Các Đại biểu Quốc Hội thảo luận tại hội trường.

Các Đại biểu Quốc Hội thảo luận tại hội trường.

Ngày 9-6, buổi sáng, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011; buổi chiều các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Từng bước nâng cao chất lượng xây dựng luật


Các đại biểu QH đã thảo luận về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 cũng như các biện pháp bảo đảm thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011. Các ý kiến phát biểu đều nhất trí với những nhận xét, đánh giá trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về những khiếm khuyết hiện nay như tình trạng nể nang, bị động và chất lượng hoạt động của Ban soạn thảo chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều đại biểu cho rằng, xây dựng pháp luật là công việc hết sức khó khăn trong điều kiện nước ta hiện nay khi diễn ra quá trình chuyển đổi kinh tế, nhiều vấn đề mới, nhất là đội ngũ chuyên gia còn thiếu và yếu.


Một số đại biểu nhấn mạnh, thời gian qua, việc đề xuất chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm chưa sát với thực tế, một số bộ được giao chủ trì soạn thảo quá nhiều dự án và trong quá trình soạn thảo có lúc, có nơi còn nặng về bảo vệ lợi ích của bộ, ngành mình, đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của dự thảo...


Các đại biểu Ðinh Xuân Thảo (Kiên Giang), Lê Thị Dung (An Giang)... cho rằng, khi đưa vào chương trình cần lựa chọn những vấn đề quan trọng và cấp bách đồng thời phải chuẩn bị tốt mới đưa vào chương trình, không phải cứ đưa vào chương trình rồi mới bắt đầu chuẩn bị. Những dự án đang thuộc chương trình chuẩn bị cũng phải chuẩn bị tốt như chương trình chính thức, để sẵn sàng đưa vào chương trình chính thức khi rút dự án nào đó từ chương trình chính thức ra.


Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, nhiều đại biểu tán thành việc đưa nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 liên quan trực tiếp tới tổ chức bộ máy nhà nước. Các đại biểu Dương Ngọc Ngưu (Thanh Hóa), Ðặng Văn Khanh (TP Hà Nội), Phạm Phương Thảo (TP Hồ Chí Minh) nêu, đối với kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII, ngoài các dự án luật đã được dự kiến, đề nghị QH cho ý kiến hoặc thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992. Bởi vì các quy định của Hiến pháp có liên quan nhiều đến việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật về tổ chức các cơ quan của Nhà nước và các đạo luật có liên quan, làm cơ sở cho việc sửa đổi các luật như Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Viện KSND, Luật Tổ chức TAND... Ðại biểu Nguyễn Ðăng Vang (Bình Ðịnh) đề nghị, về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 là chương trình chuẩn bị, nếu như có thể được đưa vào chương trình chính thức vào cuối năm nay, tức là Khóa XII kỳ họp thứ 8, phù hợp quá trình chuẩn bị năm tới sẽ tổ chức bầu cử HÐND các cấp.


Một số đại biểu khác phát biểu ý kiến nhấn mạnh vai trò của cơ quan chủ trì soạn thảo, cho rằng cần quan tâm thỏa đáng đến thành phần của Ban soạn thảo, tăng tỷ lệ các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia. Các đại biểu Ngô Ðức Mạnh (Bình Phước), Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu), Trần Việt Hưng (Hòa Bình), Nguyễn Lân Dũng  (Ðác Lắc) đề nghị cần mở rộng hơn nữa sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào việc chuẩn bị dự án luật. Bên cạnh việc huy động sự tham gia nhiều hơn của các đại biểu QH chuyên trách, cần quan tâm xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi về các lĩnh vực để giúp Ủy ban Thường vụ QH và các Ủy ban của QH về lĩnh vực này. Thời gian tới, cần tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách ở các ủy ban cũng như ở các Ðoàn đại biểu QH để phối hợp nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh.


Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ: Thời gian qua, dù còn tồn tại những bất cập, thiếu sót, hạn chế và khuyết điểm nhất định, nhưng cũng đã có nhiều dự án luật đã được QH thông qua, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố quốc phòng - an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế. Qua thảo luận, nhiều đại biểu QH đề nghị cần sớm ban hành một số đạo luật, như: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Khiếu nại, giải quyết khiếu nại; Luật Tố cáo, giải quyết tố cáo; Luật Biển Việt Nam; Luật Ðất đai; Luật Thủ đô...  Ðây là những dự án luật đã được điều chỉnh, rút ra khỏi chương trình năm nay, trong thời gian tới cần được chuẩn bị tích cực hơn để sớm đưa vào chương trình. Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ đạo Ðoàn Thư ký và các cơ quan, tổ chức hữu quan sẽ có bản báo cáo giải trình, tiếp thu cụ thể để trình Quốc hội khi thông qua chương trình này vào cuối kỳ họp.


Cần xác định rõ quyền của người tiêu dùng


Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hầu hết các đại biểu phát biểu ý kiến đồng tình với sự cần thiết ban hành luật. Thực tế, trong thời gian qua người tiêu dùng thường phải chịu sự thua thiệt khi có tranh chấp, sự xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp đối với người tiêu dùng có chiều hướng tăng dần cả về số lượng và mức độ; nhiều loại hình kinh doanh mới khó kiểm soát như kinh doanh đa cấp, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, chúng ta chưa có quy định cụ thể và chế tài đủ mạnh để giải quyết tình trạng nói trên. Mặc dù, chúng ta đã có pháp lệnh và các quy định điều chỉnh nhằm bảo vệ người tiêu dùng, nhưng chưa theo kịp thực tế, thiếu tính khả thi, khiến hiệu quả của việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp khi có phát sinh rất hạn chế.


Mặc dù là dự án luật quan trọng, có tác động trực tiếp đến đại đa số người dân, nhưng nhiều đại biểu cho rằng, dự án luật chuẩn bị còn sơ sài, chưa có độ sâu của một dự án luật. Phạm vi điều chỉnh của dự án luật chỉ nói đến trách nhiệm của tổ chức sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng mà chưa đề cập quyền của người tiêu dùng, trong khi đây là luật bảo vệ quyền lợi của chính đối tượng này. Do vậy, cần bổ sung quyền của người tiêu dùng vào phạm vi điều chỉnh của luật.


Một số đại biểu cho rằng, phạm trù người tiêu dùng rất đa dạng và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển theo nhiều loại hình, nhưng dự luật chỉ quy định trách nhiệm của người sản xuất hàng hóa một cách chung chung mà không đề cập rõ nét trách nhiệm của người bán hàng, phân phối, dịch vụ..., trong khi những loại hình này đang phát triển rất mạnh và là thành tố quan trọng trong hoạt động mua bán. Ðể luật có tính thực tiễn, dự án luật phải quy định cụ thể các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phân phối... tương ứng với những giao dịch thực tiễn, thậm chí điều chỉnh cả những hoạt động giao dịch sẽ xuất hiện tại Việt Nam trong tương lai để thật sự bảo vệ được người tiêu dùng trong những vụ việc cụ thể. Nhiều đại biểu lo ngại tính thực tế của luật liên quan đến căn cứ khởi kiện, cơ quan giải quyết tranh chấp, chế tài xử lý. Một số đại biểu nêu ý kiến, hiện nay pháp luật quy định cho phép một bộ phận cá nhân và tổ chức kinh doanh thương mại độc lập không phải đăng ký kinh doanh, thí dụ như những người bán hàng rong. Vậy, trách nhiệm của những đối tượng này đối với người tiêu dùng được xác định thế nào và khi có sự việc phát sinh sẽ xử lý theo quy định nào? Việc xác định cơ sở để khởi kiện, giải quyết tranh chấp dựa trên việc ký hợp đồng theo mẫu giữa người bán và người mua như trong dự án luật cũng là điều khó thực hiện, vì việc này không thể áp dụng được tại tất cả các giao dịch thương mại. Liên quan đến tính pháp lý của hợp đồng, một số đại biểu cho rằng, hiện nay hầu hết hợp đồng đều do người bán hàng lập sẵn theo ý chí của họ, điều này gây khó khăn và thiệt hại cho người tiêu dùng khi có tranh chấp.


Nhiều đại biểu đề nghị dự án luật phải xác định cụ thể địa vị pháp lý của Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mặc dù Hiệp hội này đã được thành lập từ lâu, nhưng vai trò rất mờ nhạt, không bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Cần xác định tổ chức này nằm ở đâu trong hệ thống pháp lý, là tổ chức xã hội hay cơ quan nhà nước. Các đại biểu đề nghị, nên xây dựng Hiệp hội là một tổ chức xã hội như mô hình các nước khác đã thực hiện, nhưng nhà nước phải đưa ra khung pháp lý, chế tài để tổ chức này hoạt động hiệu quả. Trong đó có các quyền cơ bản như đại diện cho người tiêu dùng trong khởi kiện, tranh chấp thương mại, quyền tẩy chay, kêu gọi tẩy chay những hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.


Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều luật khác như: khiếu nại, tố cáo; luật kinh tế; hành chính; dân sự; vệ sinh an toàn thực phẩm... Do vậy, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu để đưa ra quy định thống nhất, tránh chồng chéo giữa các luật, gây khó khăn khi thực hiện.
 
                                                                                  Theo Báo Nhandan


Các tin khác

Thứ trưởng Bùi Văn Nam duyệt đội danh dự Công an tỉnh
Những hộ ở vùng khó khăn xa khu dân cư điều kiện kinh tế khó khăn cần được di dân đến vùng thuận lợi
NCT xã Tây Phong tích cực tham gia các buổi họp.
Các đại biểu bỏ phiếu bầu BCH Đảng bộ xã Yên Mông nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Ngày làm việc thứ 16, kỳ họp thứ bảy, QH khoá XII Thảo luận chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh

Ngày 8-6, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng trình bày báo cáo giải trình bổ sung dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Bộ trưởng cho biết, báo cáo này được xây dựng trên cơ sở Chính phủ tiếp thu kết luận và kiến nghị của báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH, báo cáo nhanh về kết quả thảo luận ở tổ đại biểu QH của đoàn thư ký kỳ họp và ý kiến cử tri cả nước.

Đồng thuận xây dựng Lạc Thủy mang tầm vóc mới

(HBĐT) - Từ sự đoàn kết thống nhất cao, tổ chức thực hiện có kết quả các mục tiêu KT-XH, huyện Lạc Thủy luôn nằm trong tốp đầu phong trào thi đua yêu nước của tỉnh nhiều năm liền. Trong bối cảnh mới, Lạc Thủy được xác định là vùng kinh tế động lực của tỉnh. Phóng viên HBĐT đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Văn Tiệp, TUV, Bí thư huyện ủy Lạc Thủy xung quanh nội dung này.

Đồng Nghê: Gian nan bài toán thoát nghèo

(HBĐT) - Nằm cách trung tâm huyện gần 90km, Đồng Nghê là một xã đặc biệt khó khăn nhất của huyện Đà Bắc. Dịch bệnh, hạn hán, khai thác lâm sản trái phép… thường xuyên xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, tác động tiêu cực tới quá trình thoát nghèo của Đồng Nghê.

Ngày làm việc thứ 15, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII Thảo luận việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Ngày 7-6, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.

Bế mạc diễn đàn kinh tê thế giới Đông Á 2010

Ngày 7-6 tại TP Hồ Chí Minh, Diễn đàn kinh tế thế giới về Ðông Á 2010 lần thứ 19 đã kết thúc tốt đẹp.

Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng dự Triển lãm "Quốc hội Việt Nam với Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Ðông - Nam Á"

Sáng 7-6, Triển lãm "Quốc hội Việt Nam với Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Ðông - Nam Á (AIPA)" đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Bộ Quốc phòng ở Hà Nội, nơi đang diễn ra Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội Khóa XII. Ðây là hoạt động thiết thực chào mừng sự kiện Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ 2009 - 2010 và đăng cai tổ chức Ðại hội đồng AIPA-31 vào tháng 9 tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục