Ngày 28-1, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1.

 

Ðánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 1, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 15 ngày đầu tháng 1 ước đạt hơn 23,7 nghìn tỷ đồng, bằng 4% dự toán năm. Vốn đầu tư từ NSNN thực hiện tháng 1 ước đạt khoảng 13 nghìn tỷ đồng, bằng 7,5% kế hoạch năm và tăng 16,7% so cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng 1 thực hiện đạt 420 triệu USD, tăng 5% so cùng kỳ. Tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm tháng 1 đạt gần 188 triệu USD, bằng 15,7% so cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến nay, nguồn vốn ODA được ký kết thông qua các hiệp định vốn vay của Nhật Bản đạt tổng trị giá 712,96 triệu USD. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 1 ước đạt sáu tỷ USD, tăng 18,1% so cùng kỳ và cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%). Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 1 ước khoảng bảy tỷ USD, tăng 15,5% so cùng kỳ năm trước. Nhập siêu tháng 1 là một tỷ USD, bằng 16,7% kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 1,74% so tháng trước. Mặc dù là tháng giáp Tết Nguyên đán song mức tăng CPI này thấp hơn hai tháng gần đây. Nguyên nhân dẫn đến việc giá tăng chủ yếu do giá hàng hóa trên thị trường thế giới, nhất là giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh gây áp lực tăng giá thị trường hàng hóa trong nước. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1 ước đạt 73,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so cùng kỳ. Về sản xuất nông nghiệp, trong tháng, do tình hình thiếu nước và rét đậm, rét hại kéo dài tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Về hoạt động thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 ước đạt gần 150 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1% so cùng kỳ năm 2010.

Ðánh giá chung trong tháng, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 9-1 của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán bước đầu đã thu được những kết quả nhất định. Sản xuất nông nghiệp tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai nhưng vẫn phát triển ổn định; giá cả, thị trường được kiểm soát. Ðời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật được quan tâm; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm và có sự phát triển tốt. Tuy nhiên, tình hình thiên tai, hạn hán, dịch bệnh vẫn diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân; sức ép tăng giá cả hàng hóa từ thị trường thế giới sẽ gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát trong nước thời gian tới.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư kiến nghị sáu nhóm giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới: các ngành, các cấp phổ biến, tuyên truyền và tổ chức triển khai Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2011-2015; tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 9-1 của Chính phủ, thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường quản lý thị trường, bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường giá cả, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân bổ, triển khai kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011 đến các đơn vị cơ sở; tập trung công tác phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài, khắc phục khó khăn bảo đảm đủ nước tưới cho sản xuất vụ đông xuân; tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông; chuẩn bị và tổ chức cho nhân dân đón Tết Tân Mão vui tươi, lành mạnh, chú trọng chăm lo Tết cho gia đình thuộc diện chính sách, gia đình nghèo...

Tại phiên họp, Bộ Công thương dự báo sức mua dịp Tết tăng từ 20 đến 25% so Tết năm trước. Ðến nay, các doanh nghiệp cơ bản dự trữ đủ nguồn hàng phục vụ nhân dân. Hiện có 44 địa phương bố trí ngân sách để dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Tân Mão với tổng trị giá khoảng 1.490 tỷ đồng.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Ngay từ tháng đầu năm 2011, trong không khí phấn khởi Ðại hội lần thứ XI của Ðảng thành công, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2006-2010, chúng ta có thể tự hào nhận thấy trong điều kiện khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới những năm qua nhưng đất nước đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu to lớn, đặc biệt là một trong số ít nước đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2010. Tình hình chung tháng 1 chuyển biến tích cực. Các bộ, cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiệm vụ toàn diện, đồng đều trên tất cả các lĩnh vực. Mặc dù gặp nhiều thiên tai nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn thuận lợi. Sản xuất công nghiệp trở lại thời kỳ tăng trưởng cao, xuất khẩu tháng 1 tăng khá so cùng kỳ. Ði đôi phát triển kinh tế, công tác cải cách hành chính, an sinh xã hội được bảo đảm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục, an ninh trật tự được giữ vững.

Thủ tướng nhấn mạnh: Hiện nay, tình hình thiên tai, hạn hán, dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương quyết liệt chỉ đạo bà con tranh thủ lấy nước đổ ải từ các hồ thủy điện, không để lãng phí tài nguyên nước; chỉ đạo phòng, chống rét cho trâu, bò, gia súc tại các tỉnh, phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch lở mồm long móng cần được chỉ đạo, giải quyết dứt điểm.

Ðề cập vấn đề kinh tế vĩ mô, Thủ tướng lưu ý còn có những dấu hiệu đáng lo ngại như giá cả các mặt hàng tăng cao, nhất là dịp giáp Tết Nguyên đán, do đó, các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp đồng bộ để kiểm soát. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phải thực hiện các giải pháp kinh tế để giảm dần lãi suất cho vay theo lộ trình tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó phải giữ ổn định tỷ giá ngoại tệ, quản lý chặt giá vàng, không để xảy ra biến động trên thị trường. Thủ tướng chỉ rõ, trách nhiệm của NHNN phải bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ ngoại tệ cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, bảo đảm thanh khoản cho các ngân hàng, bảo đảm đủ lượng tiền mặt cho nhu cầu chi tiêu dịp Tết. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính bám sát diễn biến tình hình để thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp;  phấn đấu giảm bội chi NSNN năm 2011 xuống còn khoảng 5% bằng cách tăng thu, cố gắng giảm nhập siêu dưới mức 18% kim ngạch xuất khẩu, đồng thời chú ý  giải quyết vốn cho sinh viên nghèo vay.

Ðể tiếp tục chỉ đạo toàn diện, triển khai quyết liệt, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu chủ yếu ngay từ năm đầu tiên của kế hoạch năm năm 2011-2015, đưa Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng vào cuộc sống, Thủ tướng đề nghị: Các bộ, ngành, địa phương quán triệt, rà soát những việc cần triển khai từ đầu năm để chỉ đạo, đôn đốc, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, kinh doanh và dịch vụ, cơ cấu lại nền kinh tế. Thủ tướng lưu ý vấn đề đầu tư công và tập trung khắc phục tối đa tình trạng thiếu điện, giao Bộ trưởng Công thương chỉ đạo để thu xếp vốn khởi công những công trình điện mới. Ðối với các công trình giao thông sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đang gặp khó khăn về bố trí nguồn vốn, Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan rà soát, tháo gỡ khó khăn để sớm phân bổ nguồn vốn đã phê duyệt, thúc đẩy tiến độ đầu tư.

Năm 2011, nhiệm vụ hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Khó khăn khách quan là giá cả thế giới, nhất là lương thực, xăng dầu liên tục tăng cao, bên cạnh đó, nền kinh tế trong nước còn vấn đề về cơ cấu, năng suất, chất lượng tăng trưởng... Do đó các bộ, ngành, địa phương cần phân tích rõ tình hình để đề ra các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá cả. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề điều chỉnh giá một số mặt hàng theo thị trường như giá điện, than cho điện, xăng, dầu. Những mặt hàng này, lâu nay được kìm giá, giá bán không phản ánh đúng chi phí, dẫn tới làm 'méo mó' thị trường, trong khi NSNN không thể bù lỗ được. Thủ tướng chỉ đạo sau Tết Nguyên đán, các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng trên theo lộ trình, trước hết là giá điện và xăng, dầu. Mức điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh sẽ phải báo cáo để Thường trực Chính phủ để xem xét và quyết định. Ði đôi việc điều chỉnh tăng giá điện, cần có phương án hỗ trợ các hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, vùng sâu vùng xa...

 Thủ tướng chỉ đạo, trước mắt các bộ, ngành, địa phương cần tập trung lo Tết Nguyên đán cho nhân dân vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, chú ý lo Tết cho người nghèo, các hộ chính sách. Bảo đảm cấp phát gạo đến tận tay các đối tượng được hưởng trợ cấp;  cung ứng đủ nguồn hàng, kiểm soát giá cả, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại... Bộ Công an phối hợp Bộ Giao thông vận tải bảo đảm  cho nhân dân đi lại an toàn trong dịp Tết, kiểm soát không để tai nạn giao thông tăng đột biến; bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trong dịp Tết Nguyên đán, nhất là tại các địa bàn trọng yếu, ngăn chặn tình trạng đốt pháo.

*  Chiều 28-1, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Chính phủ đầu năm 2011 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Cùng dự có đại diện các bộ: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Ðầu tư và Tài chính. Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo tóm tắt những nội dung chính của Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2011.

 

                                                                          Theo Báo Nhandan

 

 

Các tin khác


Quản lý, sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tránh thất thoát, lãng phí

Hôm nay 25/5, ngày làm việc thứ 6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian xem xét kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã phát biểu đóng góp ý kiến. Báo Hòa Bình giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí trong các dự án quan trọng quốc gia

Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, các chính sách tại Nghị quyết số 43 là kịp thời, hợp lòng dân song vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong quá trình thực hiện.

Giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo: Phát huy vai trò người đứng đầu giải quyết thấu đáo việc liên quan đến người dân

Với phương châm, quan điểm lãnh đạo xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự "vì nhân dân phục vụ”; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có phong cách làm việc "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”... thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh luôn chú trọng giải quyết thấu đáo các vấn đề liên quan đến người dân, nhất là công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân.

Huyện Cao Phong đưa việc học tập và làm theo Bác đi vào thực chất

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Phó Bí thư TT Huyện ủy Cao Phong cho biết: Xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo (HT<) tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (Kết luận số 01-KL/TW) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Huyện ủy Cao Phong đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01 và thực hiện chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hàng năm gắn với thực hiện NQT.Ư 4 (khóa XII) và Kết luận số 21, ngày 25/10/2021 của BCH T.Ư Đảng (khóa XIII) về "đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương… Trong đó chú trọng đưa nội dung HT< tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của đảng bộ cấp mình gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; lựa chọn nội dung trọng tâm, đột phá, những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, đơn vị để lãnh đạo thực hiện, tránh qua loa, hình thức ở cơ sở...

Nghiên cứu, rà soát các quy định bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ

Thảo luận tổ chiều 24/5 về dự thảo Luật Cảnh vệ, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cơ bản đồng tình với nội dung của 2 dự thảo luật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị: Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định trong dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục