"Tổ quốc trên hết, nhân dân trên hết, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân phục vụ" đã, đang và sẽ trở thành máu thịt trong suy nghĩ và hành động của cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam.


Đoàn công tác của Học viện Quân y trước giờ xuất quân

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nhấn mạnh, khi đất nước, nhân dân đứng trước những khó khăn thì chiến sĩ QĐND Việt Nam lại một lần nữa khẳng định những truyền thống tốt đẹp của mình, đó là: "Dù trong bất kì hoàn cảnh khó khăn nào, quân đội cũng luôn là lực lượng đi đầu”.

Chưa một ngày ngơi nghỉ

Trong đợt dịch thứ tư, quân đội đã huy động trên 130.000 quân, riêng lực lượng cho công tác phòng, chống dịch ở biên giới khoảng 20.000 quân, còn lại ở TPHCM hơn 100.000 quân. Ở phiên thảo luận trước Quốc hội ngày 9/11, phát biểu tại điểm cầu TPHCM, đại biểu Quốc hội Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM cho biết, toàn quân đã quán triệt nhận thức sâu sắc tinh thần "chống dịch như chống giặc” hỗ trợ cho TPHCM và các tỉnh phía nam hơn 133.114 quân (triển khai 13 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với 6.550 giường bệnh, thành lập 660 tổ quân y cơ động, 510 tổ vaccine, 1.125 tổ lấy mẫu xét nghiệm…).

Trong số này, lực lượng tại chỗ của quân đội ở phía nam từ các Quân khu 5, 7, 9 rất lớn, cộng thêm khoảng 20.000 chiến sĩ từ miền Bắc vào. Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín cho hay, trước khi vào tâm dịch, cán bộ, chiến sĩ đều được tập huấn về chuyên môn, xác định quyết tâm cao nhất, khắc phục mọi khó khăn, sát cánh cùng nhân dân đẩy lùi dịch bệnh.

Từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đến tháng 8 năm 2021, toàn quân đã triển khai hơn 1.900 tổ, chốt chống dịch với trên 13.000 lượt người, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp với địa phương tổ chức gần 5.000 tổ, chốt phòng dịch với sự tham gia của trên 22.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tại các địa bàn có dịch; triển khai 190 điểm cách ly phục vụ hơn 270.000 người; tổ chức 10 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm; chuyển đổi công năng một bệnh viện đa khoa quân dân y thành bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19; thành lập một trung tâm điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 vừa và nặng với hàng nghìn bác sĩ, nhân viên quân y. Quân đội đã đóng góp 510 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19; điều động hàng nghìn ô tô vận chuyển vaccine đến các địa phương; khử khuẩn hàng nghìn khu vực, điểm có dịch.

Ngoài ra, việc triển khai lực lượng thành lập trung tâm cách ly cho người nhiễm, nghi nhiễm COVID-19, các hoạt động an sinh xã hội cũng được quân đội thực hiện nhanh chóng, hiệu quả tại tâm dịch TPHCM và các tỉnh phía nam. Quân đội đã gắn công tác phòng, chống dịch với việc quan tâm, chăm lo cuộc sống nhân dân, bảo đảm tốt an sinh xã hội; tổ chức lực lượng tuần tra, chốt chặn, tiếp tế lương thực, thực phẩm. Toàn quân sử dụng 6.162 chuyến xe tải, 3 chuyến tàu thủy, 156 chuyến máy bay, vận chuyển 25.457 tấn hàng hóa.

Tại TPHCM, chỉ trong một thời gian ngắn triển khai, hàng trăm xe thồ của bộ đội đã đưa nhu yếu phẩm hỗ trợ kịp thời đến từng ngõ ngách, giúp đỡ người dân gặp khó khăn do COVID-19. Nhiều hoạt động an sinh xã hội đặc biệt chưa từng có tiền lệ cũng được lực lượng quân đội triển khai gấp rút, hiệu quả như: "Gian hàng 0 đồng”, "Chuyến xe lưu động 0 đồng”, hỗ trợ gói an sinh cho nhân dân; thu hoạch và tiêu thụ nông sản giúp người dân tại các vùng bị cách ly, phong tỏa; hỗ trợ người dân lo công tác hậu sự cho người đã mất, tổ chức khâm liệm, hỏa táng người tử vong do COVID-19; tiếp nhận, bảo quản, bàn giao tro cốt cho gia đình có người thân chu đáo. Đây là nhiệm vụ chưa có trong tiền lệ nhưng cán bộ, chiến sĩ, dân quân đã nhận thức sâu sắc, coi người mất như người thân của mình, phục vụ với tinh thần tận tâm, tận tình, trân trọng. Hiện nay, quân đội đang phối hợp với các cơ quan chức năng bàn giao kỷ vật của người tử vong do COVID-19 cho gia đình…

Với việc xử lý thi hài, tro cốt nạn nhân tử vong do COVID-19, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín cho biết các chiến sĩ được động viên tư tưởng để thực hiện trách nhiệm với tình cảm lớn nhất với nhân dân, thực hiện các phần việc cẩn trọng với tinh thần trách nhiệm và sự thôi thúc của trái tim.

Đối mặt với đại dịch, ngay từ những ngày đầu, toàn quân luôn chủ động đề ra các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, ứng phó kịp thời, dẫn dắt các lực lượng xung kích thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín, niềm tin tạo thành sức mạnh đoàn kết, quân đội trở thành điểm tựa cho Đảng, cho dân, cho đất nước. Sự chủ động tham mưu chính xác, tham gia kịp thời ngay từ đầu và trên tuyến đầu của quân đội trong phòng, chống dịch đã góp phần tạo nên thành công ấn tượng của Việt Nam trước 3 đợt đầu của đại dịch. Các chiến sĩ ở mọi vị trí đã và đang phát huy bản lĩnh vững vàng, ý chí kiên cường, bình tĩnh, không hoang mang, dao động, tự mỗi người đều ý thức bảo đảm tình trạng sức khỏe tốt nhất để hết mình phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó, các lực lượng biên phòng, hải quân, cảnh sát biển thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các quân khu, duy trì gần 2.000 tổ, chốt biên giới đường bộ, đường biển, đường sông và nội địa, ngày đêm tuần tra, kiểm soát chặt biên giới, khu cách ly, khu phong tỏa, khu điều trị nhằm ngăn chặn, không để F0 xâm nhập vào nội địa, lan ra cộng đồng.

Dọc các tuyến biên giới trên đất liền hay nơi đảo xa trong những ngày biển động, những bước chân tuần tra của bộ đội biên phòng, bộ đội hải quân và cảnh sát biển Việt Nam chưa một ngày ngơi nghỉ. Không chỉ là nơi núi rừng biên viễn, trong các khu cách ly, mà ở đâu có khó khăn là ở đó ngời sáng hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ”. Dẫu ngày hay đêm, trời mưa hay nắng, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ nhiều tháng liền vẫn bám dân, bám bản, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và vượt mọi gian nan kiên trì bám chốt, ngăn chặn COVID-19 xâm nhập từ đường biên.

Thắp lên ngọn lửa niềm tin trong lòng nhân dân

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín, quân đội đã đồng hành cùng đất nước đi qua các cuộc kháng chiến và quân đội đang đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân viết tiếp những chiến công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 này, những người con của nhân dân mang sứ mệnh màu xanh áo lính tiếp tục gác lại những nỗi niềm riêng tư, vượt mọi hiểm nguy, đến giữa màu đỏ của tâm dịch để hòa nhập cùng đồng bào, thực hiện "trách nhiệm phụng sự nhân dân”. Đấy chính là nghĩa tình, là trách nhiệm của những người lính "Bộ đội Cụ Hồ”. Họ ở đâu cũng thế, trong hoàn cảnh nào cũng vậy, "Tổ quốc trên hết, nhân dân trên hết, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân phục vụ" đã, đang và sẽ trở thành máu thịt trong suy nghĩ và hành động của cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam.

Không thể kể hết những hiểm nguy bộ đội ta đã gặp phải, không thể đong đếm được những hy sinh chiến sĩ ta đã cống hiến. Mặc dù phải làm việc liên tục trong môi trường tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, khối lượng công việc nhiều, cường độ công việc cao, lực lượng mỏng, địa bàn rộng nhưng ánh mắt mỗi người đều rực lửa, đầy quyết tâm chống dịch, không một tiếng than thở. Những hình ảnh gian khó, chấp nhận hy sinh của cán bộ, chiến sĩ quân đội trên tuyến đầu đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ cho mỗi người dân Việt Nam xích lại gần nhau hơn và khát khao cống hiến.

Không một chút ồn ào, không một lời phàn nàn, trách cứ…, những người lính của chúng ta cứ lặng thầm làm việc, lặng thầm cống hiến, lặng thầm hy sinh. Họ đã để lại những cảm xúc yêu thương, trân trọng, lan toả lòng vị tha nhân ái. Những người lính "Bộ đội Cụ Hồ” một lần nữa thắp lên ngọn lửa niềm tin trong lòng nhân dân. Nó giúp mỗi chúng ta vững tin hơn vào quân đội, vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước. Niềm tin tạo nên sức mạnh, tạo nên động lực để mọi người bên nhau, nắm tay nhau vượt qua những ngày khó khăn lịch sử.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín cho rằng giá trị của hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ ngời sáng, hiện hữu trong mỗi đơn vị quân đội tham gia phòng, chống dịch mà còn có giá trị lan tỏa, khơi dậy tinh thần dân tộc, ươm mầm và nảy nở những nghĩa cử cao đẹp trong xã hội. Có thể nói, chưa bao giờ sự tin tưởng, đồng lòng, quyết tâm của toàn dân lại dâng cao như lúc này. Cùng với hoạt động của quân đội là rất nhiều hoạt động thiện nguyện, ủng hộ, giúp đỡ những cá nhân và gia đình có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh.Đúng như lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Chương trình "Nghĩa tình quân dân” tối 19/12: "Nghĩa tình quân dân là giá trị nội lực, sức mạnh nội sinh quan trọng góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc chiến bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước và vượt qua những thời khắc khó khăn của lịch sử như đại dịch COVID-19”.

Nhiều năm sau nữa, đất nước sẽ còn mãi nhắc tới giai đoạn lịch sử này. Và mỗi lần nhắc đến, hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam chắc chắn sẽ mãi còn sâu đậm trong lòng mỗi người dân Việt Nam.


Theo Baochinhphu

Các tin khác


Triển khai công tác tư pháp năm 2022

(HBĐT) - Ngày 21/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tư pháp năm 2021, triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2022. Dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Thành Long, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư. Tham dự tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Ngọc Kiên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Quyết liệt chỉ đạo các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(HBĐT) - Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, ngành đã xây dựng chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm (THTK), chống lãng phí (CLP), tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ, công chức, đặc biệt là các văn bản chỉ đạo quản lý thu, chi ngân sách, tài sản công gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Công tác THTK, CLP đã có chuyển biến trên nhiều lĩnh vực.

Hướng dẫn thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm

(HBĐT) - Điều 6. Tố cáo có nội dung mang tính bịa đặt; cùng người khác viết, ký tên trong đơn tố cáo; viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên. Gửi, tán phát đơn khiếu nại, tố cáo (KNTC) dưới mọi hình thức đến nơi không có thẩm quyền giải quyết.

Quan tâm phân bổ vốn cho các dự án đang thi công, còn dở dang

(HBĐT) - Cử tri hỏi: Đề nghị UBND tỉnh ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án đang thi công, còn dở dang. Đối với dự án mới cần xem xét lựa chọn dự án đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và AN-QP, linh hoạt trong quá trình thực hiện.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh lần thứ 6

(HBĐT) - Chiều 20/12, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ Khối các cơ quan (CCQ) tỉnh đã tổ chức Hội nghị lần thứ 6, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Công bố Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố năm 2021

(HBĐT) - Ngày 17/12, đồng chí BÙI VĂN KHÁNH, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Quyết định số 3035 /QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc công bố Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố năm 2021.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục