Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachak.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn đã phỏng vấn Phó Chủ tịch Quốc hộiLào, bà Sounthone Xayachak, về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của hội nghị, cũng như các nội dung chính mà hội nghị sẽ thảo luận. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Xin Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc gặp lần đầu tiên giữa Chủ tịch Quốc hội ba nước? Vì sao Quốc hội ba nước lại nâng cấp từ cuộc gặp ba Uỷ ban Đối ngoại lên thành cuộc gặp của ba Chủ tịch Quốc hội?
Chúng tôi rất vinh dự khi Quốc hội Lào được chọn chủ trì tổ chức Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất. Đây là hội nghị quan trọng trong lịch sử của Quốc hội ba nước chúng ta.
Trước đây, kể từ năm 2009, ba Quốc hội đã luân phiên chủ trì cuộc họp cấp Ủy ban hằng năm như: 1) Ủy ban Đối ngoại; 2) Ủy ban Quốc phòng - An ninh và 3) Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán. Đến năm 2018, Lào chủ trì kỳ họp Ủy ban Đối ngoại Quốc hội CLV lần thứ 6 và ba bên đã thống nhất tổ chức kỳ họp 2 năm/lần.
Sau đó, ngày 17-21/10/2022, ba Ủy ban Đối ngoại Quốc hội CLV đã tổ chức họp tham vấn để cùng nhau nghiên cứu, thông qua quy chế tổ chức Hội nghị cấp cao Quốc hội CLV. Năm 2022, tại Phnom Penh, Campuchia, ba Chủ tịch Quốc hội Campuchia - Lào - Việt Nam đã ký Tuyên bố chung thông qua việc nâng cấp kỳ họp từ cấp ủy ban lên cấp Chủ tịch Quốc hội để phù hợp với cơ chế hợp tác về mặt Đảng và Chính phủ ba nước và nhất trí giao Quốc hội Lào chủ trì tổ chức hội nghị đầu tiên này.
Việc Chủ tịch Quốc hội ba nước nhất trí nâng cấp họp từ cấp Ủy ban lên cấp Chủ tịch Quốc hội nhằm giúp cho quan hệ giữa ba quốc hội phù hợp với cơ chế hợp tác của các kênh Đảng và Chính phủ của ba nước. Đây sẽ là cơ chế phối hợp để thảo luận về cách thức giúp cho mối quan hệ giữa ba nước ngày càng hiệu quả, phù hợp với quan hệ lịch sử khi ba nước chúng ta kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi, cùng chống lại kẻ thù chung để giành độc lập lâu dài cho đất nước.
Xin bà cho biết tại cuộc gặp lần này, Chủ tịch Quốc hội ba nước sẽ thảo luận những nội dung gì nhằm tăng cường hơn nữa vai trò Quốc hội ba nước trong giám sát hoạt động của Chính phủ ba nước nói riêng và trong việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa ba nước?
Mục đích của Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước lần này là nhằm tăng cường và củng cố tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa ba nước nói chung và cụ thể là giữa ba cơ quan lập pháp; Nâng cao vai trò của Quốc hội trong việc giám sát, khuyến khích và thúc đẩy việc thực hiện các hiệp định, chương trình, dự án hợp tác mà Chính phủ ba nước đã ký kết cũng như các hiệp định đa phương mà ba nước là thành viên; Đẩy mạnh trao đổi, phổ biến thông tin, kinh nghiệm, bài học về hoạt động, vai trò của Quốc hội CLV; Nghiên cứu, thảo luận, kết nối các mục tiêu của khu vực Tam giác phát triển vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương thông qua việc phân bổ ngân sách nhà nước, huy động đầu tư trong nước và các đối tác phát triển quốc tế vào khu Tam giác phát triển và các khu vực khác.
Hội nghị cấp cao lần này sẽ được tổ chức với chủ đề "Tăng cường vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Campuchia, Lào,Việt Nam”. Trong đó, hội nghị sẽ đi sâu nghiên cứu và thảo luận ba lĩnh vực hợp tác gồm: hợp tác về chính trị - đối ngoại; hợp tác về kinh tế, văn hóa - xã hội và hợp tác quốc phòng - an ninh.
Theo Phó Chủ tịch, Quốc hội ba nước cần làm gì để tăng cường hợp tác giữa nhà nước và quốc hội trong việc thúc đẩy liên kết kinh tế Campuchia-Lào-Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm?
Để tăng cường hợp tác thúc đẩy hội nhập kinh tế Campuchia-Lào-Việt Nam, đạt được theo chiến lược phát triển bền vững, theo tôi, trong thời gian tới chúng ta nên tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội ba nước bằng cách tập trung vào một số vấn đề sau: (1) Cùng nhau thúc đẩy triển khai nhiều hiệp định, chương trình, dự án hợp tác mà chính phủ ba nước đã ký kết cũng như các hiệp định đa phương mà ba nước là thành viên; (2) Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch và các lĩnh vực khác có tiềm năng; Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản; xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan một cách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao thương, giao lưu nhân dân, nhằm tăng cường tình đoàn kết, hỗ trợ giữa nhân dân ba nước; (3) Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác công tác quốc phòng-an ninh, bảo đảm biên giới là biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển bền vững; (4) Tiếp tục thúc đẩy các đại biểu Quốc hội tại các tỉnh trong Khu vực Tam giác phát triển trao đổi ý kiến, theo dõi, tổng hợp những vấn đề tồn đọng, cấp bách, trình Quốc hội và Chính phủ ba nước giải quyết; (5) Thành lập Ủy ban hữu nghị quốc hội cấp địa phương trong Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, thông qua việc thay phiên nhau chủ trì các cuộc họp hằng năm để kiểm điểm việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong khu vực; (6) Thúc đẩy trao đổi chuyến thăm của lãnh đạo các cấp cơ quan chính phủ, cơ quan lập pháp, nhằm đưa Khu vực Tam giác phát triển trở thành khu vực hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển bền vững.
Như chúng ta đã biết, Quốc hội là cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích của nhân dân, chính vì vậy nội dung mà hội nghị cấp cao lần này sẽ thảo luận rất quan trọng bởi ba quốc hội sẽ đại diện cho người dân ba nước tiếp tục thúc đẩy việc tổ chức thực hiện các thỏa thuận mà chính phủ ba nước đã ký với nhau, sao cho đem lại hiệu quả cao nhất.
Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội.