Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của bà Érika Mouynes trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Panama, tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng vào việc duy trì và thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Panama, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở cả hai khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và sự phát triển năng động Panama tại khu vực Mỹ Latinh thời gian qua. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã thông báo về những thành tựu Đổi mới của Việt Nam, các nỗ lực và thành tựu trong phòng, chống đại dịch Covid-19, cũng như các biện pháp quyết liệt, đồng bộ phục hồi kinh tế-xã hội của Việt Nam sau đại dịch Covid-19 nhằm tạo điều kiện cho phục hồi và mở cửa kinh tế một cách an toàn, khoa học, với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Về quan hệ hai nước, Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực hợp tác, kết quả cụ thể của quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều năm qua, đặc biệt về chính trị, ngoại giao, kinh tế-thương mại; đề nghị các bộ, ngành hai nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư Việt Nam-Panama phát triển hơn nữa, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của hai bên. Thủ tướng Chính phủ mong muốn hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để Panama trở thành cầu nối góp phần đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ Latinh, và ngược lại, Việt Nam là cửa ngõ để hàng hóa Panama vào thị trường Đông Nam Á; tập trung vào các lĩnh vực hợp tác về vận tải, hậu cần, phát huy vai trò của kênh đào, cảng biển của Panama cũng như vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu - 1 trong 20 nước có kim ngạch thương mại lớn nhất trên thế giới.
Để quan hệ hai nước ngày càng hiệu quả và thực chất hơn nữa, Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành hai nước tăng cường trao đổi đoàn các cấp, tiếp xúc bên lề các hội nghị quốc tế, phát huy và nâng cao hiệu quả cơ chế Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam-Panama; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực hai bên có nhiều tiềm năng, và thế mạnh như thương mại, vận tải hàng hải, tài chính ngân hàng, nông nghiệp...; đẩy mạnh tăng cường giao lưu nhân dân, văn hóa giữa hai nước, hỗ trợ bảo vệ lợi ích của các công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và hoạt động kinh doanh tại Panama.
Thủ tướng cũng đề nghị Panama, 1 trong số ít nước trên thế giới có lượng phát thải carbon âm, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về ứng dụng công nghệ xanh, nâng cao năng lực quản trị quốc gia về phát triển bền vững. Thủ tướng cũng nêu bật cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0” vào năm 2050.
Dịp này, Thủ tướng cũng thay mặt lãnh đạo cấp cao Việt Nam chuyển lời thăm hỏi tới Tổng thống Panama và các lãnh đạo Chính phủ Panama.
Bộ trưởng Érika Mouynes chúc mừng về những thành tựu đổi mới to lớn trên mọi mặt của Việt Nam, cũng như những thành tựu quan trọng Việt Nam đã đạt được trong nỗ lực ứng phó đại dịch Covid-19; tin tưởng vào thành công của chương trình hồi phục kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19 và phát triển bền vững của Việt Nam. Bộ trưởng khẳng định Chính phủ Panama luôn mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với Việt Nam, luôn coi trọng vai trò, vị thế ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và quốc tế, cam kết sẽ phối hợp Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành của Việt Nam nhằm thực hiện các đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong đó có việc duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc giữa hai nước; duy trì hợp tác hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức đa phương quốc tế; tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững…, nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Panama ngày càng thực chất, hiệu quả.
TheoNhanDan