Cán bộ Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã Đa Phúc (Yên Thủy) ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Đăng Khoa, Trưởng phòng Nội vụ huyện Cao Phong cho biết: Được UBND huyện giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực tham mưu công tác CCHC, ngay từ đầu năm, Phòng Nội vụ đã phối hợp các cơ quan chuyên môn, đôn đốc UBND các xã, thị trấn triển khai, duy trì thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch CCHC năm 2024; quyết định xếp hạng chỉ số CCHC các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn; thẩm định hồ sơ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với 12 cơ quan chuyên môn, 4 đơn vị sự nghiệp và 10 đơn vị xã, thị trấn. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng, đăng ký nhiệm vụ trọng tâm năm 2024... Đến thời điểm này, các nhiệm vụ trọng tâm CCHC trong quý I/2024 của huyện đã cơ bản hoàn thành.
Trong quý I/2024, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 32 quyết định công bố 205 TTHC, trong đó, công bố mới 46 TTHC; sửa đổi, bổ sung 149 TTHC; bãi bỏ, hủy bỏ 10 TTHC. Tính đến ngày 15/3/2024, UBND tỉnh tiếp nhận 24 phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định TTHC, hành vi hành chính. Sau khi nghiên cứu, Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chuyển các phản ánh, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền xử lý. Kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị của các đơn vị, địa phương đều được cập nhật, đăng tải công khai, kịp thời trên hệ thống phản ánh, kiến nghị - Cổng Dịch vụ công quốc gia theo quy định. 100% TTHC thuộc phạm vi quản lý của địa phương được công bố, công khai kịp thời, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên địa bàn toàn tỉnh đạt 99,34%.
Thực hiện xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, Cổng thông tin điện tử tỉnh và trang thông tin điện tử thành phần thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin theo đúng quy định. Quý I, tổng số tiếp nhận 54.156 hồ sơ TTHC, đang giải quyết 4.445 hồ sơ, đã giải quyết 49.711 hồ sơ. Trong đó, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận 20.792 hồ sơ, đang giải quyết 3.325 hồ sơ, đã giải quyết 17.467 hồ sơ. Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã tiếp nhận 33.364 hồ sơ, đang giải quyết 1.120 hồ sơ, đã giải quyết 32.244 hồ sơ.
Toàn tỉnh có 19/19 sở, ban, ngành, 10/10 UBND cấp huyện thực hiện quy trình về soạn thảo, trình duyệt và gửi chế độ báo cáo định kỳ tới cơ quan tiếp nhận, tổng hợp. 100% UBND cấp huyện triển khai Hệ thống phòng họp không giấy tờ tại địa phương, đảm bảo mục tiêu phục vụ tốt công tác triển khai cuộc họp nhanh chóng, tiết kiệm chi phí in ấn tài liệu, giúp hiện đại hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước... UBND tỉnh phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng quy định, kịp tiến độ được giao. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sự nghiệp, nhất là trong các hoạt động liên doanh, liên kết, dịch vụ sự nghiệp công có điều kiện xã hội hóa cao, tạo thêm nguồn thu cho đơn vị, được huy động vốn, vay vốn, chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc huy động vốn, vay vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật...
Theo kết quả của Cổng Dịch vụ công quốc gia, điểm đánh giá Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công của tỉnh Hòa Bình đạt 72,49/100 điểm, đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố, xếp hạng khá. Về tỷ lệ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị toàn tỉnh đạt 100%; tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết TTHC đạt 94,34%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác CCHC của tỉnh còn những khó khăn như: Việc liên thông, kết nối, tích hợp, đồng bộ dữ liệu hồ sơ, TTHC giữa các phần mềm quản lý chuyên ngành của một số bộ, ngành với Hệ thống thông tin giải quyết của tỉnh còn chậm, dẫn tới cán bộ, công chức, viên chức Bộ phận một cửa các cấp phải nhập hồ sơ TTHC trên nhiều hệ thống cùng lúc gây lãng phí thời gian, chi phí nguồn lực, giảm năng suất lao động. Một số bộ, ngành Trung ương chậm công bố, công khai TTHC hoặc công khai nhưng chưa đầy đủ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia, ảnh hưởng đến việc công bố, công khai TTHC tại địa phương...
UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; kế hoạch CCHC tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch CCHC năm 2024, phấn đấu đạt mục tiêu chỉ số CCHC của tỉnh được xếp hạng ở mức bình quân chung so với 63 tỉnh, thành trong cả nước. Theo đó, đẩy mạnh cải cách TTHC, kiểm soát TTHC; xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện kịp thời, có hiệu quả các quy định của Trung ương và của tỉnh về cải cách TTHC, kiểm soát TTHC. Phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh. Tích cực theo dõi, đôn đốc các đơn vị, địa phương công bố, công khai TTHC, địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị; tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC đảm bảo thời gian, yêu cầu quy định. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác CCHC, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân.
Hương Lan
Hội Cựu Công an nhân dân (CAND) huyện Cao Phong vừa tổ chức Đại hội thành lập Hội nhiệm kỳ 2024 - 2029.
LTS: Có niềm vui, sự hứng khởi, có lòng say mê, nhiệt huyết và cả sự can trường, sẵn sàng dấn thân của người làm báo… để xây dựng nên những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở của cuộc sống đến với độc giả, khán thính giả. Đó là những điều đang có, đang tồn tại dưới "mái nhà chung” của người làm báo Hòa Bình - Hội Nhà báo (HNB) tỉnh Hòa Bình. Kết quả này được kiến tạo bởi tâm huyết của những người làm công tác Hội và sự góp sức tích cực của các hội viên nhà báo vì mục tiêu xây dựng HNB tỉnh Hòa Bình ngày càng vững mạnh. Nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập HNB Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2024), Người làm báo Hòa Bình (NLBHB) có cuộc phỏng vấn nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên BCH HNB Việt Nam, Chủ tịch HNB tỉnh Hòa Bình, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!