Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường.
Ngày 9-11, ngày làm việc thứ 17, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII, các đại biểu làm việc tại hội trường, nghe Ủy ban Thường vụ QH báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2001-2010 và thảo luận về nội dung quan trọng này.
Bước chuyển biến tích cực trong CCHC
Báo cáo giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày, nêu rõ: Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện các quy định về TTHC theo những định hướng trong các Nghị quyết của Ðảng, QH và Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001 - 2010. Ðã xây dựng, trình QH, Ủy ban Thường vụ QH ban hành, sửa đổi nhiều dự án luật, pháp lệnh quan trọng; đồng thời ban hành theo thẩm quyền và yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các TTHC cho phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, Chính phủ đã có nhiều biện pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến trình cải cách TTHC như thành lập tổ liên ngành giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp; quy định việc tiếp nhận, xử lý các vướng mắc của cá nhân, tổ chức về TTHC; áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000, 2008; đẩy mạnh tin học hóa một số dịch vụ hành chính công.
Kết thúc Giai đoạn I (2001 - 2005) đã có những chuyển biến tích cực, từng bước tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tiếp tục thực hiện Giai đoạn II (2006 - 2010) của Chương trình tổng thể CCHC, ngày 10-1-2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (gọi tắt là Ðề án 30) để triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, ở cả bốn cấp chính quyền đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Sau hơn ba năm thực hiện, đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Ðã công bố được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC tại bốn cấp chính quyền và công khai trên mạng in-tơ-nét, với hơn 5.700 TTHC, hơn 9.000 văn bản có quy định về TTHC và hơn 100 nghìn biểu mẫu thống kê TTHC. Ðây là lần đầu tiên Việt Nam đã thiết lập và công bố công khai bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trong hoạt động quản lý nhà nước. Kết quả này được nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, coi đây là đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế.
Hầu hết các ý kiến phát biểu đều cơ bản nhất trí với báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH về lĩnh vực quan trọng này, trong đó đồng tình với những đánh giá về những mặt đã đạt được, những hạn chế, bất cập cùng những nguyên nhân và những giải pháp khắc phục.
Ðã có những cải cách quan trọng trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở
Thảo luận về cải cách TTHC trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở, nhiều đại biểu (Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long), Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội), Phạm Thị Hải (Ðồng Nai), Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình), Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre)... và nhiều đại biểu khác) cho rằng, việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã có những cải cách quan trọng. Các quy định về giao đất, cho thuê đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư chi tiết, rõ ràng đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho địa phương tổ chức thực hiện.
Về cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất; đăng ký biến động về đất đai, đã hình thành hệ thống cơ quan đăng ký chuyên trách là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (là cơ quan dịch vụ công thuộc cơ quan tài nguyên và môi trường). Nhờ đó đã góp phần đẩy nhanh tiến độ cấp GCN. Hơn nữa, đã thống nhất cấp một loại GCN về quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tạo điều kiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản chỉ phải làm thủ tục cấp GCN một lần tại một cơ quan nhà nước. Hồ sơ địa chính đã được xây dựng, quản lý thống nhất ở một đầu mối, khắc phục tình trạng nhiều cơ quan quản lý, đã giảm ít nhất một phần hai thời gian giải quyết các TTHC so với trước đây...
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, việc phân cấp mạnh cho địa phương thực hiện các TTHC về đất đai và quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trong quản lý, điều hành của Nhà nước. Việc tiếp nhận hồ sơ thiếu kiểm tra, hướng dẫn đầy đủ nên có tình trạng hồ sơ không bảo đảm yêu cầu nhưng vẫn được tiếp nhận, dẫn đến người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, kéo dài thời gian do phải bổ sung hoặc làm lại hồ sơ. Một số địa phương quy định thêm một số thủ tục trùng lặp... gây lãng phí, bất bình trong xã hội và cơ quan quản lý cấp trên không nắm được thông tin để xử lý. Tình trạng cửa quyền, hách dịch còn nhiều, hiện tượng tiêu cực, tham nhũng khá phổ biến. Ðây là những nguyên nhân làm cho các doanh nghiệp mất thời cơ, làm tăng chi phí và làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Một số đại biểu đề cập việc quy định cấp một GCN quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhằm tạo thuận lợi cho người dân, song trên thực tế cũng đã phát sinh những vướng mắc. Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, một số địa phương tuy đã thành lập bộ phận một cửa trực thuộc UBND cấp huyện để thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả nhưng trên thực tế vẫn chưa bảo đảm yêu cầu một cửa vì người dân vẫn phải tự đến Kho bạc để thực hiện nghĩa vụ tài chính...
Một số ý kiến đồng tình với đánh giá trong báo cáo giám sát lĩnh vực nhà ở, xây dựng nhà ở, thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số bất cập, yếu kém. Một số địa phương chưa thực hiện phân cấp triệt để thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng; có địa phương chưa phân cấp do cán bộ cấp dưới chưa đủ năng lực thực hiện, nhưng cũng có nơi vẫn còn tình trạng níu kéo các quy định của cơ chế cũ, chưa thật sự tin tưởng việc phân cấp cho cơ sở...
Cơ bản khắc phục cơ chế xin - cho trong lĩnh vực thuế và hải quan
Ðánh giá kết quả cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan, các ý kiến phát biểu ghi nhận, thời gian qua đã xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế và triển khai cơ chế một cửa trong việc giải quyết các TTHC tại cơ quan thuế các cấp thống nhất trong toàn ngành từ năm 2007. Các TTHC thuế được thực hiện thông qua cơ chế một cửa đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ với người nộp thuế, góp phần ngăn ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu.
Về kết quả cải cách TTHC trong lĩnh vực hải quan, nhiều đại biểu nhất trí với đánh giá của báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, cho rằng: Thời gian qua, cơ chế xin - cho giữa hải quan và doanh nghiệp về cơ bản đã được khắc phục thông qua cải cách TTHC; đã thiết lập được cơ chế tự giác tuân thủ và chấp hành pháp luật của các bên. Các thủ tục hải quan được đơn giản hóa hơn so với trước đây; quy trình, thủ tục hải quan được đổi mới theo hướng đơn giản hóa, loại bỏ bớt khâu trung gian, thời gian thông quan được rút ngắn hơn 50% so với thời gian quy định. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai thực hiện trong lĩnh vực hải quan. Một số địa phương đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa liên thông giữa các đơn vị thuế, Kho bạc Nhà nước, hải quan trong việc thu, nộp thuế.
Ðiều quan trọng là chất lượng đội ngũ cán bộ
Nhiều ý kiến cho rằng, CCHC nói chung, TTHC nói riêng cần được tiến hành thường xuyên, liên tục bao gồm cả thể chế hành chính; tổ chức bộ máy; đội ngũ cán bộ, công chức và hiện đại hóa nền hành chính. Ðặc biệt là cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức. Ðây là khâu rất quan trọng trong tiến trình cải cách nền hành chính Nhà nước.
Nhiều đại biểu cho rằng, thời gian tới cần chú trọng làm rõ mối quan hệ giữa TTHC, bộ máy và vấn đề đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ được giao. Ðại biểu Phạm Thị Hải (Ðồng Nai) cho rằng, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010 và qua thảo luận tại hội trường, các đại biểu QH đã bày tỏ rất nhiều quan ngại về việc người dân, doanh nghiệp sẵn sàng đưa hối lộ để được việc và cán bộ, công chức cũng sẵn sàng nhận tiền hoặc gợi ý đưa tiền để thực hiện nhiệm vụ, xem đó như là một TTHC trong quy trình cải cách TTHC! Sự phục vụ tận tụy của những 'đầy tớ nhân dân' theo ý kiến của cử tri vẫn còn rất xa trong tiến trình CCHC.
Một số đại biểu phản ánh thực trạng, dù TTHC đã được niêm yết đầy đủ, nhưng người dân vẫn không hiểu hết để thực hiện. Vì vậy, người dân và doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền cho một cá nhân, tổ chức trung gian giúp họ mọi thủ tục để khỏi mất thời gian, khỏi bị phiền hà. Từ nhu cầu thực tế đó, xuất hiện đủ các loại 'cò' như 'cò đất', 'cò nhà', 'cò xây dựng', 'cò cấp giấy phép đầu tư', nhiều khi người dân lâm vào cảnh 'tiền mất tật mang'. Nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu ban hành cơ chế mở rộng các dịch vụ tư vấn xã hội hóa giống như các dịch vụ công chứng giúp người dân khi có nhu cầu. Ðại biểu Trần Thị Lộc (Bắc Cạn) cho rằng, chế độ tiền lương của cán bộ, công chức còn nhiều bất cập là một trong những nguyên nhân dẫn đến các tiêu cực trong việc thực hiện cải cách TTHC. Trong khi đó về chế độ động viên khen thưởng cơ chế khuyến khích động viên cán bộ, công chức, viên chức chưa được thực hiện nghiêm túc. Vì thế đội ngũ cán bộ có thể bị tác động bởi các nguồn lực, nguồn lợi bất hợp pháp từ các TTHC. Ðề cập tình hình tại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đại biểu Tống Văn Thoóng (Lai Châu), cho rằng, Chính phủ cần tăng cường, nâng cao chất lượng, chuyên môn của cán bộ, công chức cấp huyện và xã. Ðây là hai cấp rất quan trọng, trực tiếp với người dân, trực tiếp đến công việc và nắm chắc tình hình ở cơ sở. Ðội ngũ này cần được quan tâm, được đầu tư đào tạo nâng cao chuyên môn để đáp ứng được công việc được giao.
Ý kiến các Bộ trưởng về CCHC
Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết: Thời gian qua đội ngũ cán bộ làm ở các bộ phận giao dịch một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC đã được xem xét giải quyết phụ cấp làm thêm giờ. Liên quan việc nâng cao đời sống của cán bộ, công chức phải đi liền với lộ trình cải cách tiền lương chung. Ðể tính được việc nâng lương phải xem xét đồng bộ rất nhiều yếu tố, làm sao vừa động viên đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động; nhưng đồng thời phải tính được hiệu quả đầu tư để phát triển sản xuất, bảo đảm các lĩnh vực khác như QP-AN, những vấn đề về an sinh xã hội và tính cả nguồn dự trữ khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Ðịnh hướng vai trò tư nhân tham gia trong tiến trình cải cách TTHC thời gian tới, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nêu rõ, những việc Nhà nước làm cũng được mà tư nhân làm cũng được, thì chuyển cho tư nhân làm. Việc công chứng tư nhân vừa qua cho thấy đã giúp giảm bớt áp lực đối với cán bộ giải quyết TTHC cũng như đáp ứng yêu cầu của đông đảo nhân dân. Từ mô hình này, sắp tới mở ra thêm lĩnh vực nào cần xem xét kỹ, để vừa mở rộng cho tư nhân, nhưng phải bảo đảm quản lý xã hội tốt.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo tính toán để đơn giản hóa gần 5.000 thủ tục của 24 bộ, ngành, đã ban hành nhiều văn bản, thông tư...; tại 63 địa phương phải sửa đổi 3.000 văn bản. Bộ trưởng nhất trí với ý kiến của nhiều đại biểu là, thành công của Ðề án 30 mới chỉ là bước đầu, quan trọng và quyết định là hoàn thành trong thời gian sớm nhất việc thực thi đơn giản hóa 5.000 thủ tục còn bất cập, kiểm soát tránh phát sinh thủ tục mới và để người dân giám sát. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, còn nhiều sự nhũng nhiễu người dân trong khi thực hiện các TTHC. Chính phủ thấy rõ những hạn chế, nguyên nhân và đang triển khai các giải pháp, trong đó ưu tiên đến quý bốn năm 2010 và sáu tháng đầu năm 2011 thực thi xong 5.000 thủ tục, đồng thời thực hiện nghị định kiểm soát ban hành thủ tục và tiếp thu ý kiến phản ánh về TTHC để từng bước nâng cao thể chế, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng đề nghị QH ưu tiên đưa vào chương trình xây dựng luật 2011 Luật sửa đổi những luật thuộc các lĩnh vực được giám sát và thống nhất với ý kiến đề xuất của nhiều đại biểu QH về việc QH ra Nghị quyết chuyên đề về giám sát cải cách TTHC. Ðề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định, chính sách về cải cách TTHC. Thiết tha đề nghị người dân tiếp tục giám sát, kịp thời phát hiện nhũng nhiễu, tiêu cực để phản ánh với cơ quan chức năng.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên xin tiếp thu ý kiến đại biểu và cử tri về lĩnh vực đất đai và cho rằng, những ý kiến này phản ánh đúng những bất cập hiện nay về thủ tục đất đai. Về sửa đổi Luật Ðất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập năm đoàn đi kiểm tra địa phương. Hiện đang chuẩn bị đề cương dự thảo báo cáo về sửa Luật Ðất đai, trong đó dành 1 chương về TTHC liên quan đến TTHC về đất đai.
Giải trình về ý kiến cho rằng thủ tục còn rườm rà, Bộ trưởng cho biết trong quản lý đất đai có 85 thủ tục, cấp tỉnh 41 thủ tục, huyện 33 thủ tục còn lại là cấp xã. Bộ đã thay thế 66 thủ tục bằng 54 thủ tục mới, giảm 52% chi phí, tiến tới sẽ tiếp tục giảm tiếp. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng đã giải trình về việc rút ngắn thời gian làm thủ tục; Vấn đề một cửa; Về sự trùng lặp chức năng của Phòng tài nguyên môi trường, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và trung tâm phát triển quỹ đất; và Về đăng ký thế chấp đất.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đồng tình cao với ý kiến các đại biểu QH rằng, muốn cải cách TTHC phải ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước. Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh việc đưa công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ðến nay gần 90% công chức ở trung ương, 40% công chức cấp huyện đã có máy tính.
Sẽ trình QH Nghị quyết chuyên đề về cải cách TTHC
Phát biểu kết thúc ngày làm việc, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các cấp tiếp tục rà soát để tự mình hoặc trình QH, Ủy ban Thường vụ QH sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ những quy định không phù hợp để hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất từ trung ương đến địa phương, loại bỏ những khâu trung gian không cần thiết, những thủ tục được ban hành không đúng thẩm quyền, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết công việc của công dân, tổ chức. Ðồng thời duy trì có hiệu quả cơ chế kiểm soát TTHC tránh quy định những TTHC gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân; sớm tổng kết để từ đó có sự chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Trong việc cải cách TTHC cần đặc biệt chú trọng đến yếu tố con người, cả về trình độ, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ và phẩm chất, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức. Ðồng thời coi trọng cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện trong nội bộ của cơ quan, tổ chức; thực hiện công khai đầy đủ cụ thể về TTHC, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan, cán bộ, công chức để nhân dân tham gia giám sát.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện Giai đoạn III, Ðề án 30 quyết liệt hơn nữa nhằm đạt mục tiêu chung về CCHC Nhà nước đã đề ra, đồng thời tổng kết việc thực hiện chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2001- 2010 để xây dựng chương trình CCHC Nhà nước cho giai đoạn tiếp theo. Chú trọng hơn nữa cải cách thể chế và tổ chức bộ máy Nhà nước, đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Trong thời gian trước mắt, QH cần sớm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh việc sửa đổi, bổ sung một số đạo luật có liên quan. Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình nghiên cứu ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền để tiếp tục thực hiện cải cách TTHC, nhất là trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp được nêu trong phạm vi của báo cáo giám sát.
QH, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, HÐND, đại biểu QH, đại biểu HÐND theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và giám sát việc thực hiện cải cách TTHC, có cơ chế thích hợp để khuyến khích, động viên nhân dân, doanh nghiệp và các phương tiện thông tin đại chúng tham gia giám sát việc thực hiện cải cách TTHC. Việc QH ra Nghị quyết chuyên đề về giám sát cải cách TTHC, trên cơ sở báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH và ý kiến của đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết của QH về vấn đề này và trình QH xem xét thông qua tại một phiên họp khác trong kỳ họp này.
Theo Báo Nhandan
(HBĐT) - Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà đại đoàn kết mới vừa hoàn thiện, ánh mắt của ông Hoàng Văn Xuân ở xóm Sáng, xã Cao Răm (huyện Lương Sơn) rạng rỡ niềm vui bởi giờ đây, sau mấy chục năm vất vả, gia đình ông thoả ước nguyện sống trong một “mái ấm” rộng rãi, khang trang. Với ông, sự quan tâm, chăm lo của cộng đồng là động lực giúp gia đình ông vượt qua cảnh cơ hàn.
(HBĐT) - Từ ngày 2 - 4/11/, Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ Yên Thuỷ đã phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện mở lớp tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng cho 76 đồng chí uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ cơ sở.
Ngày 8-11, ngày làm việc thứ 16, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XII. Các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; dự thảo Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011.
Đến thời điểm này, 63/67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương trong toàn Đảng đã hoàn thành việc tổ chức Đại hội Đảng ở các cấp.
(HBĐT) - Ngày 8/11, Đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Bùi Ngọc Lâm, Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm GD-LĐXH Lạc Sơn. Tham gia đoàn giám sát có lãnh đạo các Ban: KT-NS, VH-XH-DT, Pháp chế (HĐND tỉnh); lãnh đạo các sở, ngành: LĐ-TBXH, Tài chính, Công an, Nội vụ.
(HBĐT) - Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện Mai Châu 2 km, song Nà Phòn gặp không ít khó khăn trong phát triển KT – XH. Tuy là một xã thuần nông, nhưng đất canh tác nông nghiệp ít. Người dân không chủ động được sản xuất do cả xã chỉ có một nguồn nước ở đập Mỏ Hào, xóm Phiềng Phung. Năm nào ít mưa, các hộ không chủ động được nguồn nước tưới, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều trở ngại.