Bài 1 - Còn nhiều thách thức trong công tác phát triển đảng viên
(HBĐT) - Công tác phát triển đảng viên thời gian qua chưa đáp ứng được mục tiêu, kế hoạch của BTV Tỉnh ủy đề ra kết nạp 2.400 đảng viên/năm. Thực tế ở nhiều địa phương trong tỉnh, con số phát triển đảng còn khiêm tốn, nhất là ở khu vực nông thôn do những yếu tố khách quan và chủ quan đem lại.
Thường trực Đảng uỷ xã Đông Bắc (Kim Bôi) trao đổi với các ngành, đoàn thể về khó khăn trong phát triển đảng tại địa phương.
Báo động tình trạng giảm dần số đảng viên kết nạp hàng năm
Trong 3 năm (2016-2018), bình quân hàng năm, số đảng viên mới kết nạp so với kế hoạch là 2.168/2.400 đảng viên, đạt 90,33%. Đáng báo động là tình trạng số đảng viên kết nạp giảm dần qua các năm. Cụ thể, năm 2016 kết nạp được 2.402 đảng viên; năm 2017 kết nạp được 2.107 đảng viên; năm 2018 kết nạp được 1.996 đảng viên. 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh mới kết nạp được 723 đảng viên, chiếm 32,16% chỉ tiêu đề ra. Theo kế hoạch, nghị quyết đại hội các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy về công tác phát triển đảng viên nhiệm kỳ 2015-2020, từ năm 2016-2018 có 7/14 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy vượt chỉ tiêu là Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn, Công an tỉnh, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh. Có 7/14 Đảng bộ không đạt kế hoạch đề ra, trong đó có 3 Đảng bộ đạt từ 90% trở lên là Yên Thủy, Kỳ Sơn, Quân sự tỉnh; 3 Đảng bộ đạt từ 80% đến dưới 90% là Lạc Thủy, Cao Phong, TP Hòa Bình; 1 Đảng bộ đạt 74% là Kim Bôi.
Điển hình như Đảng bộ huyện Kim Bôi, địa phương có tỷ lệ phát triển đảng viên hiện đang thấp nhất toàn tỉnh. Tổng số đảng viên từ đầu nhiệm kỳ của Đảng bộ là 5.632, chỉ tiêu nghị quyết đại hội đầu nhiệm kỳ đề ra phát triển 5% so tổng số đảng viên, tức là phát triển phải đạt 1.405 đồng chí. Tuy nhiên, tính từ tháng 7/2015 đến tháng 8/2019, toàn huyện mới kết nạp được 837 đảng viên, chiếm 59,5% chỉ tiêu đề ra. Con số kết nạp đảng viên cũng giảm dần qua các năm. Năm 2016 kết nạp được 249 đồng chí; năm 2017 kết nạp 214 đồng chí; năm 2018 kết nạp được 161 đồng chí; 8 tháng năm 2019 kết nạp được 82 đồng chí. Thực trạng đó cũng là nỗi trăn trở của không ít địa phương khác trong tỉnh.
Nói về một số nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong công tác phát triển đảng viên, đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: "Nguồn đối tượng tác động trực tiếp đến việc phát triển đảng tại các khu dân cư. Lực lượng thanh niên là đối tượng quần chúng đông đảo, nhưng lại ít ở tại địa phương do đi làm ăn xa, chủ yếu tại khu vực nông thôn. Nguyên nhân do trong tỉnh đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo được công ăn việc làm cho lao động địa phương nhưng không ổn định, lao động theo thời vụ. Do đó, đối tượng quần chúng trong độ tuổi lao động hạn chế việc làm tại chỗ nên khó có điều kiện tham gia tổ chức Đảng tại địa phương. Việc phát triển đảng hiện nay vẫn còn trông chờ chủ yếu vào khối công chức, viên chức Nhà nước, vì có nhiều điều kiện thuận lợi hơn các chi bộ khu dân cư. Bên cạnh đó, một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác phát triển đảng, việc đánh giá tình hình thực tế nguồn đối tượng để đưa vào kế hoạch phát triển đảng hàng năm tại các địa phương chưa sát với thực tế. Một bộ phận quần chúng chưa có mục đích phấn đấu rõ ràng để tham gia tổ chức Đảng”.
Những tâm tư từ cơ sở
Đảng bộ xã Đông Bắc là một trong những địa phương có tỷ lệ phát triển đảng thấp của huyện Kim Bôi. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ xã mới kết nạp được 13 đảng viên mới, chưa có năm nào đạt chỉ tiêu kết nạp đảng, thậm chí từ đầu năm đến nay vẫn chưa kết nạp được đảng viên mới nào. Đồng chí Bùi Văn Hà, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đông Bắc chia sẻ: "Nguồn đối tượng đảng chủ yếu là thanh niên, nhưng do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, lại thiếu việc làm tại chỗ vì không có doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn nên 90% thanh niên trong xã đi làm ăn xa. Đối tượng thanh niên là đảng viên chiếm 20%, nhưng chủ yếu là giáo viên trẻ, ít đảng viên là thanh niên nông thôn. Sức ép về kinh tế gia đình đã hạn chế phần lớn điều kiện để họ tham gia tổ chức Đảng. Những quần chúng có mục đích phấn đấu vào đảng chủ yếu là những đối tượng đang tham gia tổ chức đoàn thể tại địa phương được giao nhiệm vụ, còn lại đa số không có nguyện vọng vào Đảng”.
Căn cứ tình hình thực tế, Đảng bộ xã xác định đối tượng chủ yếu là hội viên, đoàn viên từ các ngành, đoàn thể. Tuy nhiên, việc kết nạp hội viên, đoàn viên cũng không mấy thuận lợi. Đơn cử như Hội LHPN xã Đông Bắc có trên 500 hội viên thuộc 6 chi hội, thế nhưng 7 năm nay, không kết nạp được đảng viên mới nào. Trong 7 năm, hội đã cử 2 hội viên học xong lớp cảm tình Đảng, nhưng sau đó lại không kết nạp vì lý do hoàn cảnh gia đình. Thậm chí, 12 đồng chí là Chi hội Trưởng, Chi hội phó các thôn, xóm cũng chưa phải là đảng viên. Lý giải vấn đề này, đồng chí Bạch Thị Nụ, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Bắc cho biết: "Hội đã thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên phấn đấu để được kết nạp Đảng. Đây là môi trường tốt để bản thân hội viên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, cống hiến cho Đảng. Thế nhưng, đa số hội viên đều có tâm tư chung là dành thời gian làm kinh tế, chăm lo cho gia đình nên chưa có nguyện vọng vào Đảng. Tình trạng này rơi vào không ít những cán bộ trẻ ở các chi hội. Điển hình như Bùi Thị Thảo (SN 1987), Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Đồng Nang; Bùi Thị Hiên (SN 1985) Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Đầm Định là những đồng chí làm rất tốt công tác Hội, đã được học cảm tình Đảng và giúp đỡ thời gian 12 tháng nhưng lại chưa có nguyện vọng vào Đảng”.
Tại Đảng bộ xã Tây Phong (Cao Phong) có nhiều trường hợp quần chúng ưu tú đã được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nhận thức về Đảng nhưng cũng không thiết tha việc kết nạp Đảng. Cụ thể, năm 2015 có 2 trường hợp, năm 2016 có 7 trường hợp, năm 2017 có 11 trường hợp. Từ năm 2017-2018 có 4 trường hợp đảng viên xin ra khỏi Đảng, năm 2018 có 12 đảng viên trẻ làm đơn xin miễn sinh hoạt để đi làm ăn xa ở chi bộ xóm Lãi, xóm Chao, xóm Bảm và phố Bằng. Đồng chí Bùi Văn Ngợi, Bí thư Đảng ủy xã Tây Phong chia sẻ: "Việc xin vào Đảng là tự nguyện và nguyện vọng của từng cá nhân. Do đó, cấp ủy, chính quyền không thể can thiệp vào quyết định của cá nhân quần chúng. Nguyên nhân dẫn đến đảng viên xin ra khỏi Đảng, đảng viên trẻ xin miễn sinh hoạt Đảng và một số quần chúng không tha thiết vào Đảng là do các yếu tố về lao động, việc làm, thu nhập, hoàn cảnh gia đình”.
Hay tại Chi bộ La Văn Cầu, xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) từ năm 2010 - 2018, chi bộ không đạt chỉ tiêu phát triển đảng viên. "Do ít việc làm tại chỗ nên gần 80% thanh niên khu dân cư làm ăn xa. Trường hợp trưởng xóm Hoàng Thị Minh mặc dù làm tốt công tác xã hội nhưng cũng không tha thiết vào Đảng. Hiện, Chi bộ hướng đến đối tượng Đảng chủ yếu là hội viên, đoàn viên ở Chi hội Phụ nữ và Chi Đoàn thanh niên khu dân cư”, đồng chí Nguyễn Thị Liên, Bí thư Chi bộ La Văn Cầu cho biết.
(Còn nữa)
Thanh Sơn
Nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, rạng sáng ngày 22/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rời Hà Nội, lên đường sang dự lễ đăng quang của Nhà Vua Nhật Bản Naruhito tại Tokyo từ ngày 22-23/10/2019.
(HBĐT)_Sáng 21/10, Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra tình hình thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 tại Huyện ủy Kỳ Sơn. Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí: Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Tài chính, Văn phòng Tỉnh ủy và TP Hòa Bình.
Sáng 21-10, tại Nhà Quốc hội, Hà Nội, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể kỳ họp thứ tám. Nhân Dân điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
(HBĐT) - Các chi, Đảng bộ trên địa bàn huyện Cao Phong đang triển khai Kế hoạch số 225-KH/HU, ngày 13/9/2019 của Huyện ủy Cao Phong thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo đúng kế hoạch đề ra.
Nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Lễ đăng quang của Nhà vua Nhật Bản Naruhito tại Tokyo, Nhật Bản từ ngày 22-23/10/2019.