơ quan chức năng xử lý, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể căn cứ vào đó để phát hiện, tố giác, phản ánh.
Cùng với đó, Quy định đã bổ sung chế tài, hình thức xử lý đối với người vi phạm. Ngoài hình thức xử lý theo Quy định 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, người nào chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền mà bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức thì còn nhận thêm chế tài bổ sung là đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ với thời hạn tương ứng là 18 tháng, 30 tháng và 60 tháng; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.
Trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng sẽ bị xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động; đưa, nhận hối lộ hoặc vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
Việc chỉ mặt, điểm tên hành vi chạy chức, chạy quyền và hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền cho thấy sự quyết liệt của Đảng nhằm loại bỏ những "ung nhọt" đang tồn tại lâu năm trong công tác cán bộ.
Cùng với các quy định khác, Quy định 205-QĐ/TW sẽ là công cụ để kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền./.
Theo TTXVN
Căn cứ vào chỉ đạo của T.Ư và của tỉnh, Thành ủy Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 197-KH/TH.U để chỉ đạo cấp ủy các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng (Chỉ thị 35). Hiện, các chi, Đảng bộ trên địa bàn thành phố đang xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai. Việc quán triệt Chỉ thị 35 đã hoàn thành ở cấp thành phố và các chi, Đảng bộ trực thuộc; chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở.
Sáng 7/10, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị và đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
(HBĐT) - Ngày 7/10, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 10 giải trình các nội dung quan trọng tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2019 của Thường trực HĐND tỉnh và cho ý kiến vào nội dung Kỳ họp thứ 11 (bất thường) HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Bài 3 - Nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ khó khăn phát triển đảng viên mới
(HBĐT) - Cấp ủy Đảng chưa quan tâm đúng mức, cạn nguồn đối tượng phát triển đảng viên, không muốn phấn đấu vào Đảng do có ý định sinh con thứ 3, uy tín của tổ chức Đảng giảm sút do một số cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, vi phạm pháp luật… Đó là những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong phát triển đảng viên mới trên địa bàn tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, nếu có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cấp ủy, sự điều chỉnh phù hợp hơn trong tổ chức thực hiện thì chắc chắn công tác phát triển đảng viên mới sẽ có nhiều khởi sắc.
(HBĐT) - Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) đi vào hoạt động từ ngày 1/8/2017, mang theo sự kỳ vọng lớn của cấp ủy, chính quyền tỉnh: tạo bước đột phá về cải cách hành chính (CCHC), góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Trung tâm không ngừng nỗ lực để làm tròn "sứ mệnh”, góp phần cải cách nền hành chính của tỉnh.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu.