Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11/7/1995, sự hợp tác Việt Nam - Mỹ đã từng bước đạt được những tiến bộ thực chất, phát triển toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.


Toàn cảnh buổi điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng 3/2023. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam dự kiến từ ngày 10-11/9 diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Mỹ được thiết lập năm 2013. Như Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden tiếp tục thể hiện sự coi trọng của Mỹ trong mối quan hệ với Việt Nam, có ý nghĩa không chỉ để hai nước nhìn lại những thành tựu, mà còn để cùng nhau tiếp tục phát triển mối quan hệ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, để đạt được sự thịnh vượng chung.

Nền tảng và điểm sáng hợp tác

Được xây dựng trên nền tảng tin cậy trên cơ sở nguyên tắc quan hệ "tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nhất là tôn trọng thể chế chính trị của nhau", cũng như mong muốn chung nhằm vượt qua di sản chiến tranh, quan hệ đối tác Việt Nam - Mỹ đã phát triển nhanh chóng kể từ khi quan hệ song phương được thiết lập vào năm 1995. Đặc biệt, quan hệ Việt Nam - Mỹ đã có những phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng kể từ khi thiết lập Đối tác toàn diện năm 2013, trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, giao lưu nhân dân, khoa học và công nghệ, y tế, khí hậu, năng lượng, giáo dục, v.v.

Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh được đánh giá là một nền tảng trong quan hệ hai nước, góp phần quan trọng vào quá trình hòa giải, hàn gắn và xây dựng lòng tin giữa hai nước. Hàng loạt dự án đã và đang được triển khai, ghi nhận những nỗ lực chung trong hợp tác Việt Nam - Mỹ về khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó phải kể tới hoạt động phối hợp nhân đạo tìm kiếm và kiểm kê quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam; hợp tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ Việt Nam hy sinh trong chiến tranh; việc hoàn thành Dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng; tiếp tục triển khai dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa; Dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng sống cho người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam; dự án truyền thông về khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh.

Tháng 3 năm nay, Mỹ đã công bố một dự án mới trị giá 73 triệu USD để xử lý đất và trầm tích bị ô nhiễm tại Biên Hòa. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố "Mỹ cam kết thực hiện công việc đang diễn ra để giải quyết các hậu quả của chiến tranh. Đây là vấn đề của sự tin tưởng, cam kết và trách nhiệm".

Cùng với đó, hợp tác kinh tế và thương mại luôn được coi là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Mỹ vì sự thịnh vượng chung. Thương mại song phương giữa hai nước đã phát triển vượt bậc trong gần ba thập kỷ qua và đầu tư song phương lên tới hàng tỷ USD. Thương mại hàng hóa Việt Nam - Mỹ vượt 138 tỷ USD vào năm 2022, một sự phát triển đáng chú ý từ việc gần như không có liên kết kinh tế trước khi quan hệ được thiết lập cách đây 28 năm. Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng thương mại luôn ở mức 2 con số, chứng tỏ quan hệ kinh tế - thương mại có tính bổ sung, hai bên cùng có lợi. Việt Nam đã vươn lên vị trí đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ trên toàn thế giới.

Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam liên tục tăng và đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Mỹ cũng đang trở thành xu thế. Mỹ hiện là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam, như dệt may, giày dép và điện tử. Việt Nam mua các sản phẩm của Mỹ như bông và đậu nành và thu hút đầu tư của các công ty lớn từ Mỹ. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, là một trong 14 đối tác khởi động Khuôn khổ Kinh tế Thịnh vượng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), Việt Nam và Mỹ hiện đang đạt được tiến bộ trong việc hoàn thiện văn bản về cả bốn trụ cột của IPEF.

Trong tuyên bố nhân kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh Việt Nam vừa qua (2/9/2023), Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nhấn mạnh: Mỹ ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng, độc lập, tự cường và luôn trân trọng mối quan hệ đối tác mà Chính phủ và người dân hai nước đã cùng vun đắp, đồng thời mong muốn được thắt chặt hợp tác các ưu tiên nhằm thúc đẩy mục tiêu chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thịnh vượng, cởi mở, tự cường và hòa bình.

Hợp tác y tế và ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng là điểm sáng khác trong quan hệ hai nước Việt Nam – Mỹ, đặc biệt trong việc hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị y tế, tiếp cận vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh và bảo hộ công dân. Cụ thể, trong những ngày đầu của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã cung cấp hơn 450.000 bộ quần áo bảo hộ hazmat và các thiết bị bảo hộ cá nhân khác cho Mỹ, ngược lại Mỹ đã cung cấp miễn phí hơn 40 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX, cũng như hơn 44 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch.

Về hợp tác giáo dục đào tạo và giao lưu nhân dân, hàng năm hiện có từ 23.000 đến 25.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ, trước đại dịch Covid-19, có năm đã đạt hơn 31.000. Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới có sinh viên theo học ở Mỹ. Khách du lịch Mỹ duy trì trong tốp 5 số lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đạt trung bình 800.000 lượt/năm trước đại dịch. Hiện nay, Việt Nam đang phấn đấu hướng tới đón một triệu lượt khách Mỹ và mong sớm đạt được mục tiêu này.

Hợp tác an ninh-quốc phòng được duy trì tích cực với nội dung hợp tác đa dạng, nổi bật là việc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và nâng cao năng lực hàng hải. Hai bên cũng phối hợp ngày càng hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tiểu vùng sông Mekong, trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, như phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.

Kỳ vọng những bước đột phá mới

Trải qua gần 3 thập kỷ từ bình thường hóa đến Đối tác toàn diện, quan hệ hai nước đã có sự phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Như thông báo của Nhà Trắng, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden, hai bên sẽ thảo luận cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tập trung vào công nghệ và đổi mới, mở rộng quan hệ giữa nhân dân hai nước thông qua trao đổi giáo dục và các chương trình phát triển lực lượng lao động, chống biến đổi khí hậu, và tăng cường hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực.

Các chuyên gia cho rằng, chuyến thăm lần này của Tổng thống Biden cũng là dịp để hai bên tạo động lực mới và xác định định hướng cho quan hệ trong những thập kỷ tới. Trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao và nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ dự báo hai bên sẽ mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, giáo dục-đào tạo và giải quyết hậu quả chiến tranh vẫn còn nhiều dư địa để tăng cường hợp tác.


Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ thăm Việt Nam từ ngày 10-11/9/2023. Ảnh: AP

Trong khi đó, Thomas Patterson, Giáo sư Chính sách công trường Đại học Harvard nhận định chuyến thăm của Tổng thống Biden sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế, và biến đổi khí hậu. Trong số những vấn đề này, vấn đề kinh tế là quan trọng nhất. Mỹ tìm cách tăng cường kết nối kinh tế với Việt Nam. Ngược lại, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việc tăng cường quan hệ kinh tế là vì lợi ích quốc gia của cả hai nước.

Theo Giáo sư Patterson, Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ và đổi mới. Lợi thế về khả năng tiếp cận nhiều hơn với các trung tâm đổi mới và công nghệ của Mỹ sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Việt Nam qua chuyến thăm này. Trong khi đó, điểm mạnh của Việt Nam là người Việt Nam rất cần cù và chịu khó, đặc biệt người dân Việt Nam rất có tinh thần kinh doanh. Hơn nữa, Việt Nam là thị trường có mức lương thấp so với Mỹ, điều này rất hấp dẫn đối với các công ty, doanh nghiệp Mỹ.

Về phần mình, nhận định về tiềm năng phát triển của quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ, Giáo sư David Dapice, chuyên gia hàng đầu về phát triển kinh tế ở Đông Nam Á cho rằng hai bên có thể tập trung vào hợp tác an ninh mạng, điều mà Việt Nam dành nhiều sự quan tâm. Lĩnh vực này có thể bao gồm đầu tư vào trung tâm điện toán đám mây ở Việt Nam, cũng như những giải pháp tăng cường an ninh mạng mà phía Mỹ có thế mạnh.

"Một số công ty như Amazon, Microsoft, Google có thể xây dựng trung tâm điện toán đám mây an toàn tại Việt Nam. Dù có thể có giá thành cao, dự án như vậy có thể hữu ích và sẽ được hai bên thảo luận", ông Dapice nêu rõ, lưu ý thêm rằng bên cạnh an ninh mạng, sản xuất chip và chuyển đổi năng lượng xanh cũng là những lĩnh vực mà hai bên có thể hướng tới tăng cường hợp tác hơn nữa trong tương lai. Theo Giáo sư Dapice, những cải tiến của Việt Nam về lực lượng lao động được đào tạo, năng lượng xanh và nhà cung cấp có chuyên môn cao sẽ mở ra cơ hội thu hút nhiều vốn FDI từ Mỹ hơn nữa.

Đồng quan điểm trên, Giáo sư người Australia Carlyle Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á, nhận định thương mại và đầu tư vẫn là cốt lõi của mối quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ. Mỹ muốn tìm chuỗi cung ứng chất bán dẫn an toàn và linh hoạt từ Việt Nam, trong khi Việt Nam tìm kiếm nguồn đầu tư lớn hơn và tiếp cận thị trường Mỹ, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen cũng đánh giá Việt Nam là đối tác ngày càng quan trọng với Mỹ và đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của nước này. Theo bà Yellen, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn, năng lượng tái tạo.

Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh Việt Nam là một giao điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, được chứng minh bởi các khoản đầu tư lớn của doanh nghiệp công nghệ Mỹ vào Việt Nam như công ty Amkor Technology hay tập đoàn Intel, với nhà máy lắp ráp và kiểm định chip lớn nhất thế giới của công ty được đặt tại TP HCM.

Tóm lại, sau gần 30 năm kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và tròn 10 năm kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ, quan hệ giữa hai nước đã đạt được những bước phát triển toàn diện, thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới. Trong thời gian tới, những lĩnh vực hợp tác mới chắc chắn sẽ là chủ đề hai bên có thể tăng cường hợp tác hơn nữa như vấn đề chuyển đổi số, thúc đẩy hợp tác về công nghệ sáng tạo, chuyển đổi xanh, bao gồm những cam kết về thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng với đó là sử dụng năng lượng xanh, kinh tế xanh, hạ tầng xanh…

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Đảng bộ huyện Mai Châu gỡ khó trong phát triển đảng viên

(HBĐT) - Năm 2023, Đảng bộ huyện Mai Châu được giao chỉ tiêu kết nạp 168 đảng viên mới. Hết quý I, toàn Đảng bộ huyện chỉ kết nạp được 3 đảng viên. Tuy nhiên, đến hết quý II, số đảng viên mới kết nạp đã tăng lên 83 đồng chí với 100% có trình độ học vấn đáp ứng tiêu chuẩn, được rèn luyện, thử thách trong quá trình học tập, lao động, công tác và tham gia các phong trào hành động cách mạng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao ASEAN với Australia và với Liên hợp quốc

Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Jakarta, Indonesia, chiều 7/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự các Hội nghị Cấp cao ASEAN với Australia và ASEAN với Liên hợp quốc.

Đẩy mạnh nỗ lực đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng

Sáng 7/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Lãnh đạo các nước dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 20 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 18 tại Jakarta, Indonesia.

Toàn tỉnh có trên 93% trưởng thôn, bản là đảng viên

(HBĐT) - Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có nội dung về "Lựa chọn giới thiệu đảng viên có năng lực, uy tín để nhân dân bầu làm trưởng thôn, xóm, bản, tổ dân phố….(gọi tắt là trưởng thôn, bản)”. Các cấp ủy đảng trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp như: Giới thiệu đảng viên có năng lực, uy tín để nhân dân bầu làm trưởng khu dân cư; bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng là trưởng thôn, bản để kết nạp vào Đảng.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long thăm và làm việc tại xã Hợp Phong

(HBĐT) - Ngày 6/9, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại xã Hợp Phong (Cao Phong). Cùng tham gia đoàn có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Dân tộc, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Tỉnh ủy, huyện Cao Phong.

Huyện Lạc Thuỷ nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

(HBĐT) - Qua 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/HU, ngày 10/3/2022 của Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Lạc Thuỷ về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ (SHCB), nền nếp sinh hoạt, nội dung, chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ được nâng lên. Các cấp ủy Đảng trong Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao chất lượng SHCB đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Đảng trong tình hình mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục