Đại biểu QH chất vấn các
thành viên Chính phủ.

Đại biểu QH chất vấn các thành viên Chính phủ.

Ngày 12-6, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII bước sang ngày làm việc thứ 20. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo bổ sung, giải trình trả lời chất vấn của đại biểu QH.

 

Ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế gắn giải quyết các vấn đề xã hội


Phó Thủ tướng thường trực 
Nguyễn Sinh Hùng

Mở đầu phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày báo cáo giải trình làm rõ thêm một số vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của Chính phủ và trả lời chất vấn của các đại biểu QH. Báo cáo nêu rõ: Trong khi đánh giá cao các kết quả đã đạt được trong năm 2009 và những tháng đầu năm 2010 về thực hiện mục tiêu kép là kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã phân tích về tính ổn định vững chắc của kinh tế vĩ mô. Nhận thức được điều đó, Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ hàng đầu trong chỉ đạo điều hành là phải thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Lãi suất tín dụng quá cao đang là bức xúc, là gánh nặng và làm tăng chi phí của các doanh nghiệp cần vốn sản xuất kinh doanh. Chính phủ đã và đang áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, trước hết là các biện pháp về kinh tế để giảm dần từng bước lãi suất, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, các hộ sản xuất kinh doanh có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh việc bảo đảm cung ứng kịp thời, đủ lượng tiền cho lưu thông, đồng thời phải xem xét sớm loại bỏ các rào cản không còn phù hợp để thị trường tiền tệ, trước hết là thị trường liên ngân hàng vận hành thông suốt, hiệu quả hơn. Ðồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng và an toàn của hoạt động ngân hàng. Yêu cầu giảm bội chi ngân sách Nhà nước để lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia và phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ nhằm đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập trong quá trình thảo luận. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ và địa phương triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, phấn đấu tăng thu cao hơn so với mức đã được Quốc hội thông qua và dành số tăng thu để giảm bội chi ngân sách năm 2010 xuống còn khoảng 6% GDP và sẽ phấn đấu để giảm dần trong các năm tiếp theo. 

Vấn đề quản lý chặt chẽ nợ quốc gia và nợ chính phủ cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Chính phủ tán thành ý kiến của một số đại biểu Quốc hội là khi có điều kiện và khả năng thì chúng ta cần tranh thủ các khoản vay ưu đãi để tạo bước đột phá, góp phần giải quyết nhanh ba điểm nghẽn phát triển, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là phải sử dụng các khoản vay có hiệu quả, quản lý chặt chẽ, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng và phải bảo đảm khả năng trả nợ trong dài hạn. Ðối với các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp do Chính phủ bảo lãnh hoặc Chính phủ vay về cho vay lại cũng phải tính toán kỹ hiệu quả và khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Chính phủ nhất trí với nhận định của đại biểu Quốc hội cho rằng cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng là yếu tố cơ bản quyết định sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì xây dựng Ðề án Tái cấu trúc nền kinh tế và Chính phủ đã thảo luận lần đầu tiên đề án này tại phiên họp thường kỳ tháng 2 vừa qua. Trong quá trình thảo luận, Chính phủ đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là "Ðổi mới và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế". Chính phủ cũng đã thảo luận về những nguyên tắc và giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nước ta trong 10 năm 2011 - 2020; những vấn đề này cũng sẽ được thảo luận tại Ðại hội Ðảng các cấp và tại các kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ðến nay, về cơ bản Chính phủ đã ban hành hệ thống chính sách khá đồng bộ để triển khai thực hiện Nghị quyết của Ðảng. Nhiệm vụ đặt ra là phải triển khai thực hiện tốt, hiệu quả các cơ chế, chính sách; đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục..., nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch tích cực cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động nông nghiệp, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, nhất là ở vùng nghèo và hộ nghèo. Chính phủ đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội về vấn đề phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội. Trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ luôn quán triệt và thực hiện quan điểm của Ðảng là tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Trong 8 nhóm giải pháp để thực hiện kế hoạch năm 2010 có tới 4 nhóm giải pháp để thực hiện các mục tiêu về xã hội và đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách bảo đảm an sinh xã hội, nhất là xóa đói, giảm nghèo. Bạo lực học đường, những biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh, sinh viên đang là những vấn đề gây nhiều bức xúc và lo ngại trong xã hội. Chính phủ đã chỉ đạo ngành giáo dục tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể tình trạng này, tìm nguyên nhân và đề ra các biện pháp giải quyết như tăng cường quản lý chặt chẽ dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, nhân cách, thái độ ứng xử văn hóa. Chương trình xóa đói, giảm nghèo đã được đổi mới về nội dung, thực hiện hiệu quả hơn. Tuy kết quả giảm nghèo đạt được là tích cực, nhưng thoát nghèo chưa bền vững, số liệu về hộ nghèo, hộ thoát nghèo chưa thật sát thực tế; chưa huy động đúng mức sự tham gia của người dân và cộng đồng vào việc giảm nghèo. Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng chuẩn nghèo mới và soạn thảo một chương trình giảm nghèo chung của quốc gia nhằm lồng ghép các chính sách, biện pháp, phối hợp có hiệu quả hơn giữa các chủ thể hoạt động giảm nghèo. Ðặt Chương trình giảm nghèo bền vững trong chiến lược tổng thể về an sinh xã hội hướng tới người dân. Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ những quan ngại sâu sắc về hiện trạng quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên, khoáng sản, môi trường; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém của các cơ quan quản lý, tình trạng lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả trong khai thác tài nguyên, khoáng sản và tình trạng vi phạm khá phổ biến Luật Bảo vệ môi trường. Chính phủ nhận thức rõ trách nhiệm của mình, đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để từng bước xử lý tình trạng này.

Việc nghiên cứu Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng cho biết, đã được Chính phủ đặt ra từ các nhiệm kỳ trước và đã được đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt nước ta từ năm 2002. Ðây là một dự án giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta, được chuẩn bị công phu và có thời gian triển khai, thực hiện dài, khoảng 30 năm, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và trình xin ý kiến của Quốc hội. Chính phủ nghiêm túc lắng nghe, phân tích, tổng hợp các ý kiến nhiều chiều để báo cáo chi tiết với Quốc hội. Chính phủ đề nghị Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm cho công trình được thực hiện có hiệu quả tổng hợp, toàn diện cả về kinh tế, kỹ thuật, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan, Chính phủ đã tổ chức lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong quá trình triển khai, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, tiến hành thận trọng từng bước theo đúng trình tự pháp luật và với tinh thần công khai, dân chủ, cầu thị. Bản đồ án quy hoạch đã được báo cáo xin ý kiến Thành ủy, HÐND, UBND thành phố Hà Nội, xin ý kiến đóng góp của nhân dân, của các nhà khoa học, các chuyên gia và trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này. Trong phiên thảo luận chung tại hội trường ngày 15-6 tới, Bộ trưởng Xây dựng sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo bổ sung với Quốc hội kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân và ý kiến của đại biểu Quốc hội.


Các Đại biểu Quốc hội trao đổi ý kiến trong giờ giải lao.

Tăng cường quản lý đất rừng, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn

Sau khi trình bày báo cáo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời chất vấn của các đại biểu QH. Các đại biểu: Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Vũ Quang Hải (Hưng Yên) và một số đại biểu khác cùng gửi đến Phó Thủ tướng câu hỏi về tình trạng thiếu điện dẫn đến cắt điện luân phiên thời gian qua, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất, vậy trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp để bảo đảm cung cấp điện thời gian tới như thế nào?  Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời: Ngành điện tăng trưởng nhanh nhưng vẫn thiếu điện do đầu tư vào nguồn điện chậm, quan hệ người bán là các nhà máy điện và người mua điện là Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) chưa được giải quyết thấu đáo; việc chuyển đổi sang sử dụng thiết bị tiết kiệm điện chậm; ý thức tiết kiệm điện trong sinh hoạt, công cộng kém, thất thoát trên đường dây còn ở mức cao. Ðặc biệt, dự báo của ngành điện về nhu cầu thực tế chưa chính xác. Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan nêu trên, còn có nguyên nhân khách quan do sự khắc nghiệt của thời tiết, khiến thủy điện gặp khó khăn thiếu nước. Chính phủ đã chỉ đạo tăng đầu tư của các thành phần kinh tế vào nguồn điện, tổ chức lại ngành điện, cố gắng thị trường hóa cung cấp nguồn điện, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng. Trách nhiệm bảo đảm đủ điện là của Chính phủ, Bộ Công thương và EVN. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các biện pháp để bảo đảm nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt trong thời gian tới. Từ nay đến cuối năm, phải coi bảo đảm nguồn điện là nhiệm vụ trọng tâm của ngành điện và của Bộ Công thương.

Về vấn đề quản lý đất rừng và việc cho nước ngoài thuê đất rừng như đại biểu Ngô Văn Minh nêu ra, Phó Thủ tướng khẳng định, việc quản lý đất rừng tại các địa phương thời gian qua có sự yếu kém. Chính phủ sẽ đánh giá, xem xét cả chủ trương, cơ chế đối với việc cho thuê đất rừng để có biện pháp xử lý. Chính phủ yêu cầu các địa phương dừng cấp phép đầu tư mới. Những nơi đã cấp giấy phép tạm dừng giao đất, cho thuê đất. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sẽ đánh giá cụ thể và đề xuất với Chính phủ để Chính phủ có những quyết định cần thiết. Ðối với những dự án không bảo đảm các điều kiện thực hiện sẽ rút giấy phép. Tuy nhiên, việc rút giấy phép cũng sẽ thực hiện đúng quy định của pháp luật. Chính phủ xác định đầu tư nước ngoài rất cần thiết và có những cơ chế khuyến khích để nâng cao đời sống người dân, chuyển một bộ phận nông dân thành công nhân lâm trường, chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn, nhưng Chính phủ sẽ làm thận trọng, đúng pháp luật. Ðối với những cá nhân, tập thể có vi phạm trong việc cho thuê đất rừng, khi phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Quang Hải về những giải pháp giúp người trồng lúa bảo đảm thu nhập với mức lãi suất khoảng 30% tổng thu trong khi đầu tư vào trồng lúa ngày một tăng, Phó Thủ tướng chia sẻ, giá cả tăng thời gian qua ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, nhất là nông dân nghèo. Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm từng bước bảo đảm thu nhập ổn định cho người nông dân nói chung và người trồng lúa nói riêng như tăng cường bảo đảm giá lúa gạo qua điều tiết thị trường, tăng mua dự trữ để xuất khẩu cũng như tăng cường kiểm tra thị trường các mặt hàng là đầu vào của sản xuất nông nghiệp. Thực hiện áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp trong sản xuất lúa, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng. Phó Thủ tướng cho biết, những giải pháp này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới. Liên quan tới thu nhập của nông dân, đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) đặt câu hỏi, có phải chúng ta bị động trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, gây khủng hoảng thừa, thiếu, thiệt hại cho nông dân do chính sách bất cập không? Phó Thủ tướng thừa nhận, có những lúc chúng ta bị động do chưa tính toán hết được. Về khách quan, thị trường nông sản nói chung và thị trường lúa gạo nói riêng được điều tiết theo cung cầu của thị trường. Ðặc biệt là thị trường quốc tế có quy trình rất chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ. Chính phủ đã có tính toán và đưa ra quy hoạch phát triển thị trường nông sản cũng như những biện pháp hỗ trợ nông dân, nhằm bảo đảm đời sống cho người nông dân. Hiện nay, chúng ta đã xây dựng hệ thống kho chứa lúa với sức chứa hơn    2 triệu tấn, bảo đảm tạm trữ trong mùa thu hoạch. Chính phủ cũng đang tính toán để xây dựng kho chứa cà-phê, hạt điều nhằm chủ động hơn trong khâu tiêu thụ các sản phẩm này.

Ðại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đặt câu hỏi, theo kế hoạch, đến ngày 1-7-2010 sẽ hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp (CPH) nhà nước, tuy nhiên tiến độ hiện nay rất chậm. Vậy sau ngày 1-7, những doanh nghiệp chưa chuyển đổi sẽ hoạt động theo luật nào? Việc thay đổi chính sách liên quan đến tiền tệ và lãi suất ngân hàng thời gian qua ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế? Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, tiến độ CPH thời gian qua đúng là chậm, nhưng đó là chủ trương chung. Thời gian qua có nhiều khó khăn gây bất lợi cho tiến trình CPH, do vậy nếu chúng ta làm quá nhanh, thiếu thận trọng sẽ gây thiệt hại cho Nhà nước, vì trong thời điểm khó khăn, chúng ta có thể sẽ bán rẻ tài sản Nhà nước. Do vậy, tiến độ không đúng với kế hoạch đề ra, nhưng chúng ta buộc phải làm chậm lại. Ðến thời điểm này, chúng ta có thể bắt đầu đẩy nhanh tiến độ CPH phù hợp tiến trình phát triển của nền kinh tế. Theo nhận định, đến ngày 1-7, khả năng chuyển đổi xong các doanh nghiệp nhà nước là khó, do vậy Chính phủ đang tìm biện pháp giải quyết về cơ chế hoạt động của các doanh nghiệp này, theo hướng những doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ CPH, những doanh nghiệp chưa CPH sẽ chuyển sang Công ty TNHH một thành viên, hoạt động theo luật doanh nghiệp. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, CPH doanh nghiệp đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn là biện pháp tăng vốn từ các thành phần kinh tế, làm cho các doanh nghiệp đó lớn thêm lên, tăng năng lực sản xuất, kinh doanh chứ không phải bán phần vốn của Nhà nước đi. Về các biện pháp điều tiết thị trường tiền tệ, Phó Thủ tướng cho rằng, chủ trương chung của Chính phủ trong điều hành kinh tế là nhằm tăng trưởng kinh tế, muốn vậy phải ổn định vĩ mô, trong đó thị trường tài chính tiền tệ vô cùng quan trọng, muốn phát triển kinh tế đòi hỏi sự ổn định cao về thị trường tài chính, tiền tệ. Tuy nhiên, phải ổn định phù hợp tình hình thực tế của từng thời điểm nhất định. Có lúc chúng ta dự báo chưa chuẩn, nhất là thời điểm đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng khi đã nhận biết rồi, những chỉ đạo của Chính phủ liên quan chính sách tài chính, tiền tệ cơ bản phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tế, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa  duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Ðại biểu Ðặng Như Lợi (Cà Mau) đặt câu hỏi, có phải phân cấp  trong quản lý nhà nước dẫn đến sự phân tán? Kinh tế nông thôn phát triển tự phát, nhỏ lẻ có phải do yếu kém của quản lý vĩ mô? Về vấn đề phân cấp quản lý, Phó Thủ tướng cho biết, phân cấp quản lý là nội dung quan trọng của nền hành chính quốc gia, nhằm khuyến khích sự năng động của các cấp, các ngành. Việc phân cấp luôn đi đôi với kiểm tra, giám sát, giao quyền đi đôi với giao trách nhiệm, nhằm góp phần đẩy nhanh sự nghiệp phát triển. Thời gian qua, có lĩnh vực phân cấp được thực hiện tốt, nhưng cũng có lĩnh vực phân cấp rộng quá, hướng dẫn quy định chưa chặt chẽ. Do vậy, trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần rà soát lại, sửa đổi, bổ sung các quy định để làm tốt hơn. Phó Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp trong thời gian tới. Về phát triển kinh tế nông thôn, Phó Thủ tướng cho biết, đúng là có yếu kém trong quản lý vĩ mô dẫn đến sự phát triển kinh tế nông thôn có nơi có lúc tự phát, manh mún, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, từ khi có Nghị quyết T.Ư 7 về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, công tác phát triển kinh tế nông thôn được thực hiện tốt hơn.

Ðại biểu Dương Trung Quốc (Ðồng Nai) đặt vấn đề, nguồn vốn ODA là khoản vay có điều kiện, mọi quốc gia đều cố gắng chấm dứt vay ODA và coi đó như sự khẳng định tự chủ trong phát triển kinh tế. Vậy Việt Nam đã có lộ trình để chấm dứt vay ODA chưa? Phó Thủ tướng trả lời rằng, vì mục đích phát triển kinh tế, chúng ta đã thực hiện vay ODA của nước ngoài. Theo tính toán tổng hợp thì việc vay ODA được đánh giá là có hiệu quả. Do vậy, thời gian tới chúng ta phải tranh thủ nguồn vốn ODA có hiệu quả càng dài càng tốt để phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với những vấn đề trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời một số câu hỏi của các đại biểu QH liên quan đến các biện pháp xử lý đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, lương của lãnh đạo Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)...

Nhận xét về phần trả lời chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Phó Thủ tướng đã trả lời thẳng thắn, rành mạch, đi thẳng vào vấn đề được các đại biểu quan tâm.

Dân chủ, thẳng thắn và đầy trách nhiệm

Ðánh giá sơ bộ về toàn bộ các phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, nhìn chung các phiên chất vấn thể hiện tinh thần rất nghiêm túc, có trách nhiệm, được đông đảo đại biểu và cử tri quan tâm. Ðiều này thể hiện bằng sự có mặt tương đối đầy đủ của đại biểu QH và sự tham gia của các thành viên Chính phủ liên quan các vấn đề được chất vấn. Về nội dung, có 126 lượt đại biểu QH đăng ký chất vấn, trao đổi trong đó có 88 lượt đại biểu QH đã chất vấn, trao đổi ý kiến với các thành viên Chính phủ tại hội trường. Nhìn chung, nội dung chất vấn phong phú, đề cập các mặt của đời sống xã hội, là những vấn đề nóng hổi của cuộc sống, được đông đảo cử tri quan tâm. Những điểm mới của phiên chất vấn lần này là, chất vấn được thực hiện theo nhóm vấn đề, cụ thể hơn, trọng tâm hơn, làm rõ hơn một số vấn đề như biện pháp quản lý, điều hành của Chính phủ đối với các lĩnh vực: giá cả, dự toán ngân sách, nợ Chính phủ, vấn đề thiếu điện, cho thuê đất, cơ chế chính sách đối với nông dân, công trình giao thông kém chất lượng, tình trạng lễ hội tràn lan, trò chơi điện tử thiếu quản lý. Qua chất vấn, đại biểu QH cũng thấy rõ hơn những việc Chính phủ sẽ làm thời gian tới, đặc biệt là các vấn đề vĩ mô. Không khí trong các phiên chất vấn rất thẳng thắn, dân chủ, thực chất và đầy trách nhiệm, có bước tiến trong tranh luận, tăng đối thoại hơn, nhiều Bộ trưởng tham gia hơn, cốt làm rõ những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm. Dù có những điều chưa thật trọn vẹn, chưa hoàn toàn hài lòng, nhưng các phiên chất vấn tạo không khí chân thành, đồng chí, có tác dụng tích cực làm cho không khí buổi chất vấn sôi động, hấp dẫn. Các đại biểu không những chất vấn mà còn có sự trao đổi qua lại. Phần trả lời rõ hơn, ngắn hơn, tập trung hơn, không né tránh, đùn đẩy, đưa ra được phương hướng sắp tới. Các phiên chất vấn có sự hưởng ứng tham gia cùng bình luận của cử tri, của báo chí, được dư luận quan tâm. Ðiều này cho thấy, QH ngày càng gắn bó với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Các Bộ trưởng trước khi trả lời chất vấn đều báo cáo lại việc làm nhằm thực hiện lời hứa của mình tại phiên chất vấn trước. Ðiều đó được QH rất hoan nghênh, khuyến khích. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đề nghị, sau phiên họp này, các Bộ trưởng, trưởng ngành cần thực hiện những giải pháp đã đề ra, nghiêm túc thực hiện những lời đã hứa.  Các cơ quan QH và đại biểu QH tăng cường giám sát để chất lượng của hoạt động chất vấn ngày càng cao hơn. 
 
 
                                                             Theo Báo ND
 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Nhiều hội viên Hội NCT Kỳ Sơn phát triển kinh tế từ trồng cây cảnh.

VN coi Qatar là đối tác quan trọng tại vùng Vịnh

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Qatar, đồng thời luôn coi Qatar là một đối tác quan trọng tại khu vực vùng Vịnh.

Việt Nam và Lào trao đổi kinh nghiệm về kiểm toán

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Lào, ngày 11/6, đoàn Kiểm toán Nhà nước do ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước làm trưởng đoàn đã được Thủ tướng Bousone Bouphavanh, Phó Thủ tướng thường trực Somsavad Lengsavad và Phó Chủ tịch Quốc hội Saysomphon Phomvihan tiếp.

Ngày làm việc thứ 19, kỳ họp thứ bảy, QH khoá XII: Các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội

Ngày 11-6, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII bước sang ngày làm việc thứ 19. Tại Hội trường, với sự điều khiển của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, QH tiếp tục nghe các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn của các đại biểu QH.

Khai mạc World Cup 2010: Những sắc màu Châu Phi

Thời khắc mà cả thế giới mong chờ trong suốt 4 năm qua cuối cùng đã đến. Lễ khai mạc World Cup 2010 trên SVĐ Soccer City đã mang lại vô vàn những xúc cảm cho người hâm mộ trái bóng tròn. Những sắc màu Châu Phi đã được mô tả một cách đậm nét để thể hiện niềm tự hào của không chỉ nước chủ nhà Nam Phi mà còn của cả Lục địa đen...

Sâu rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

(HBĐT) - Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mêng năm nay đã bước vào tuổi 96 nhưng vẫn còn minh mẫn khi trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà tình nghĩa ở xóm Hang Đồi II, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn. Đôi mắt mẹ đôi lúc lại xa xăm nhớ những kỷ niệm về đứa con độc nhất đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - liệt sĩ Nguyễn Văn Trây.

Đảng bộ Đoạn Quản lý đường bộ I tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2010-2015

(HBĐT) - Trong 2 ngày 10 - 11/6, Đảng bộ Đoạn QLĐB I đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 20100-2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục