Cán bộ Ban Tiếp công dân tỉnh thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Người đứng đầu "vì dân”
Xác định "nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết KNTC, kiến nghị của công dân là một trong những vấn đề trọng tâm, then chốt theo tinh thần Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc TCD, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh luôn quan tâm duy trì kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động TCD, giải quyết KNTC. Hàng tháng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì buổi TCD định kỳ. Thông qua đó, nhiều vụ việc KNTC phức tạp, đông người được giải quyết một cách rốt ráo, triệt để, trên tinh thần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và đúng với quy định của pháp luật.
Điển hình là vụ việc giải quyết nguyện vọng chính đáng của 1.700 hộ dân nguyên là cán bộ, công nhân Nông trường Sông Bôi (NTSB) tại huyện Lạc Thủy đề nghị Nhà nước không thu tiền sử dụng đất (SDĐ) khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Trong quá trình làm thủ tục để cấp GCNQSDĐ, các hộ dân thuộc 7 xã của huyện Lạc Thủy nguyên là công nhân NTSB gặp một số vướng mắc. Theo đó, thực hiện công tác quản lý đất do NTSB bàn giao lại, UBND huyện Lạc Thủy đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã có đất nông trường thực hiện kê khai, chỉ mốc ranh giới theo hiện trạng SDĐ để đo đạc, lập hồ sơ địa chính, tổ chức xét duyệt cấp GCNQSDĐ cho các hộ là công nhân NTSB tại các xã: Phú Thành, Hưng Thi, Liên Hòa (nay là xã Thống Nhất), Phú Lão - Cố Nghĩa (nay là xã Phú Nghĩa), Lạc Long (nay là thị trấn Chi Nê) và Đồng Tâm. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp một số vướng mắc liên quan đến thủ tục, chính sách.
Tại Nghị định số 120/2010/NĐ-CP, ngày 30/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 198/2004/NĐ-CP, ngày 3/12/2004 của Chính phủ về thu tiền SDĐ (được thay thế bởi Nghị định số 45/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền SDĐ), trong đó nêu rõ: Khi các hộ được cấp GCNQSDĐ ở thì phải thực hiện nghĩa vụ tài chính”, dẫn đến vướng mắc đối với những hộ đã SDĐ trước ngày 15/10/1993 không vi phạm Luật Đất đai. Qua đối chiếu những quy định tại nghị định trên chưa phù hợp với thực tế SDĐ, chưa đảm bảo công bằng đối với đối tượng SDĐ là công nhân NTSB. Đây là nguyên nhân dẫn đến tồn tại, vướng mắc trong công tác cấp GCNQSDĐ ở khi các hộ làm thủ tục cấp GCNQSDĐ vẫn phải nộp tiền SDĐ bằng 40% giá trị hạng đất. Trong khi đó, ở Nông trường Thanh Hà (Lạc Thủy), Nông trường 2/9 (Yên Thủy), các hộ là công nhân nông trường đều đã được cấp GCNQSDĐ mà không phải nộp tiền SDĐ.
Từ việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư kiến nghị thông qua công tác TCD. Với tinh thần giải quyết rốt ráo, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tích cực tham gia, đồng hành cùng người dân trong việc kiến nghị, đề nghị giải quyết, tháo gỡ vấn đề từ các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Nhờ đó, vấn đề được tháo gỡ, giải quyết. Đến nay, các hộ thuộc NTSB đã được hưởng đúng chính sách, không phải nộp tiền SDĐ theo quy định.
Xây dựng phong cách làm việc "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh không ngừng đổi mới hoạt động, xây dựng chính quyền hành động, liêm chính, thực sự "vì nhân dân phục vụ”. Đặc biệt, từng bước xây dựng đội ngũ CBCCVC có phong cách làm việc "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Tinh thần đó được thể hiện rõ nét qua những việc làm, hành động cụ thể, nhất là trong công tác TCD, giải quyết KNTC.
Như tại hội nghị TCD thường kỳ tháng 4/2024, bằng tinh thần cầu thị, thái độ "trọng dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”, 2 trong nhiều vụ việc đơn thư, KNTC kéo dài của công dân Bùi Thị Phượng, trú tại tổ 12, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất làm tuyến đường tránh quốc lộ 6 và công dân Nguyễn Quốc Ân, trú tại tổ 12, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) tố cáo cán bộ trong quá trình giải quyết vụ án hành chính có hành vi vi phạm pháp luật, đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh lắng nghe, giải quyết dứt điểm. Các công dân đồng tình, thống nhất với kết quả giải quyết.
Ngay tại hội nghị, với tinh thần cầu thị, trọng dân, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp cảm ơn công dân. Bởi "thông qua nội dung kiến nghị, tố cáo của công dân đã giúp tỉnh có thêm những thông tin, góc nhìn đa chiều về công tác cán bộ các cấp của tỉnh hiện nay”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ. Đồng thời, những ý kiến đóng góp của công dân liên quan đến công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ sẽ là cơ sở để tỉnh rút ra những bài học kinh nghiệm từ công tác quản lý cán bộ, công tác TCD... "Tới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện công tác đối thoại, TCD, tránh để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người. Bởi nếu làm tốt công tác đối thoại, TCD, giải quyết KNTC ngay từ cơ sở thì sẽ hạn chế, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài của công dân”, đồng chí Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.
Giải quyết tốt vụ việc, củng cố lòng tin của công dân
Với tinh thần cầu thị, xây dựng phong cách làm việc "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, trong những năm qua, công tác TCD, giải quyết KNTC của cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Việc thực hiện các quy định của Luật TCD, Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác TCD, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân được các cấp, ngành của tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực; nâng cao trách nhiệm TCD định kỳ của người đứng đầu các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện TCD định kỳ 1 ngày/tháng; Chủ tịch UBND cấp huyện TCD định kỳ 2 ngày/tháng; Chủ tịch UBND cấp xã TCD 1 ngày/tuần; Giám đốc các sở, ban, ngành TCD định kỳ từ 1 - 2 ngày/tháng. Lịch TCD định kỳ của Chủ tịch UBND các cấp, Giám đốc các sở và Thủ trưởng các ban, ngành được niêm yết công khai tại nơi TCD và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Các buổi TCD định kỳ của Chủ tịch UBND các cấp gắn liền với việc giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh, nhất là những vụ việc đông người, nổi cộm, phức tạp, kéo dài, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị...
Quá trình TCD, giải quyết KNTC, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp chỉ đạo làm rõ nội dung, nguyên nhân, xem xét toàn diện các khía cạnh pháp lý; yêu cầu các sở, ngành, địa phương, phòng, ban rà soát kỹ toàn bộ vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc; xem xét thấu đáo, giải quyết tận gốc vấn đề trên tinh thần đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người dân và đúng quy định hiện hành, thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ... Qua đó, nhiều vụ việc được chỉ đạo giải quyết dứt điểm; nhiều sai phạm được phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời; các vụ việc giải quyết có tình, có lý, nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Điển hình như việc đối thoại, giải quyết đơn kiến nghị của 170 hộ dân tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) liên quan đến việc xây dựng các công trình văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình kéo dài trong nhiều năm qua, gây ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân. Kết quả giải quyết "chỉ giao cho Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh diện tích đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình” của đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh trong cuộc họp ngày 8/5/2024 được người dân và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đồng tình, nhất trí.
Với phương châm giải quyết KNTC, phản ánh, kiến nghị của công dân tuân thủ đúng quy định pháp luật, giải quyết triệt để kiến nghị, sau mỗi buổi TCD của Chủ tịch UBND các cấp đều ban hành thông báo kết luận và chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết đối với từng vụ việc. Tính từ tháng 10/2022 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh TCD trực tiếp 16/18 kỳ, đạt 88,9%; Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp TCD 353/356 kỳ, đạt 99,44%; Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp TCD 10.661/10.767 kỳ, đạt 98,7%. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, Ban TCD của tỉnh đã tiếp nhận, phân loại và báo cáo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh xử lý 119 đơn thư (24 đơn khiếu nại; 19 đơn tố cáo; 76 đơn kiến nghị, phản ánh). Các đơn thư, KNTC, kiến nghị, phản ánh được xử lý kịp thời theo quy định pháp luật. Nhờ vậy, nhiều vụ việc KNTC phức tạp, nổi cộm, kéo dài đã được giải quyết. Thông qua việc làm tốt công tác TCD, giải quyết KNTC ngay từ cơ sở, nhiều vụ việc, bức xúc trong nhân dân được kịp thời giải quyết ngay từ xóm, khu dân cư...
Từ sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong giải quyết kiến nghị của công dân; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với tinh thần "vì dân” trong công tác TCD, giải quyết KNTC đã tiếp tục củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh; từ đó tạo đồng thuận toàn dân trong giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mạnh Hùng
* Nhóm ý kiến:
Các cơ quan hành chính nghiêm túc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Thủ trưởng các cơ quan hành chính đã nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định về công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC); thực hiện nghiêm túc Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác TCD, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Luật TCD, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Qua đó đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao trách nhiệm TCD, giải quyết KNTC. Đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc TCD định kỳ; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hành chính với Sở Tư pháp, giữa các sở, ban, ngành tỉnh với địa phương trong công tác TCD, giải quyết KNTC. Nhiều vụ việc gây bức xúc trong nhân dân, dư luận quan tâm đã được xử lý, giải quyết kịp thời, nghiêm minh, khách quan, đúng quy định pháp luật, thấu tình, đạt lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Vũ Thế Cương
Phó trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh
Cấp ủy, chính quyền luôn gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân
Tiếp xúc, đối thoại với nhân dân là kênh tuyên truyền, vận động quần chúng hiệu quả nhất trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Những năm qua, huyện Mai Châu luôn xác định việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân có vị trí, vai trò quan trọng, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, đồng thời tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, phát huy và mở rộng quyền làm chủ của nhân dân.
Trên cơ sở đó, để công tác tiếp xúc, đối thoại có chiều sâu và mang lại hiệu quả cao trên các lĩnh vực, hàng năm, cấp ủy huyện triển khai nghiêm túc quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân. Thực hiện nghiêm các quyết định, quy chế của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tổ chức tiếp công dân, đối thoại định kỳ phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân và dư luận xã hội.
Thường trực Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, đề xuất của nhân dân, từ đó kịp thời giải quyết, hạn chế tối đa tình trạng bức xúc, đơn thư, khiếu nại vượt cấp.
Phạm Tiến Lâm
Trưởng Ban Tiếp công dân, UBND huyện Mai Châu