(HBĐT) - Giai đoạn 2015 - 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể và quan trọng nhất là sự nỗ lực của Nhân dân, tỉnh ta đã luôn đạt mức tăng trưởng kinh tế khá, đạt bình quân 7,59%, cao hơn mức bình quân của cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 63,8 triệu đồng, cao hơn trung bình khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Để làm nên thành tích đó có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước. Nhân dịp Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ V, giai đoạn 2020 – 2025, phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh những năm qua cũng như mục tiêu, nhiệm vụ thời gian tới.
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ các dự án tại khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình)
Phóng viên: Thưa đồng chí! Xin đồng chí cho biết việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn 2015 - 2020, đã có những đóng góp tích cực như thế nào đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như tạo sức lan tỏa trong cộng đồng?
Đồng chí Bùi Văn Khánh: Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, phong trào thi đua yêu nước tỉnh Hòa Bình đã có nhiều đổi mới, phát triển sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các thành phần kinh tế, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, gắn với đẩy mạnh thực hiện việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Đặc biệt, từ sau Đại hội Thi đua yêu nước của tỉnh lần thứ IV (năm 2015) đến nay, phong trào thi đua không ngừng phát triển, tạo thành động lực to lớn, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được trong 5 năm qua (2015 - 2020) có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước. Công tác thi đua, khen thưởng có nhiều đổi mới, phát triển cả bề rộng và chiều sâu, được thực hiện thường xuyên, liên tục, thực sự là động lực góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Tăng trưởng kinh tế khá, bình quân đạt 7,59%, cao hơn mức bình quân của cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 63,8 triệu đồng, cao hơn trung bình khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và bằng khoảng 90% GDP bình quân đầu người của cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 14,15%; thu ngân sách hàng năm tăng 17%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp; kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn được đầu tư phát triển; hoạt động tài chính, ngân hàng cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục có nhiều tiến bộ. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ và mang lại hiệu quả. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được củng cố.
Qua thực hiện các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt, các gương điển hình tiên tiến; nhiều tập thể và cá nhân đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý. Hiện nay, mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đều có những phong trào thi đua rộng khắp, những điển hình tiên tiến tiêu biểu trong lao động sản xuất, học tập, công tác để cán bộ, Nhân dân học tập noi theo. Những thành tích đó, tạo tiền đề vững chắc để Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025.
Phóng viên: Phát huy những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và tập trung vào những nội dung, mục tiêu cụ thể nào?
Đồng chí Bùi Văn Khánh: Trong giai đoạn 2020 - 2025, tình hình kinh tế - xã hội khu vực và thế giới nói chung, Việt Nam và tỉnh Hòa Bình nói riêng có nhiều thuận lợi song cũng có nhiều khó khăn thách thức. Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hòa Bình cần tập trung vào một số nội dung sau:
Một là: Tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Hai là: Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ đã phát động gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05/CT của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, vận dụng, tổ chức một cách linh hoạt, sáng tạo, khơi dậy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để phong trào thực sự thành công.
Ba là: Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng; đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng thi đua - khen thưởng các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức, triển khai thực hiện các phong trào thi đua.
Bốn là: Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc, đột xuất, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sự lan toả trong cộng đồng; các tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp…; phát huy sức mạnh của cơ quan báo chí, thông tin, truyền thông trong tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Hiện nay, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đang tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, các ngày lễ lớn trong năm 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Yêu cầu đặt ra là phải đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng toàn diện phong trào thi đua yêu nước cả về nội dung, hình thức, kết hợp với giáo dục truyền thống thi đua yêu nước; phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng ngày càng nhiều hơn những tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu thi đua thực hiện ở mức cao nhất các chỉ tiêu mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí
Dương Liễu (Thực hiện)
(HBĐT) - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình lần thứ IV diễn ra từ ngày 14 - 20/10/1986 tại thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông - TP Hà Nội), với 444 đại biểu đại diện cho 62.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ.
(HBĐT) - Những năm qua, huyện Lương Sơn đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) đáp ứng yêu cầu về vị trí việc làm, quan tâm đánh giá chất lượng, xếp loại CB, CC, đề cao ý thức trách nhiệm thực thi công vụ, qua đó, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương.
(HBĐT) - Qua 5 năm phát động phong trào thi đua yêu nước (TĐYN) trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Nhiều đề tài, sáng kiến được đánh giá cao, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn; nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu được tuyên dương, cho thấy phong trào nhận được sự quan tâm, tích cực hưởng ứng của CNVCLĐ.
Chiều 16-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman, Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen cùng các nhà đầu tư (NĐT) Liên hiệp châu Âu (EU) đang có mong muốn đầu tư dự án trung tâm logistics, cảng biển trị giá gần một tỷ USD tại Việt Nam.
Nghị định mới của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có quy định nào về việc sáp nhập sở, ngành.
(HBĐT) - Công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội (DLXH) là một nội dung trọng yếu trong công tác tư tưởng của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh; là kênh thông tin quan trọng góp phần giúp cấp uỷ, chính quyền kịp thời có những biện pháp cụ thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.