Góp ý vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sáng 29/10 tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đề nghị, cần có các chính sách thuế hỗ trợ phát triển ngành phân bón theo hướng phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa các sắc thuế trực thu và gián thu trong hệ thống thuế như: Thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp.


Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình phát biểu thảo luận tại hội trường.

Áp dụng thuế suất 5% với mặt hàng phân bón

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cho biết, liên quan đến nội dung còn có ý kiến khác nhau về chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tổ chức khảo sát, làm việc với các cơ quan liên quan của tỉnh và thống nhất với đề xuất của Chính phủ.

Phân bón là vật tư nông nghiệp quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp, chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt, trong khi ngành trồng trọt chiếm 64 - 68% trong tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.

Theo đại biểu, thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với nhóm mặt hàng phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế GTGT số 71/2014/QH13, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế đã tác động rất lớn đối với ngành sản xuất phân bón trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế giá trị gia tăng của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Điều này không chỉ khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm, mà còn cản trở doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ phân bón thế hệ mới, hướng tới sản xuất xanh, bền vững. Trong khi đó, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế GTGT đầu vào.

Đặc biệt trong giai đoạn cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới giai đoạn 2015-2020 (trước thời điểm dịch Covid-19), giá phân bón trên thị trường thế giới giảm mạnh, làm giá thành phân bón sản xuất trong nước không thể cạnh tranh với giá nhập khẩu, các doanh nghiệp trong nước đều tăng trưởng âm, một số đơn vị lỗ, nguy cơ phá sản.

Nếu việc sửa Luật Thuế GTGT lần này không khắc phục bất cập trên thì ngành sản xuất phân bón trong nước tiếp tục phải chịu sự phân biệt đối xử so với tất cả các ngành sản xuất khác khi bị nằm ngoài phạm vi áp dụng thuế GTGT và có rủi ro bị quay lại tình trạng suy giảm và ngừng sản xuất như giai đoạn 2015-2020. Khi mặt hàng phân bón được áp thuế VAT đầu ra, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào, từ đó giảm áp lực khi đầu tư… Do đó, nếu chuyển đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón từ diện miễn thuế sang áp dụng thuế suất sẽ có lợi cho cả 3 nhà (Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân), giảm sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu.

Các nước trên thế giới đều áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với ngành phân bón. Ví dụ, Trung Quốc là quốc gia sản xuất và tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới hiện đang áp dụng thuế giá trị gia tăng ở mức 11% với phân bón. Nước này cũng ban hành một số chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, phân vi sinh, phân bón thân thiện với môi trường và những doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển hoặc sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Tương tự, tại Nga - nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới cũng đang áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với ngành phân bón nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.

Ngành phân bón đóng vai trò rất quan trọng trong nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp. Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã được đề ra tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: "Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí, chế tạo, luyện kim, hoá chất, phân bón, vật liệu...”.  Do vậy, cần có các chính sách thuế hỗ trợ phát triển ngành phân bón theo hướng phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa các sắc thuế trực thu và gián thu trong hệ thống thuế như: Thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trường hợp tiếp tục giữ phân bón trong diện không chịu thuế GTGT như hiện hành, các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón tiếp tục là đối tượng được hưởng lợi từ việc phân bón không chịu thuế GTGT tính từ thời điểm sửa Luật số 71/2014/QH13; đối tượng bị ảnh hưởng là tất cả các doanh nghiệp trong ngành sản xuất phân bón trong nước, ngành này có thể bị thu hẹp dần và thay thế bằng phân bón nhập khẩu; khu vực nông nghiệp về lâu dài sẽ phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu và khó có thể thực hiện mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Làm rõ việc xử lý đối với các trường hợp chịu thuế khác nhau

Đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo làm rõ hơn quy định tại Khoản 3, Điều 15 dự thảo Luật về hoàn thuế giá trị gia tăng: "Cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất giá trị gia tăng 5% (trừ hoạt động thanh lý tài sản) nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết từ ba trăm triệu đồng trở lên sau 12 tháng liên tục hoặc 4 quý liên tục thì được hoàn thuế giá trị gia tăng”.

Theo quy định này, trường hợp các đơn vị sản xuất có cả hàng hóa chịu thuế suất 5% và hàng hóa khác chịu thuế suất 10%, thuế giá trị gia tăng nguyên liệu đầu vào đều thuế suất 10%, doanh thu chủ yếu từ các mặt hàng chịu thuế suất 5%, doanh nghiệp sẽ không thể khấu trừ hết số thuế giá trị gia tăng nguyên liệu đầu vào 10% hàng năm và không được hoàn thuế. Theo đó, số thuế giá trị gia tăng được khấu trừ tăng dần qua các năm, gây khó khăn và ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp do không được hoàn thuế.


Bùi Hiển
 (Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh )

Các tin khác


Thẩm tra dự thảo Nghị quyết quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số 

Chiều 28/10, Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) tổ chức hội nghị thẩm tra dự thảo Nghị quyết quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống trên địa bàn tỉnh trình tại Kỳ họp thứ 22 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh khoá XVII. Đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) chủ trì hội nghị. 

Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên tại huyện Mai Châu

Ngày 28/10, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh do đồng chí Bùi Văn Luyến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên tại huyện Mai Châu.    

Chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường kết nối chặt chẽ hai nền kinh tế Việt Nam và UAE

Sáng 28/10, theo giờ địa phương, tại thủ đô Abu Dhabi, nhân dịp thăm chính thức Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Kinh tế UAE Abdulla Bin Touq Al Marri.

Thông báo tổ chức Kỳ họp thứ 22, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

HĐND tỉnh ban hành Thông báo số 353/TB-HĐND về việc tổ chức Kỳ họp thứ 22 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 và Danh mục các nội dung trình tại kỳ họp. 

Liên đoàn Lao động huyện Đà Bắc: Tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước

Cùng với công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động (NLĐ), Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đà Bắc chú trọng thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua (PTTĐ) yêu nước. Từ đó phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trong lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh các tập đoàn UAE hợp tác đầu tư tại Việt Nam

Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), chiều 27/10, theo giờ địa phương, tại Thủ đô Abu Dhabi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của UAE trong lĩnh vực phát triển và quản lý hạ tầng, cảng biển, logistics, khu công nghiệp gồm: Ông Tamer Wagih Salem, Chủ tịch Tập đoàn Prime; ông Mohamed Juma Al Shamisi, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Cảng Abu Dhabi; ông Neils De Bruijn, Giám đốc Tập đoàn NDMC; ông Khaled Al Shemeili, Giám đốc Công ty xe Emirates.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục