Dự kiến hết năm 2019, có 100% xã, thị trấn hoàn thành áp dụng tiêu chuẩn ISO. Ảnh: Bộ phận một cửa xã Dân Hạ (Kỳ Sơn) áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Đến nay, đã có 19/20 sở, ban, ngành (ngoại trừ Sở Ngoại vụ), 11/11 UBND huyện, thành phố đã công bố áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008, đạt 97%. Dự kiến sẽ hoàn thành việc chuyển đổi áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 sang áp dụng phiên bản TCVN ISO 9001:2015 trong năm 2019, sớm hơn 2 năm so với lộ trình chuyển đổi do Bộ KH&CN quy định. Đối với chi cục thuộc các sở, ban, ngành, đã có 14/14 cơ quan, đơn vị (13 Chi cục và 1 Cục) công bố áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008, đạt 100%.
Trong năm 2018 đã có thêm 83 UBND xã thực hiện công bố HTQLCL phù hợp với tiêu chuẩn ISO 9001:2008, đưa tổng số đơn vị hành chính cấp xã công bố áp dụng ISO lên 158 đơn vị, đạt 75,2% (vượt 37% so với kế hoạch thực hiện tại Quyết định số 1829/QĐ-UBND, ngày 15/7/2016 về việc phê duyệt Kế hoạch xây dựng và áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 tại UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020).
Trong 9 tháng năm 2019 có thêm 12 xã công bố áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015. Dự kiến đến hết năm sẽ hoàn thành việc công bố áp dụng ISO đối với 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, về đích sớm hơn 1 năm so với kế hoạch (năm 2020).
Việc đẩy mạnh xây dựng, áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) trên toàn tỉnh đã góp phần cải tiến rõ rệt phương pháp làm việc, quy trình hóa các thủ tục hành chính một cách khoa học. Từ đó, rút ngắn thời gian giải quyết công việc; giảm các tác động tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức; hướng tới sự hài lòng của người dân và các tổ chức; cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ công trên địa bàn; góp phần cải thiện chỉ số cải cách hành chính của tỉnh trong những năm vừa qua.
Ngoài các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống hành chính Nhà nước, HTQLCL theo TCVN ISO còn được một số doanh nghiệp quan tâm, áp dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 6.000 doanh nghiệp, trong đó, khoảng 0,3% (20 doanh nghiệp) đang áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 và công cụ cải tiến năng suất, chất lượng khác.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động áp dụng, duy trì, cải tiến HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước ở một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Công tác đánh giá nội bộ và rà soát, điều chỉnh, công bố lại... chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến không phát huy hết hiệu lực, hiệu quả của việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO vào hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công.
Đồng chí Đỗ Hải Hồ, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt việc áp dụng, duy trì và cải tiến ISO theo đúng yêu cầu của tiêu chuẩn; tuân thủ đầy đủ quy trình ISO đã được ban hành; tiến hành đánh giá nội bộ và xem xét của lãnh đạo tối thiểu 1 năm/lần; thường xuyên cập nhật các thủ tục hành chính mới, thay đổi của văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động xử lý công việc vào hệ thống quản lý chất lượng trong thời gian chậm nhất là 3 tháng kể từ khi văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành. Tiến hành rà soát khi có thay đổi thủ tục hành chính, mở rộng phạm vi để đảm bảo áp dụng ISO đối với tất cả hoạt động liên quan đến thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; tiến hành công bố phù hợp tiêu chuẩn và công bố lại khi có thu hẹp, mở rộng phạm vi áp dụng theo quy định; tăng cường bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về ISO cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong áp dụng ISO và kết nối liên thông với hệ thống một cửa điện tử nhằm giải quyết thủ tục hành chính cấp độ 3 và 4.
L.T