Trước hiểm họa khủng khiếp nhãn tiền của sự biến đổi khí hậu trên trái đất, Tết trồng cây đã vượt xa ý nghĩa thiết thực của chuyện trồng cây gây rừng

Mùa Xuân mở đầu cho một năm bằng Tết trồng cây theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Ngẫm kỹ, việc làm ấy mang một ý nghĩa triết lý sâu sắc. Bình sinh, Bác đặc biệt coi trọng việc trồng cây. Với cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi ra, ngày ngày Bác vun gốc, tưới nước. Mùa Đông đến, Bác nhắc bện rơm cuốn quanh thân cây để chống giá lạnh. Cạnh ao cá có cây “bụt mọc” bị sâu đục thủng, cành lá héo khô dần, Bác hướng dẫn tìm cách cứu chữa, lá xanh trở lại. Bác bảo: “Cây cũng như người. Không nên thấy cây bị sâu mà đem chặt nó đi. Làm như vậy thì dễ. Điều cần hơn là phải tìm cách cứu cho cây sống lại”.


Tầm nhìn vượt xa


Tết trồng cây là đầu đề nhiều bài viết của Bác trong dịp Xuân về Tết đến. Mùa Xuân là Tết trồng cây / Để cho đất nước càng ngày càng Xuân vừa có tác động thiết thực trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, vừa tiềm ẩn một nét rất đẹp của truyền thống văn hóa VN.


Trong bài Tết trồng cây đăng trên Báo Nhân Dân ngày 28-1-1961, Bác nhắc nhở: “Khắp mọi nơi đang nhộn nhịp chuẩn bị Tết trồng cây để chào mừng một cách thiết thực ngày thành lập Đảng ta. Đó là một phong trào rất tốt”. Cũng với đầu đề Tết trồng cây đăng trên Báo Nhân Dân ngày 5-2-1969, Bác viết: “Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm, đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta”. Bác còn khẳng định: “Chúng ta phải trồng cây cho cả đồng bào miền Nam nữa”. Tết Kỷ Dậu năm ấy, cái Tết cuối cùng của mình, Bác đã đến trồng cây tại Vật Lại (Ba Vì - Hà Tây), một xã có thành tích tốt trong phong trào trồng cây, gây rừng.


Công nhân, kỹ sư Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hưởng ứng Tết trồng cây vào sáng 16-2. Ảnh: TTXVN



Với một tầm nhìn vượt xa về phía trước, Hồ Chí Minh đã thấy rõ và hiểu sâu những điều mà có thể nhiều người chưa thấy được rõ hoặc hiểu chưa sâu. Bằng tầm nhìn ấy, Người đưa ra những giải pháp rất thiết thực cho một chiến lược rất dài lâu về sự phát triển đất nước nằm trong tầm vóc mang tính thời đại.


Thì đây, trước hiểm họa khủng khiếp nhãn tiền của sự biến đổi khí hậu trên trái đất, Tết trồng cây đã vượt xa ý nghĩa thiết thực của chuyện trồng cây gây rừng. Ở đây là sự thể hiện chiều sâu nhân bản trong việc xác lập mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, môi trường sống của chính mình, là sự tôn vinh một lối sống. Sâu sắc hơn, thâm thúy hơn trong tầm cao của tư duy, đó là tôn trọng sự sống. Vì rằng, “cây cối, đó là sự sống, phải tôn trọng sự sống” – theo Lévi-Strauss, nhà khoa học lớn của thế kỷ XX. Tôn trọng cảnh quan môi trường chính là tôn trọng sự sống.


Đông Tây gặp nhau


Khi đòi hỏi phải trân trọng, giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo môi trường sống, cần hiểu rằng trong sâu thẳm của triết lý nhân sinh, tư duy của loài người từ Tây sang Đông gặp nhau ở những điểm tiệm cận trên tiến trình phát triển. Sinh thái học là một ngành triết lý và rồi trở thành một phong trào xã hội ở phương Tây, có mục đích tái lập cuộc đối thoại giữa con người với thiên nhiên, một cuộc đối thoại mà thời đại công nghiệp đã phũ phàng vứt bỏ.


Với những thảm họa khủng khiếp của bão lũ, hạn hán và nước biển dâng, ta càng hiểu sâu hơn lời cảnh báo của F. Engels từ hai thế kỷ trước về “sự trả thù của thiên nhiên” đối với đời sống con người, vì con người đã tàn phá chính cái nôi nuôi dưỡng mình. Lời cảnh báo ấy đã trở thành hiện thực, mà hội nghị thượng đỉnh bàn về vấn đề biến đổi khí hậu ở Copenhagen - Đan Mạch vừa rồi là một minh chứng.


Phải chăng đã đến lúc phải nói lên một sự thật: Nếu phương Tây phải mất 20 thế kỷ để bắt đầu nhìn thấy những vấn đề đó thì chúng vốn nằm sâu trong triết lý phương Đông, đặc biệt là trong triết lý Phật giáo. Trong căn bản triết lý ấy, tư tưởng về thiên nhiên, loài vật, chúng sinh, sự sống lại hết sức quen thuộc với tâm tưởng của người VN chúng ta. Hãy chỉ nói riêng một mệnh đề triết lý của Phật giáo: “Hết thảy chúng sinh đều có Phật tính”. Khái niệm “chúng sinh” trong đạo Phật rất rộng, con người cũng chỉ là một chúng sinh. Kinh Phật dạy: “Cây cỏ, đất đá, đồi núi, tất cả yếu tố của vũ trụ đều có Phật tính”. Tương thân, tương ái, tương kính với thiên nhiên, với chúng sinh là quan điểm xuyên suốt trong triết lý Phật giáo. Triết lý ấy, nói như GS Lê Mạnh Thát: “Mọi tồn tại chỉ tồn tại trong tương quan với những tồn tại khác. Chính quan điểm duyên sanh cơ bản này giúp người Phật giáo có một cái nhìn bao dung không những với chính mình mà còn đối với những người khác và thế giới quanh mình”.


Phải từ quan điểm cơ bản này mới hiểu được cội nguồn của nhận thức về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong truyền thống văn hóa VN. Thân người như bóng chớp, có rồi trở lại không / Như muôn cây có mùa xuân tươi tốt, đến mùa thu khô héo (Thân như điện ảnh hữu hoàn vô / Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô). Hai câu mở đầu bài Thị đệ tử của thiền sư Vạn Hạnh cho thấy không hề có sự phân cách giữa con người - một thực thể của tự nhiên - với tự nhiên. Cho nên Ngẫm và hiểu cái lý của thịnh suy lòng không sợ hãi / Vì thịnh suy nối tiếp nhau như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ (Nhậm vận thịnh suy như bố úy / Thịnh suy như lộ thảo đầu phô).                
                 

Triết lý của Thị đệ tử với chiều sâu thẳm của nó còn nhiều chuyện phải suy ngẫm. Ở đây chỉ muốn nói về mối liên hệ mật thiết giữa con người với tự nhiên, trong tư duy của ông cha ta, điều ấy như một lẽ đương nhiên chẳng phải bàn cãi. Cũng như văn học bác học, trong truyền thống dân tộc, văn học dân gian đã xác lập một mối quan hệ giữa con người với tự nhiên thật đằm thắm và cũng thật huyền ảo.
 
Trong bài ca dao quen thuộc: Trèo lên cây bưởi hái hoa / Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân..., những hoa lá, cây trái, chim vào lồng, cá cắn câu, bưởi, cà, mớ trầu cay, nụ tầm xuân xanh biếc... sao mà gần gũi, thân thiết, gắn bó với con người đến thế! Biết bao tâm sự ẩn giấu trong cây, hoa, chim, cá!


Người ta là hoa của đất


“Con người là một bộ phận của tự nhiên”, người ta đã nói nhiều, rất nhiều và thường xuyên trích dẫn K. Marx nhưng hình như ít ai chú ý đến luận điểm này của ông. Trong bối cảnh của hiểm họa môi trường do chính con người gây ra, có lẽ người ta sẽ hiểu hơn về luận điểm thiên tài đó và nếu cập nhật với tình hình hiện nay thì phải chăng đó là một luận điểm mang tính cảnh báo?


Ấy vậy mà, còn hơn cả một sự cảnh báo, trong truyền thống văn hóa VN, điều này đạt tới một triết lý sống được diễn đạt một cách dung dị trong câu tục ngữ rất quen thuộc Người ta là hoa của đất. Con người là sản phẩm đẹp nhất của tạo hóa, là “hoa của đất”. Ở đây không chỉ ẩn giấu một lý tưởng thẩm mỹ về cái đẹp mà còn thấm đẫm tính nhân văn. Nếu tự nhiên - xã hội - con người là thể hoàn chỉnh hợp thành thế giới của con người thì trong thể hoàn chỉnh ấy, con người được đặt vào vị trí trung tâm và trên một ý nghĩa nào đó, là lý do tồn tại của thể hoàn chỉnh ấy.


Cũng chính vì thế, lý tưởng thẩm mỹ ấy, tinh thần nhân văn ấy còn mang tính hiện đại. Hiện đại trong chủ đề thời sự nóng bỏng về môi trường và bảo vệ môi trường đang chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong suy tư của cả thế giới. Rõ ràng, khi khẳng định một cách hình tượng con người là “hoa của đất” chính là sự khẳng định mối quan hệ không thể tách rời giữa con người với thiên nhiên, với môi trường sống của mình. Chân lý thật cụ thể và cũng thật đơn giản, nhưng nhận cho ra cái cụ thể, đơn giản ấy quả thật không dễ. “Cây cối, đó là sự sống, phải tôn trọng sự sống”, ý tưởng tuyệt vời của Lévi Strauss được thực hiện thật là nhuần nhuyễn, sống động.


Vậy mà, điều cần nói ở đây chính là sự tôn trọng ấy đã có từ xa xưa trong lịch sử văn hóa VN. Hãy đọc chiếu chỉ của Lý Nhân Tông mà Đại Việt Sử ký toàn thư, Kỷ Nhà Lý đã chép: Năm Bính Ngọ (1125), nhà vua xuống chiếu “Cấm dân chúng mùa Xuân không được chặt cây”. Nhắc lại điều này, GS Cao Huy Thuần bình luận: “Chặt cây cối trong mùa Xuân là kết án tử hình sự sống! Chặt cây cối trong mùa Xuân là kết án tử hình mùa Xuân. Chưa bao giờ chân lý, thiện và mỹ được nâng cao lên đến mức ấy”. Phải chăng, từ nội dung chiếu chỉ của vua Lý Nhân Tông,  triết lý “tương thân, tương ái, tương kính với thiên nhiên”, một quan điểm xuyên suốt trong triết lý Phật giáo, đã thể hiện rất cụ thể?


Từ những điều vừa nêu, ta càng hiểu sâu hơn tầm vóc của lời kêu gọi Tết trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng, biến thành một tập quán tốt đẹp, vừa kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa nâng lên trong ý nghĩa rộng lớn mang tính thời đại. Vậy hãy mở đầu năm Canh Dần bằng một Tết trồng cây thật thiết thực và hiệu quả!


Bản sắc Huế


Ở nhiều lĩnh vực khác của đời sống dân tộc, quan hệ giữa con người với tự nhiên cũng thể hiện rất đậm nét. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã bình một vấn đề rất riêng và khá tế nhị về “bản sắc Huế”, một hình ảnh sống động về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên thật đằm thắm và cũng thật huyền ảo:  “Có lẽ thiên nhiên đã giữ một vai trò nào đó, thực quan trọng trong sự tổng hợp nên cái mà người ta có thể gọi là “bản sắc Huế”.
 
Bởi vì thiên nhiên bao giờ cũng biểu hiện một cách nhất quán giữa cái hằng cửu và cái biến dịch, giữa cái biến động và cái tĩnh tại. Hình như khi xây dựng nên đô thị của mình, người Huế không bộc lộ cái ham muốn chế ngự thiên nhiên theo cách người Hy Lạp và người La Mã, mà chỉ tìm cách tổ chức thiên nhiên trở thành một kẻ có văn hóa để có thể tham dự một cách hài hòa vào cuộc sống của con người...” (Ai đã đặt tên cho dòng sông).


Phải chăng, cần hiểu “tổ chức thiên nhiên trở thành một kẻ có văn hóa” theo ý nghĩa là con người nhìn ngắm bản thân mình trong sản phẩm do mình tạo ra. Do đó mà trân trọng giữ gìn để biết cách thích nghi và khai thác một cách có văn hóa sức mạnh và vẻ đẹp của thiên nhiên. Như vậy chính là làm cho thiên nhiên “tham dự một cách hài hòa vào cuộc sống của con người”. Làm như thế chính là cách xác lập một quan hệ mật thiết giữa con người với thiên nhiên, môi trường sống của chính mình.
 
Trong mối quan hệ ấy, con người “là một bộ phận của tự nhiên”. Đây lại chính là ý tưởng của K. Marx đưa ra cách đây hai thế kỷ: “Sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người liên hệ khăng khít với tự nhiên, điều đó chẳng qua chỉ có nghĩa là tự nhiên liên hệ khăng khít với bản thân tự nhiên, vì con người là một bộ phận của tự nhiên”.

 

                                                                         Theo NLĐ

Các tin khác

Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh dâng hương
tưởng niệm Bác Hồ tại Khu di tích
Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Không có hình ảnh

Bí thư Thành ủy TPHCM LÊ THANH HẢI: TPHCM góp phần cùng cả nước phục hồi và tăng trưởng kinh tế

“Một năm đầy thử thách do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng là một năm TPHCM cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”- đồng chí LÊ THANH HẢI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ niềm vui với bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng nhân một mùa xuân mới lại về

Những bóng hồng trong cuộc đời tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn

Cuộc đời của cố Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, “điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn luôn gắn kết với những người phụ nữ mà ông hằng yêu thương, chịu ơn họ

Cả nước tưng bừng chào đón mùa Xuân mới

Hàng vạn người dân hội tụ bên hồ Hoàn Kếm (Hà Nội), bên đường hoa Nguyễn Huệ (TP. Hồ Chí Minh), bên dòng sông Hàn thơ mộng (Đà Nẵng) và nơi trung tâm các thành phố trên cả nước chào đón thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ và năm mới dưới bầu trời rực rỡ muôn hồng ngàn tía ánh sáng pháo hoa mừng Năm mới Canh Dần với những ước vọng đẹp đẽ .

Lãnh đạo tỉnh thăm và chúc Tết một số cơ quan, đơn vị, LLVT thực hiện nhiệm vụ trong dịp Tết

(HBĐT) - Nhân dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc, sáng ngày 12/2 (tức ngày 29 Tết), các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đi thăm, chúc tết, tặng quà một số cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần 2010.

Đổi thay trên quê hương Lạc Thủy

(HBĐT) - Năm 2009 đã đi qua với nhiều nhiều khó khăn, thách thức về nhiều mặt, nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, sự quyết tâm của các cấp các ngành, các đoàn thể, sự lao động cần cù, nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc huyện Lạc Thủy, nên nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện thực hiện đạt được những thành tựu quan trọng.

Thịnh Lang Anh hùng đón mùa xuân mới

(HBĐT) - Phường Thịnh Lang, TP Hoà Bình vào xuân thật rực rỡ và tràn đầy sức sống. Cờ đỏ, sao vàng phấp phới tung bay trên mỗi nếp nhà, trên từng ngõ phố phong quang, sạch sẽ. Ánh đèn cao áp lung linh toả ánh vàng, dẫn lối cho dòng người tấp nập đi sắm Tết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục