Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị công bố hoàn thành kế hoạch thành lập các Chi cục thuế khu vực.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính; Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức của ngành thuế; cho rằng Bộ Tài chính, ngành thuế đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của T.Ư, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần quyết liệt, chặt chẽ, bài bản, đồng bộ, vượt trước tiến độ một năm đề ra. Đây là gương tốt, kinh nghiệm hay, từ đó thúc đẩy các cấp, ngành T.Ư nghiên cứu vận dụng để tinh gọn bộ máy, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao kết quả này của Bộ Tài chính nói chung, ngành thuế nói riêng; đồng thời lưu ý một số tồn tại, hạn chế, bất cập để ngành Tài chính và ngành thuế nhận thức rõ, có phương hướng khắc phục.
Về phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng kinh tế toàn cầu và nước ta, nhưng Việt Nam chưa điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô, do đó ngành thuế phải nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước (NSNN). Hoàn thành mục tiêu kép chống dịch và bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, ngành Thuế có chương trình tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là về chính sách thuế, trong đó nghiên cứu các giải pháp hoãn, giãn nộp thuế, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ Tài chính, ngành thuế cần nghiên cứu biện pháp để trình Thủ tướng Chính phủ; thực hiện tốt các Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ để phấn đấu nâng hạng từ 7 đến 10 bậc chỉ số nộp thuế của Chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam do Ngân hàng Thế giới đánh giá. Việt Nam đang đạt kết quả tốt về phòng chống dịch Covid-19, khẳng định Việt Nam là môi trường an toàn. Ngành phải phấn đấu tăng thu ngân sách, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế... Trong thời điểm khó khăn này thì ngành càng phải nỗ lực hơn nữa. Bộ Tài chính, ngành thuế phải quán triệt sâu sắc đến từng đơn vị, cán bộ công chức nhiệm vụ nặng nề này. Tiếp tục tham mưu, rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về thuế đáp ứng yêu cầu của đổi mới và hội nhập, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng yêu cầu ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa rõ ràng hơn, mạnh dạn đề xuất các giải pháp đột phá, giảm thiểu những phiền hà, khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN. Tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm thực hiện thành công Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời nghiên cứu chiến lược cải cách thuế cho giai đoạn 2021-2030. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, đạo đức, chuyên môn tốt. Nghiên cứu áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để cải cách ngành thuế tiệm cận với thế giới. Thực hiện công khai, minh bạch, lựa chọn cán bộ giỏi, có đức, có tài để thực hiện nhiệm vụ; tích cực khắc phục triệt để tồn tại hạn chế.
Nhấn mạnh việc xây dựng chính sách lấy người nộp thuế là trung tâm và đối tượng phục vụ, Thủ tướng yêu cầu cần phải bao quát nguồn thu, tránh thất thu, thu sót; lưu ý các lĩnh vực để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam: chuyển nhượng vốn, cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam nhưng thực hiện ngoài Việt Nam, loại hình kinh tế chia sẻ... Tập trung quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh, lĩnh vực này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế, nhất là trong bối cảnh thanh toán tiền mặt còn lớn, chưa kiểm soát được nguồn tiền và thu nhập. Tiến tới thực hiện thu thuế điện tử đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Có cơ chế khuyến khích các cơ sở kinh doanh sử dụng các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ khi bán hàng hóa, dịch vụ.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung thanh tra chuyển giá, thương mại điện tử… Trong đó, tiến tới thanh tra, kiểm tra điện tử; Đẩy mạnh công tác kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử. Tổ chức đối thoại thường xuyên với người nộp thuế, Tăng cường quản lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Cải cách thủ tục hành chính, nghiên cứu cắt giảm nhiều hơn nữa thủ tục hành chính thuế. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thuế; chống khiếu kiện quốc tế trong lĩnh vực thuế. Nhấn mạnh việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong ngành, Thủ tướng lưu ý, vẫn còn một số cán bộ ngành thuế còn nhũng nhiễu, thờ ơ, chưa mạnh dạn đề xuất tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân. Ngành cần có biện pháp mạnh mẽ để dẹp bỏ ngay tình trạng này. Đi liền với đó là kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi Ngành những cán bộ công chức hư hỏng, thoái hóa, biến chất. Với việc sắp xếp, tổ chức ngành thuế, cần tiếp tục được kiện toàn, thực hiện đồng bộ hơn, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trên địa bàn, bảo đảm các Chi cục thuế Khu vực hoạt động thuận lợi. Thủ tướng đề nghị Ban Tổ chức T.Ư, Bộ Nội vụ nghiên cứu mô hình để áp dụng thành công các lĩnh vực, bộ, ngành khác.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đã thực hiện nghi thức công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập Chi cục thuế Khu vực.
Từ cuối năm 2018 đến hết tháng 2-2020, Bộ trưởng Tài chính đã ký ban hành 111 Quyết định thành lập Chi cục thuế khu vực trực thuộc 63 Cục Thuế tỉnh, thành phố trong cả nước, qua đó, tiến hành sắp xếp hợp nhất 565 Chi cục thuế để thành lập 269 Chi cục thuế khu vực, giảm 296 Chi cục. Tính đến hết tháng 2-2020, toàn hệ thống Thuế đã hoàn thành việc hợp nhất các Chi cục thuế. Số lượng Chi cục thuế sau khi hợp nhất còn lại 415 Chi cục, đạt 102% kế hoạch và vượt thời gian trước 10 tháng theo Quyết định 41/2018/QĐ-TTg và Quyết định 520/QĐ-BTC. |