Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 24/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022.


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Các giải pháp về thuế có hiệu quả cao, tác động tích cực ngay

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, từ cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, để chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách của năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023; triển khai một số giải pháp để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Trong năm 2022, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau dịch COVID-19, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có quy định giảm mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hầu hết các mặt hàng đang chịu thuế suất 10% xuống 8%; tiếp tục tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho hoạt động phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất... Dự kiến, tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, với nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp, người dân được triển khai thực hiện với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng, góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân, qua đó đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước.

Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp hỗ trợ thời gian qua, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định, các giải pháp về thuế có hiệu quả cao, tác động tích cực ngay tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân. Trong đó, giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 44,5 nghìn tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, đồng thời tạo thêm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế giá trị gia tăng nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế-xã hội; cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện năm 2023 (như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu; miễn, giảm các khoản thu phí, lệ phí) và trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.

Theo đó, mục tiêu xây dựng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Về nội dung của chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu, năm 2023, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian từ ngày 1/7-31/12/2023.

Cụ thể, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đánh giá kỹ hơn về tác động của việc giảm thuế


Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Đoàn Thị Lê An phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, trong thời gian qua, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng phát huy những tác dụng nhất định nhưng đã hết hiệu lực thi hành vào ngày 31/12/2022. Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng để tiếp tục hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ quý IV/2022 và nhất là các tháng đầu năm 2023.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc đánh giá tình hình thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 để làm căn cứ cho việc tiếp tục đề xuất ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng có thể chưa phù hợp thực tế. Bởi sức mua và tiêu dùng hiện nay khác với bối cảnh năm 2022. Khác với sức mua và tiêu dùng bung ra và tăng trưởng cao sau một thời gian bị kìm nén bởi dịch bệnh trong năm 2022, đến nay cả người dân và các doanh nghiệp đều đã và đang rất khó khăn. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng vào giai đoạn nửa cuối 2023 khó có thể phát huy được tác dụng kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng như trong năm 2022. Các ý kiến đề nghị, các biện pháp kích cầu trong năm 2023 tập trung vào tháo gỡ các "nút thắt” để tăng cường giải ngân và phát huy hiệu quả của chi đầu tư công trong gói phục hồi kinh tế.

Về nội dung của chính sách, một số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về tác động của việc giảm thuế để bảo đảm đạt được mục tiêu đặt ra khi đề xuất ban hành chính sách như kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước…

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong thời điểm hiện nay vì còn băn khoăn về tính hiệu quả của chính sách; đồng thời lo ngại về tác động giảm thu trong bối cảnh nhiệm vụ thu năm 2023 là rất khó khăn. Điều này có thể sẽ gây bị động cho quá trình điều hành thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Quốc hội thông qua. Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ cũng chưa đánh giá cụ thể các tác động dự kiến của chính sách đối với khả năng kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nửa cuối năm 2023 như mục tiêu đặt ra.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng theo hướng áp dụng thuế suất 8% đối với tất cả các nhóm hàng hóa đang áp dụng mức thuế suất 10% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng vì hiện nay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó khăn. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng tỷ lệ giảm thuế giá trị gia tăng đến 4% để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu…

Về hiệu lực thi hành chính sách, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí thời gian áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 1/7-31/12/2023. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể là chưa đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng làm cho chính sách khó đạt được các mục tiêu đặt ra. Do đó, đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả...

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Bác

Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn đại biểu đã bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144).

Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên

Những năm qua, việc thực hiện Quy định số 34-QĐi/TU, ngày 28/01/2019 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh đã đạt kết quả tích cực. Tỉnh ủy coi đây là phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng; là biện pháp thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh

Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh 


Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người "là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”. Trọn cả cuộc đời, Người dâng hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Học tập và làm theo Người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với tất cả các tổ chức đảng, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến và phụng sự đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội

Chiều tối 17/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ khoa học lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 17/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục