Đến thăm quan khu di tích chùa Khánh (Cao Phong), người dân được tìm hiểu lịch sử hào hùng của khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên.
Vào đến khuôn viên khu di tích lịch sử chùa Khánh, ấn tượng đầu tiên của chị Nguyễn Thị Hường, quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) là sự trang nghiêm nhưng rất đỗi yên bình. Chị được người dân nơi đây giới thiệu, đồi chùa Khánh trân trọng lưu giữ một dấu ấn cách mạng là niềm tự hào chung của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Cao Phong: Khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên. Nơi đây gắn liền với lịch sử cách mạng của nhân dân Cao Phong. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, đây là một trong bốn khu căn cứ cách mạng của tỉnh, nằm trong hệ thống chiến khu Hòa - Ninh - Thanh do Xứ ủy Bắc Kỳ xây dựng và trực tiếp chỉ đạo hoạt động. Với những giá trị lịch sử đặc biệt được lưu giữ trọn vẹn đến ngày nay, chùa Khánh vinh dự được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia vào năm 1996.
Hiện, toàn bộ khu di tích có ba công trình chính: Ngôi chùa lễ (Tam bảo) được xây cao nhất dưới gốc thông già; phía dưới bậc thang lên chùa chính, bên phải là nhà truyền thống - nơi trưng bày những hình ảnh hoạt động của chiến khu xưa, bên trái là nhà bia tưởng niệm. Hàng năm, vào ngày 28 Tết Nguyên đán, người dân xã Thạch Yên đến chùa Khánh làm lễ Khấp ấn; đến ngày mồng 5 Tết thì làm lễ Khai hội chùa Khánh - 1 trong 6 lễ hội được tổ chức hàng năm, mang đậm bản sắc của huyện Cao Phong. Ngoài 2 dịp đặc biệt này, các ngày nghỉ lễ trong năm, chùa Khánh thường thu hút nhiều du khách đến thăm quan, vãn cảnh, cầu phúc, cầu tài và tìm hiểu những giá trị văn hóa - lịch sử.
Cách di tích lịch sử chùa Khánh không xa là một chứng tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng khác: Địa điểm thành lập Trung đoàn 12 năm 1951, nay thuộc xóm Bãi Bệ 1, xã Dũng Phong. Nơi đây được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Huyện Cao Phong đã đầu tư xây dựng khu di tích với diện tích 600m2, gồm các hạng mục nhà tưởng niệm, tường bao, cổng. Đây là tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm và là sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Cao Phong đối với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Những ngày tháng Tư lịch sử, huyện Cao Phong là điểm đến du khách không nên bỏ qua nếu muốn tìm hiểu các giá trị lớn lao, hào hùng của lịch sử cách mạng Việt Nam. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, 1 khu di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Ngoài những địa danh đã đi vào lịch sử, huyện Cao Phong còn tạo thêm sức hút khi chú trọng phát triển các khu du lịch với sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn như: Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam (xã Bắc Phong), khu du lịch sinh thái - văn hóa tâm linh núi Đầu Rồng (thị trấn Cao Phong), bản Mường Giang Mỗ (xã Bình Thanh)…
Đồng chí Hà Văn Di, Bí thư Huyện ủy Cao Phong khẳng định: Đó là những mảnh ghép quan trọng tạo nên diện mạo đáng tự hào của huyện Cao Phong - vùng đất Mường Thàng có bề dày lịch sử, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong suốt tiến trình lịch sử, các thế hệ người dân Cao Phong luôn phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, nêu cao tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN. Vì thế, tạo nền tảng vững chắc để huyện phấn đấu phát triển toàn diện, hướng tới những giá trị tốt đẹp và bền vững trong thời kỳ mới.
Khánh An