Đại diện các doanh nghiệp làm thủ tục
thông quan tại chi cục Hải Quan cửa
khẩu cảng Sài Gòn khu vự I

Đại diện các doanh nghiệp làm thủ tục thông quan tại chi cục Hải Quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vự I

Ðầu tháng 6-2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Nghị quyết của Chính phủ số 25/NQ-CP thông qua phương án đơn giản hóa 258 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH (TTHC) ưu tiên.

Theo tính toán, việc đơn giản hóa 258 thủ tục này giúp cắt giảm hơn 5.700 tỷ đồng mỗi năm chi phí tuân thủ TTHC của cá nhân và tổ chức. Như vậy, lợi ích tiềm năng của việc đơn giản hóa hơn 5.000 TTHC còn lại lớn hơn rất nhiều, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, nếu chúng ta đưa ra được các phương án cải cách tích cực, vừa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý của Nhà nước. Kết quả này một lần nữa khẳng định quyết tâm cải cách TTHC của Chính phủ một cách triệt để, theo hướng cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, xây dựng một môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.


Tháng 10-2009, giai đoạn một của Ðề án 30 đánh dấu sự thành công bằng việc lần đầu sau 64 năm thành lập nước, Thủ tướng Chính phủ ấn nút công bố cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC ở bốn cấp chính quyền trên mạng in-tơ-nét. Từ cuối năm 2009, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Tổ công tác chuyên trách và các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành giai đoạn hai rà soát các TTHC. Ðến nay, toàn bộ 63 địa phương và 24 bộ, ngành đã hoàn thành xong giai đoạn 2 của Ðề án 30 một cách cơ bản, đáp ứng được yêu cầu do Thủ tướng Chính phủ đề ra. Cụ thể, các bộ, ngành đã rà soát 5.565 TTHC, trong đó đề xuất bãi bỏ 453 thủ tục, sửa đổi, bổ sung 3.749 thủ tục, thay thế 288 thủ tục. Tỷ lệ kiến nghị đơn giản hóa TTHC trung bình của các bộ, ngành chiếm 81%, của các địa phương chiếm 66%. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, hầu hết đã đạt được chỉ tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC. Theo tính toán sơ bộ của các bộ, ngành, sẽ giảm được gần 30 nghìn tỷ đồng chi phí tuân thủ TTHC trong một năm cho người dân và doanh nghiệp. Ðây là tiền đề thuận lợi để chuẩn bị cho giai đoạn ba thực thi các phương án đơn giản hóa sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.


Ðáp ứng quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp


Bên cạnh tiến trình rà soát chung của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ giao 18 bộ, ngành, sáu địa phương và Hội đồng tư vấn cải cách TTHC rà soát 258 TTHC ưu tiên. Ðây là những thủ tục liên quan trực tiếp và có tác động lớn đến đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Việc lựa chọn các thủ tục ưu tiên căn cứ vào kết quả khảo sát cũng như tham vấn trực tiếp người dân và doanh nghiệp. Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp tiến hành rà soát độc lập các TTHC này trên cơ sở tham vấn chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương cũng như các cá nhân và tổ chức có liên quan. Theo tính toán, chỉ với việc đơn giản hóa 258 TTHC này đã giúp cắt giảm hơn 5.700 tỷ đồng mỗi năm cho người dân và doanh nghiệp.


Kết quả trên đạt được là nhờ sự nỗ lực của rất nhiều bộ, ngành có liên quan trong việc mạnh dạn đề xuất các phương án đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình, cũng như việc sẵn sàng tiếp thu các phương án cải cách mạnh mẽ do Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đề xuất. 


Trong tổng số 258 TTHC được đơn giản hóa, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 22 TTHC, Bộ Y tế 18, Ngân hàng Nhà nước 15, Bộ Công an 10, Bộ Giao thông vận tải 7... Ðặc biệt, Bộ Tài chính có nhiều thủ tục được đơn giản nhất gồm 61 TTHC, trong đó có 41 thủ tục thuộc lĩnh vực hải quan và 20 thủ tục thuộc lĩnh vực thuế. Sau khi đơn giản hóa, các thủ tục này sẽ đóng góp làm thay đổi môi trường kinh doanh, đầu tư  và đời sống nhân dân theo hướng tích cực hơn.  Cụ thể, trong lĩnh vực thuế, nổi bật hơn cả là phương án đơn giản hóa các thủ tục: Mua hóa đơn lần đầu và các lần tiếp theo đối với tổ chức kinh doanh, đăng ký mẫu hóa đơn tự in, đăng ký lưu hành hóa đơn tự in theo hướng mở rộng. Chỉ các tổ chức mới thành lập, các tổ chức, doanh nghiệp nhỏ và không có khả năng tự in hóa đơn mới phải áp dụng việc mua hóa đơn giá trị gia tăng do Bộ Tài chính phát hành. Ðối với thủ tục khai thuế giá trị gia tăng, sẽ tổ chức phân loại đối tượng để quy định tần suất kê khai thuế: chẳng hạn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa kê khai thuế ba tháng/lần, còn các doanh nghiệp lớn kê khai thuế một tháng/lần. Hay như thủ tục nộp thuế sẽ được sửa đổi cách thức thực hiện theo hướng mở rộng danh sách các ngân hàng tham gia hệ thống thông tin thu, nộp thuế, kể cả các ngân hàng thương mại cổ phần. Trong lĩnh vực hải quan, sẽ bãi bỏ một số TTHC như: Cấp thẻ ưu tiên thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, cấp thẻ nhân viên đại lý hải quan. Một số thủ tục được rút ngắn thời hạn giải quyết xuống dưới tám giờ như: Thủ tục hải quan chuyển cửa khẩu đối với hàng hóa đưa ra kho CFS, thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào kho CFS. 


Ðể thực thi thành công phương án đơn giản hóa 258 TTHC nêu trên, các bộ, ngành cần quyết liệt triển khai đồng bộ công tác cải cách TTHC, trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm xây dựng văn bản để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các TTHC theo đúng phương án đơn giản hóa đã được Chính phủ thông qua. Việc thực thi phương án đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên đòi hỏi phải sửa đổi ít nhất 14 luật và ba Pháp lệnh, 41 Nghị định, tám Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 60 Thông tư, 32 Quyết định của Bộ trưởng và một số văn bản hành chính khác.


Phát huy mô hình hợp tác công - tư trong việc cải cách TTHC


Hiện nay, Tổ công tác chuyên trách đang đánh giá, phân tích kết quả rà soát của các bộ, ngành, địa phương và nghiên cứu ý kiến tham gia đóng góp của người dân và doanh nghiệp để xây dựng phương án đơn giản hóa độc lập đối với hơn 5.000 TTHC còn lại. Trong tháng 7-2010, Tổ công tác chuyên trách sẽ tổ chức các cuộc hội thảo tham vấn với các bộ, ngành, cá nhân và tổ chức về phương án đơn giản hóa của các TTHC này. Dự kiến cuối tháng 7-2010, Tổ công tác chuyên trách sẽ hoàn thành việc xây dựng 24 dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phương án đơn giản hóa các TTHC thuộc phạm vi quản lý của 24 bộ, ngành, để gửi xin ý kiến các thành viên Chính phủ. Ðể hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ nói trên trong một thời gian rất ngắn, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác chuyên trách đã huy động hơn 100 chuyên gia từ các bộ, ngành, 50 luật sư từ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, 50 chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác để cùng với 50 cán bộ của Tổ công tác chuyên trách được tổ chức thành 14 nhóm nghiên cứu thực hiện việc rà soát độc lập hơn 5.000 TTHC. Nếu các phương án đơn giản hóa này được Chính phủ thông qua, hàng loạt các văn bản quy định về TTHC từ luật đến pháp lệnh, nghị định, quyết định của Thủ tướng, thông tư, quyết định của Bộ trưởng, quyết định của UBND các cấp sẽ phải được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp.


Bên cạnh yêu cầu bảo đảm nhiệm vụ quản lý nhà nước, mục tiêu cuối cùng của đề án là đưa ra những phương án tốt nhất, cắt giảm cao nhất chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Kinh nghiệm rà soát 258 TTHC ưu tiên trong thời gian qua cho thấy, ý kiến đóng góp quý báu từ phía người dân và doanh nghiệp là một trong những yếu tố quyết định chất lượng của các phương án đơn giản hóa TTHC. Chính vì vậy, hơn 5.000 phương án đơn giản hóa TTHC của các bộ, ngành do Tổ công tác chuyên trách đề xuất từ đầu tháng 6-2010 đã được đăng tải công khai trên trang tin điện tử của Ðề án 30 tại địa chỉ www.thutuchanhchinh.vn và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ nhằm tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi người dân và doanh nghiệp. Tất cả những nhận xét đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp xin gửi về địa chỉ tct30Úthutuchanhchinh.vn. Ðây là một cơ hội lớn cho mọi cá nhân và tổ chức trong việc tham gia xây dựng một hệ thống thể chế gọn nhẹ, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn cho công việc kinh doanh và đời sống hằng ngày của mình. Mỗi ý kiến xây dựng là một biểu hiện trách nhiệm với sự phát triển của đất nước, đồng thời cũng vì lợi ích của mỗi bản thân chúng ta. Về vấn đề này, các cơ quan báo chí, truyền thông có vai trò hết sức quan trọng trong việc kêu gọi ý thức công dân và giúp người dân hiểu  ý nghĩa thiết thực của việc đóng góp ý kiến hoàn thiện TTHC. Chúng ta tin tưởng rằng sự thống nhất cao trong lợi ích công - tư đó sẽ là động lực để mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức có liên quan chủ động, tích cực hơn nữa trong việc rà soát các TTHC.


 Quyết tâm chính trị, cách làm đúng và sự vào cuộc không ngại va chạm bảo đảm sự thành công của đề án


Ðề án 30 đang đi vào giai đoạn có ý nghĩa quyết định. Qua tham khảo, so sánh với các kinh nghiệm quốc tế về cải cách thể chế, Việt Nam đã có những bước đi vững chắc, đúng hướng trong công cuộc cải cách thể chế thông qua việc thực hiện Ðề án 30. Bài học thành công của Ðề án 30 đến thời điểm hiện tại có nhiều nét tương đồng với các thực tiễn tốt trong kinh nghiệm chung về cải cách thể chế của thế giới; đồng thời có những nét mới, sáng tạo như kinh nghiệm tăng cường giám sát, đôn đốc và hướng dẫn việc triển khai thực hiện; kinh nghiệm vận dụng các thực tiễn tốt của thế giới nhằm phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Theo đánh giá của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, thành công của Ðề án 30 tại Việt Nam sẽ là những kinh nghiệm tốt về cải cách thể chế cho nhiều quốc gia. Kinh nghiệm của Crô-a-ti-a và Ai Cập trong việc cải cách thể chế những năm gần đây cho thấy, những nỗ lực cải cách của các quốc gia này đã mang lại kết quả vượt qua biên giới quốc gia. Báo cáo Triển vọng kinh tế 2008 xếp Crô-a-ti-a đứng thứ hai toàn cầu về cải cách tốt nhất. Crô-a-ti-a chỉ đứng sau Ai Cập vốn là nước đã học tập kinh nghiệm cải cách từ Crô-a-ti-a. Thực tế đó cho phép chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng Việt Nam sẽ sớm cải thiện đáng kể vị trí thứ 93 của mình trong bảng xếp hạng này.


Quá trình triển khai việc rà soát 258 TTHC ưu tiên cho chúng ta thấy nhiều kinh nghiệm có thể đúc rút. Thứ nhất, quyết tâm chính trị là yếu tố tiên quyết bảo đảm thành công cho mọi quá trình cải cách, đặc biệt trong lĩnh vực hành chính công. Quyết tâm chính trị đó không chỉ ở cấp trung ương mà phải được quán triệt thông suốt đến mọi cấp ngành, địa phương để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Thứ hai, cơ quan điều phối đề án phải được trao trách nhiệm và quyền hạn, có vị thế tương đối độc lập để có thể đưa ra những ý kiến khách quan, thẳng thắn. Quá trình rà soát độc lập 258 TTHC ưu tiên cho thấy không phải lúc nào Tổ công tác chuyên trách cũng dễ dàng đạt được sự thống nhất về phương án đơn giản hóa với các bộ, ngành, địa phương có liên quan. Vì vậy, nếu không có được vị thế độc lập, chất lượng của các phương án đơn giản hóa khó có thể được bảo đảm. Thứ ba, phải tạo được lòng tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để họ tích cực đóng góp ý kiến cho Ðề án. Muốn vậy, cần phải chú trọng quá trình tham vấn cởi mở và thực chất để các đối tượng chấp hành TTHC thấy rõ được quyết tâm của cơ quan công quyền mong muốn chấm dứt tình trạng quan liêu, rườm rà không cần thiết của các loại TTHC. Không có ý kiến đóng góp của người dân và doanh nghiệp, các phương án đơn giản hóa TTHC không thể toàn diện và hiệu quả được. Thứ tư, truyền thông có vai trò hết sức quan trọng. Chính các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền cho Ðề án 30, tạo sự đồng thuận rộng lớn trong xã hội, cổ vũ những nhân tố tích cực, đẩy lùi sức ỳ của những thủ tục không còn bảo đảm các tiêu chí hợp pháp, cần thiết và hợp lý.
 
                                                                       Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Bác

Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn đại biểu đã bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144).

Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên

Những năm qua, việc thực hiện Quy định số 34-QĐi/TU, ngày 28/01/2019 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh đã đạt kết quả tích cực. Tỉnh ủy coi đây là phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng; là biện pháp thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh

Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh 


Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người "là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”. Trọn cả cuộc đời, Người dâng hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Học tập và làm theo Người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với tất cả các tổ chức đảng, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến và phụng sự đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội

Chiều tối 17/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ khoa học lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 17/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục