Lực lượng dân quân tự vệ xã Yên Mông (TP. Hoà Bình) tạo mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với Nhân dân địa phương, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Quân ta mở màn đợt 1 của chiến dịch ngày 10/12/1951, bộ đội ta tập trung tiến công các vị trí địch ở các điểm cao Ba Vì, Tu Vũ, ven sông Đà và đường 6. Từ đây, lối đánh du kích dần được hiện hữu. Tiêu biểu như trận đánh tại dốc Kẽm ngày 11/12/1951, bộ đội địa phương và du kích xóm Dụ, xã Mông Hoá phối hợp với một tiểu đoàn chủ lực đã phục kích diệt 2 trung đội, phá huỷ 11 xe, giải thoát trên 100 đồng bào bị giặc bắt đi làm phu.
Hay như trận đánh tại Giang Mỗ ngày 12/12/1951, bộ đội địa phương và du kích xã Bình Thanh tác chiến cùng bộ đội chủ lực đánh tan một toán quân địch từ thị xã Hoà Bình theo đường 6 hành quân lên Mai Đà. Kết quả, đã tiêu diệt và bắt sống trên 1 đại đội Âu - Phi, 6 xe cơ giới của địch bị phá huỷ, trong đó có 1 xe tăng.
Yên Mông cũng là xã có lực lượng dân quân du kích đánh địch hiệu quả. Tiêu biểu nhất là trận đánh trên sông Đà ngày 22/12/1951, du kích xã Yên Mông phối hợp các lực lượng chủ lực phục kích liên hoàn trên sông Đà, từ xóm Mỵ (Yên Mông) - Lạc Song (Phú Thọ) dài 6 km, thế trận địch có 8 chiếc tàu từ Hà Nội tiếp tế lương thực theo đường sông tiến lên thị xã Hoà Bình, trên trời có máy bay, hai bên bờ có đại bác bắn yểm trợ. Sau gần 40 phút chiến đấu, ta đã tiêu diệt được 6 ca nô và 1 tàu LCT cùng hàng chục tên địch. Trong trận này, đồng chí Nguyễn Văn Đức, du kích xóm Mỵ đã dũng cảm vác hòm đạn xông lên tiếp tế cho tổ trung liên của bộ đội chủ lực bắn chìm tàu vận tải địch.
Qua các trận tham chiến của bộ đội và du kích địa phương cho thấy nghệ thuật quân sự tài tình trong công tác binh vận, đó là sự tập hợp, thống nhất ý chí, đoàn kết quân dân một lòng đánh giặc. Tiếp nối nghệ thuật quân sự đó, LLVT tỉnh đã sáng tạo bằng việc xây dựng các mô hình "Làng, bản văn hoá - quốc phòng” ở địa bàn đặc biệt khó khăn trong khu vực phòng thủ tỉnh. Sau 12 năm thực hiện, toàn tỉnh đã có 33 mô hình ở tất cả các huyện, thành phố. Nhiều địa phương chủ động bổ sung các mục tiêu về an ninh và mở rộng địa bàn xây dựng không thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn. Điển hình như huyện Yên Thuỷ đã xây dựng được 4 mô hình ở các xã: Bảo Hiệu, Ngọc Lương và thị trấn Hàng Trạm; huyện Lạc Sơn xây dựng được 4 mô hình ở các xã: Yên Nghiệp, Mỹ Thành, Hương Nhượng, Vũ Bình… Các mô hình nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân địa phương.
Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh nhấn mạnh: "Nghệ thuật chiến tranh du kích năm xưa là một trong những tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển các làng, bản văn hoá - quốc phòng sau này. Từ những mô hình đã được xây dựng thành công cho thấy nhận thức của cán bộ, chiến sỹ LLVT và Nhân dân trong tỉnh về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương không ngừng nâng cao. Từ nhận thức đến hành động đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, tăng cường tiềm lực quốc phòng của địa phương. Trên mỗi công trình ở các làng văn hoá - quốc phòng được xây dựng thể hiện đậm nét tinh thần đoàn kết dân tộc và phẩm chất cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ”.
Thanh Sơn