Những năm qua, chính quyền huyện Lạc Sơn đã chú trọng tăng cường quản lý Nhà nước về tôn giáo. Tình hình tôn giáo trên địa bàn huyện chuyển biến tích cực; nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác tôn giáo được nâng lên. Các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo yên tâm, tin tưởng và chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định an ninh trật tự ở địa phương.
Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo ở huyện Lạc Sơn vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể như: Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo ở một số đơn vị chưa thật chặt chẽ. Sinh hoạt tôn giáo còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Một số vấn đề liên quan đến đất đai tôn giáo chưa được giải quyết triệt để. Công tác phối hợp đôi khi chưa chặt chẽ. Việc kiểm tra, giám sát công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo tại các xã, thị trấn chưa được thường xuyên.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo ở huyện Lạc Sơn cần thực hiện đồng bộ những giải pháp cơ bản sau:
Một là, phát huy vai trò của người đứng đầu và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị đối với công tác tôn giáo.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác tôn giáo. Trong đó, tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo; Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/01/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo trong tình hình mới; Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 01/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong tình hình mới.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật; quan tâm đến nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của tín đồ và Nhân dân; thực hiện nghiêm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định của pháp luật liên quan.
Phát huy trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện trong phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước liên quan đến tôn giáo theo quy định của pháp luật. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tăng cường vận động, đoàn kết đồng bào theo tôn giáo ở địa phương.
Hai là, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về công tác tôn giáo.
Nội dung tuyên truyền cần phải có trọng tâm, trọng điểm, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nói; đảm bảo tính Đảng và tuân thủ các quy định của pháp luật, làm rõ vai trò, tầm quan trọng, vị trí chiến lược của vấn đề tôn giáo.
Hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, kết hợp đa dạng, nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp; tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng; qua các công cụ trực quan (tranh ảnh, khẩu hiệu, panô, áp phích, tờ rơi...), các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và qua các hoạt động tham quan thực tế, học tập gương người tốt, việc tốt.
Ba là, tăng cường công tác đào tạo, bỗi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo.
Các cấp chính quyền của huyện cần khảo sát, thống kê số lượng, đánh giá năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo trên địa bàn để từ đó có cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo từng giai đoạn với nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng. Trong đó, đặc biệt quan tâm bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, uy tín, am hiểu về tôn giáo và đặc thù của địa phương.
Bốn là, ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành liên quan đến quản lý Nhà nước về tôn giáo.
Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác tôn giáo trong tình hình mới theo hướng kịp thời thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về tôn giáo; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của các văn bản quản lý Nhà nước về tôn giáo giữa Trung ương và địa phương
UBND huyện xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tôn giáo theo thẩm quyền, phù hợp với tính chất, đặc thù của địa phương. Các văn bản phải đảm bảo sự giải mật, tính mở cao, dễ tiếp cận, cụ thể, rõ ràn,g đảm bảo tính khả thi và dễ thực hiện; gắn với tháo gỡ những bất cập trong quản lý Nhà nước đối với tổ chức hoạt động, sinh hoạt đất đai, xây dựng, thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo của tôn giáo. Ban hành, quy định cụ thể về phân công trách nhiệm, phối hợp công tác giữa các cấp, ngành trong công tác quản lý tôn giáo.
Năm là, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào tôn giáo.
Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân theo tôn giáo, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Xây dựng quy hoạch khu công nghiệp ở những vùng có đồng bào tôn giáo để giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào tôn giáo nói riêng. Đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh.
Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tôn giáo ở huyện Lạc Sơn trong tình hình hiện nay là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước ở huyện Lạc Sơn trong giai đoạn hiện nay. Từ những kinh nghiệm, thành công và những hạn chế, bất cập trong thực tiễn quản lý Nhà nước về tôn giáo, huyện Lạc Sơn cần thực hiện các giải pháp trên một cách đồng bộ, nghiêm túc, sáng tạo.
Ths. Nguyễn Hữu Đà
Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật, Trường Chính trị tỉnh